Nước Pháp chìm trong làn sóng đình công

03:10, 17/10/2010
.

Khoảng 2,5 đến 3 triệu người đã xuống đường trong ngày đình công thứ 5 trên khắp nước Pháp để phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, các thủ lĩnh công đoàn cho hay. Tuy nhiên cảnh sát ước tính số người tham gia khoảng 1 triệu.

Theo kế hoạch cải cách hưu bổng mà chính phủ Pháp đưa ra, tuổi nghỉ hưu tăng từ 60 lên 62; người muốn được nhận chính sách hưu trí toàn diện phải ở tuổi 67, thay vì 65 như trước.

Trong cuộc đình công nhiều ngày qua, hầu hết các nhà máy lọc dầu đều bị ảnh hưởng, gây ra một cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại các sân bay và trạm bơm xăng.

Người Pháp tuần hành gần quảng trường Bastille, Paris, hôm 16/10 để phản đối kế hoạch cải cách hưu bổng. Ảnh: AFP.
Người Pháp tuần hành gần quảng trường Bastille, Paris, hôm 16/10 để phản đối kế hoạch cải cách hưu bổng. Ảnh: AFP.
Kế hoạch cải cách hưu bổng nói trên đã được quốc hội (tương đương với hạ viên) thông qua. Thượng viện thì chấp nhận một số điểm cơ bản trong việc tăng tuổi nghỉ heu, và sẽ bỏ phiếu quyết định số phận kế hoạch này vào thứ tư.

Để phản đối kế hoạch này, các cuộc đình công đã diễn ra trên khắp cả nước, từ Paris, Marseille, Lyon, Bordeaux đến Lille, Toulouse. Các nghiệp đoàn đã tổ chức hơn 200 cuộc tuần hành.

"Chúng tôi đến đây không phải để làm nước Pháp suy yếu và thiếu hụt, chúng tôi đến đây để người ta nghe được tiếng nói của chúng tôi", Christian Coste, một thành viên nghiệp đoàn, nói với AP. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra ở Paris và được dập tắt ngay sau đó. Tuy nhiên, theo nhận xét của BBC, đó là dấu hiệu cảnh báo giới chức rằng tình hình có thể tuột khỏi tầm kiểm soát bất cứ lúc nào.

Hôm thứ sáu, cảnh sát đã dùng hơi cay với các sinh viên tham gia tuần hành và bắt 200 người. Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux phải cảnh báo với lực lượng an ninh hạn chế sử dụng vũ lực.

Toàn bộ 12 nhà máy lọc dầu của Pháp bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công hiện nay. 10 trong số này đã đóng cửa hoặc đang trong quá trình ngừng vận hành. Nhiều cột bơm nhiên liệu đã bị phong tỏa.

Tuy nhiên hai đường ống lớn cung cấp xăng cho các sân bay của Paris đã hoạt động trở lại, sau khi bị ngắt một thời gian vì đình công. Nước Pháp cũng có kho dự trữ xăng dầu dùng được cho 3 tháng. Tuy nhiên, tình trạng hoảng loạn đi mua vét nhiên liệu đã xảy ra ỏ một số nơi khi 10% số trạm bơm hết xăng.

Các cuộc đình công ở Pháp diễn ra nhiều ngày kể từ tháng 9, trung bình mỗi tuần có một cuộc. Đình công được phát động ở nhiều nghiệp đoàn. Ở Marseille, rác rưởi chất đống ở cảng bở công nhân ngành thu dọn bãi công bốn ngày. Nhiều trường học trên cả nước đóng cửa khi sinh viên học sinh cũng tham gia hoạt động đình công. Các nghiệp đoàn xe tải đang cân nhắc có tổ chức bãi công vào ngày mai hay không.

Thủ lĩnh nghiệp đoàn đầy thế lực CGT của Pháp, ông Bernard Thibault, cảnh báo rằng thậm chí ngay cả khi luật đã được thông qua rồi, những cuộc biểu tình cũng sẽ không ngừng lại, AFP cho hay.

"Hôm nay họ tưởng rằng họ có thể thông qua luật đó. Chờ mà xem, vẫn còn một ngày biểu tình và đình công nữa vào thứ ba tới", ông nói trên đài Europe 1 và nhắc đến việc từng có luật được thông qua nhưng hầu như không bao giờ áp dụng được do sức ép phản đối từ những cuộc biểu tình.

Tuy nhiên chính phủ chưa tỏ dấu hiệu nào là sẽ lùi bước, bởi dự luật này là một trog những hòn đá tảng của chính sách cải cách mà Tổng thống Nicolas Sarkozy chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống 2012.
 
Theo VnMedia

.