Tuổi trẻ góp sức xây dựng quê hương

05:04, 01/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là vùng đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, đến nay, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã có nhiều khởi sắc. Đóng góp vào những đổi thay đó có phong trào thi đua làm kinh tế giỏi trong lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường về gia công cơ khí, làm các sản phẩm nhôm, sắt ngày càng nhiều, với vốn kiến thức được đào tạo bài bản, anh Trần Quốc Ân (31 tuổi), ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê quyết định khởi nghiệp bằng cách mở xưởng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ban đầu, anh chủ yếu nhận gia công sắt, thép với 3 công nhân làm việc thường xuyên. Sau đó, anh Ân sử dụng Facebook để tiếp cận thị trường. Tất cả thông tin về sản phẩm đều được anh cập nhật thường xuyên lên mạng để người tiêu dùng thuận lợi trong việc lựa chọn.  
Xưởng sản xuất mộc của anh Phạm Hồng Nhật, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xưởng sản xuất mộc của anh Phạm Hồng Nhật, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ nhạy bén, sáng tạo trong cách tiếp cận thị trường mà cơ sở nhôm kính của anh Ân ngày càng ăn nên làm ra. Từ đó, anh có điều kiện đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, đa dạng sản phẩm. Hiện xưởng cơ khí của anh tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 7,5 đến 11 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Quốc Nghĩa, làm việc tại xưởng sản xuất của anh Ân, cho biết: “Trước đây không có việc làm ổn định, tôi phải tha phương để mưu sinh. Từ ngày về quê tham gia làm với anh Ân, thì kinh tế gia đình đã ổn định hơn”.
 
Anh Phạm Hồng Nhật, ở thôn Trường Định, thì lập nghiệp thành công trên quê hương với nghề mộc. Xưởng gỗ Nhật Thành Công của anh được nhiều người biết đến. Năm 2004, anh  vào TP.Hồ Chí Minh học hỏi kỹ thuật từ các xưởng sản xuất gỗ lớn để nâng cao tay nghề. Năm 2012, anh về quê cùng với anh em trong gia đình đứng ra mở xưởng mộc. Nhờ được địa phương hỗ trợ vay vốn đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm gỗ của anh Nhật có độ tinh xảo, sắc nét, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Xưởng gỗ của anh Nhật hiện giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. 
 
Ngoài hai cơ sở sản xuất trên, chúng tôi được Xã đoàn Tịnh Khê giới thiệu mô hình sản xuất nước uống đóng chai của anh Ngô Văn Luyện, ở thôn Mỹ Lại. Từ thanh niên khó khăn về kinh tế, anh Luyện đã mạnh dạn học hỏi, chọn mô hình sản xuất nước uống đóng chai để khởi nghiệp. Sau 2 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở đã cung cấp ra thị trường từ 200 - 300 lít nước uống đóng chai mỗi ngày. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định. 
 
Bí thư Xã đoàn Tịnh Khê Đỗ Văn Đường cho biết: Những năm qua, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên ở địa phương, Xã đoàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng đoàn viên trong phát triển kinh tế. Xã đoàn đã hỗ trợ 121 thanh niên vay vốn, với số tiền 2,5 tỷ đồng để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Toàn xã hiện có 17 mô hình thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương. Nhiều thanh niên đã năng động, vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 

.