Nhân Ngày Thế giới bảo vệ tầng ozôn (16.9): Trách nhiệm của cả loài người

10:09, 16/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 16.9 hằng năm là ngày mà các quốc gia trên thế giới tổ chức các hoạt động với mục tiêu loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozôn để bảo vệ tầng khí quyển có chức năng lọc ánh sáng mặt trời, ngăn chặn bức xạ tia cực tím có hại chiếu xuống bề mặt trái đất, bảo vệ sự sống trên trái đất.

Sự suy giảm của tầng ozôn

Ozone là lớp khí quyển mỏng trong thành phần không khí bao quanh quả đất. Ozone có đặc tính quý báu là hấp thụ tia cực tím (UV) của mặt trời nên được đánh giá là tấm lá chắn quan hệ bảo vệ con người và sự sống trên mặt đất khỏi tác hại của UV.

Lỗ thủng tầng ôzôn được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên năm 1987 ở Nam Cực đã làm chấn động dư luận toàn cầu, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc về môi trường và sức khỏe con người.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự phá hủy tầng ozone là do các hợp chất hóa học như CFC, HCFC, HFC (hóa chất được sử dụng trong cơ chế làm lạnh của thiết bị điều hòa, máy lạnh, chất tẩy công nghiệp...) có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao gấp ngàn lần CO2.

Chính lỗ thủng này đã tác động đến việc thay đổi luồng gió và phần mây bao phủ phía trên Nam Cực, là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, sức khỏe con người suy giảm như hiện nay.

 

Ozone là lớp khí quyển mỏng trong thành phần không khí bao quanh quả đất.
Ozone là lớp khí quyển mỏng trong thành phần không khí bao quanh quả đất. Ảnh: Internet



Các nhà khoa học tiên đoán năm 2100, nếu không có những động thái tích cực, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 6.4 độ C, mực nước biển sẽ tăng hơn 59cm, băng giá và băng ở địa cực sẽ bị tan chảy. Các đợt sóng nhiệt, mưa dông và mực nước biển tăng lên ở các vùng nhiệt đới kèm theo những cơn gió lốc xoáy dữ dội, gió bão và các cơn mưa lớn ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

Tầng ozôn bị suy giảm và có các lỗ hổng, lượng tia UV đi tới bề mặt trái đất ngày càng tăng, gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người và hệ sinh thái, như tỷ lệ ung thư da tăng lên, hệ miễn dịch trong cơ thể con người và động vật bị suy giảm và năng suất cây trồng cũng giảm.

Các nhà khoa học tính rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, lượng chất phá hủy tầng ozôn trong khí quyển Trái đất có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050, gây thêm 20 triệu ca bệnh ung thư da và 130 triệu ca bệnh đục thủy tinh thể.

Nghị định thư Montreal

Nhận thức được những hiểm họa do tầng ozon suy giảm gây ra, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi tất cả các nước hạn chế sản xuất và sử dụng các chất ODS. Đó cũng là lý do ra đời của Nghị định thư Montreal năm 1987, thể hiện quyết tâm toàn cầu trong việc bảo vệ tầng ôzôn.

Năm 1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố lấy ngày 16.9 hàng năm là ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone nhằm kỷ niệm ngày ký kết nghị định thư Montreal. Mục tiêu của Nghị định thư Montreal là dần loại trừ hoàn toàn chất chất làm suy giảm tầng ozon.

Nghị định thư Montreal được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay với sự đồng thuận và tham gia của 100% các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Nghị định thư cũng được tất cả các ngành, tập đoàn công nghiệp và người dân toàn cầu ủng hộ.

Nghị định thư Montreal cũng đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại đối với các chất ODS (các chất làm suy giảm tầng ozôn), thiết lập quỹ đa phương (do các nước công nghiệp phát triển chịu trách nhiệm đóng góp) để trợ giúp các nước đang phát triển thi hành nghị định thư này.

Nghị định thư Montreal được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 1990 và 1992 nhằm tăng cường kế hoạch loại trừ các chất ODS theo từng giai đoạn, theo nguyên tắc không gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong việc cắt giảm các chất ODS.

 

Các hóa chất, chất tẩy từ các nhà máy... là một trong những nguyên nhân gây ra sự phá hủy của tầng Ozôn.
Các hóa chất, chất tẩy từ các nhà máy... là một trong những nguyên nhân gây ra sự phá hủy của tầng Ozôn. Ảnh: Internet



Các nước đang phát triển, được gia hạn thêm mười năm so với các nước phát triển trong việc loại trừ các chất ODS, yêu cầu được hỗ trợ tài chính và được chuyển giao công nghệ không sử dụng ODS để thực hiện việc cắt giảm các chất này theo các điều khoản của Nghị định thư Montreal.

Nỗ lực bảo vệ

Bình quân mỗi năm Quỹ đa phương chi khoảng 150 triệu USD giúp các công ty ở các nước đang phát triển chuyển từ sản xuất các sản phẩm có chứa CFC2 sang các sản phẩm sử dụng các chất không phá hủy (hoặc phá hủy ở mức độ ít hơn) tầng ozone như HCFC2, HFC2 và các loại hóa chất khác trong các sản phẩm như bình xịt tóc, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... 2,1 tỷ USD đã được chi những năm qua nhằm bảo vệ tầng ozôn của quả đất.

Nhờ nỗ lực của các nước và cộng đồng quốc tế, sau nhiều thập niên bị hủy hoại, tầng ozôn của quả đất đang phục hồi.

Mặc dù tháng 1.1994 mới tham gia Nghị định thư Montreal nhưng đến tháng 1.2010 không còn doanh nghiệp nào tại Việt Nam sử dụng CFC trong sản xuất mỹ phẩm. Lĩnh vực làm lạnh và điều hoà không khí cũng đạt được những kết quả khả quan với việc giảm trung bình mỗi năm 3,6 tấn CFC 11 trong ngành dệt may, 5,8 tấn CFC 12 trong sử dụng điều hoà không khí ô tô và 40 tấn CFC trong các thiết bị làm lạnh thương mại và gia dụng…

Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn lượng tiêu thụ hằng năm các chất làm suy giảm tầng ozôn, đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Song song với loại trừ lượng tiêu thụ hằng năm các chất làm suy giảm tầng ozôn, Việt Nam đã và đang đang chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, công tác ứng phó biến đổi khí hậu đã được sự quan tâm và triển khai thực hiện của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành các cấp và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tại Quảng Ngãi cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011- 2020. Với mục tiêu là nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể, phòng tránh và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Cụ thể hóa kế hoạch này, tỉnh Quảng Ngãi đang đề xuất xây dựng dự án đê, kè Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh); Trồng rừng ngập mặn ở Bình Sơn; Đánh giá mức độ và tác động biến đổi khí hậu đảo Lý Sơn; Đánh giá mức độ và tác động biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ngãi.



Ái Kiều


 


.