Lễ hội độc đáo ở Lý Sơn

09:02, 05/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Mùng bốn có hội đua ghe/ Cho đến Mùng bảy bắt phe dồi bòng”. Đó là câu ca lưu truyền từ bao đời nay của cư dân huyện đảo Lý Sơn về lễ hội đua thuyền diễn ra từ ngày Mùng bốn đến Mùng bảy tết Nguyên đán hằng năm.
[links()]
 
Duy trì gần 200 năm qua, Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn hiện đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Nghi lễ của tâm linh và khát vọng
 
Dòng họ Dương là một trong bảy tộc họ tiền hiền dong thuyền từ đất liền ra Lý Sơn. Ông Dương Hữu Nghĩa - Trưởng ban Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa làng An Hải cho biết, phổ hệ dòng tộc gồm 11 cuốn, trong đó có nhắc đến Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn có từ năm 1827.
 
Cuốn gia phả dòng họ Dương ở Lý Sơn mà ông Nghĩa nhắc đến được đánh giá là đồ sộ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay tại Lý Sơn. Nó được nhiều nhà nghiên cứu biết đến và Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang dịch cuốn gia phả này. “Những gì tiền nhân ghi lại sẽ làm sáng tỏ hơn Lễ hội đua thuyền tứ linh và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mà người Lý Sơn luôn tự hào”, ông Nghĩa bày tỏ.
 
Đua thuyền đầu xuân ở Lý Sơn. Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Đua thuyền đầu xuân ở Lý Sơn. Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Giải thích phần nghi lễ và phần hội của lễ hội đặc sắc này, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, người có gần 30 năm nghiên cứu văn hóa Lý Sơn đúc kết, với nghi thức cúng tế trang nghiêm trước, trong và sau cuộc đua thuyền, thì đây là tín ngưỡng hầu thần, nghinh thần. Cuộc đua là màn diễn xướng dân gian mang tính chất nghi lễ cầu thần linh (các thần biển) phù hộ cho những cuộc ra khơi và cuộc sống yên bình. Chính yếu tố tín ngưỡng này đã làm nên sức mạnh của cộng đồng và người Lý Sơn luôn đoàn kết, thẳng tiến ra khơi khai thác thủy sản. Khát vọng chinh phục biển khơi, với niềm tin tín ngưỡng đã đưa người Lý Sơn đi xa hơn. Đó cũng chính là tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Lễ hội đua thuyền Lý Sơn.
 
Lễ hội đua thuyền truyền thống Lý Sơn không chỉ là lễ hội đơn thuần diễn ra vào các dịp lễ, Tết, mà còn mang đậm yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Bởi lẽ, người dân Lý Sơn gắn bó với biển cả, với nghề khai thác hải sản. Lễ hội này cũng là hình thức tri ân những bậc tiền nhân đã có công cắm mốc chủ quyền và bảo vệ vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuở trước. Trong cuốn sách "Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi" của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, tác giả cho rằng, Lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn là dịp ôn lại truyền thống, noi gương ý chí của ông cha trong buổi đầu sinh thành ra cộng đồng cư dân trên hòn đảo nhỏ bé này, với không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ; ôn lại truyền thống cha ông họ đã nương theo gió nồm ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tìm kiếm sản vật, dựng bia, cắm mốc chủ quyền...
 
Niềm tự hào của người dân đất đảo
 
Nếu tìm một sự kiện nào ở Lý Sơn mà thu hút đông đảo người dân trên đảo tham gia, thì đó chắc chắn là Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh và hội đua thuyền 8 chiếc. Khi lễ hội được tổ chức thì người dân Lý Sơn từ già đến trẻ đều tham gia. Khi những trai tráng tung mạnh những nhịp chèo khỏe khoắn trên đường đua, thì cũng là lúc mọi người reo hò cổ vũ vang vọng cả một góc trời biển đảo.
 
Trước khi tham dự hội đua thuyền, đại diện các tộc họ trong làng đến đình làng làm lễ cáo Thành hoàng và các vị tiền hiền, xin phép mở hội. Hội đua thuyền tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng) ở Lý Sơn theo truyền thống gồm 2 cuộc đua, diễn ra tại làng An Hải và An Vĩnh. Trường đua thay vì trên sông như các nơi, thì ở Lý Sơn là đua thuyền trên biển, trước đình làng. Đường đua gồm 4 vòng (8 dạo), với tổng chiều dài khoảng 4 hải lý. Thành viên của các đội đua thuyền là những trai tráng giỏi nghề biển. Mỗi đội có 21 - 24 người và đều là nam giới, tuổi từ 18 - 55. 
 
Ngoài Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh, thì trong năm, vào các dịp lễ lớn, các tộc họ ở Lý Sơn còn tổ chức hội đua thuyền 8 chiếc với sự tranh tài của các đội đến từ các thôn trên đảo.
 
Nâng tầm di sản
 
Qua những kết quả nghiên cứu cũng như tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, thì Lễ hội đua thuyền Lý Sơn tồn tại lâu đời nhất ở nước ta khi lần đầu tiên tổ chức vào đầu thế kỷ XIX. Đây là một lễ hội đặc sắc, là di sản văn hóa quốc gia được bao thế hệ người dân Lý Sơn gìn giữ và cần cả cộng đồng bảo tồn, phát huy cả giá trị văn hóa lẫn kinh tế.
 
Những năm qua, Lý Sơn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, di sản này cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo cần được khai thác trong thời gian đến.  
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với ngành văn hóa soạn thảo, tổng hợp những tài liệu lịch sử về Lý Sơn, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có liên quan mật thiết với nhau là Lễ hội đua thuyền tứ linh và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, để tuyên truyền rộng rãi ở trong nước và quốc tế, để lễ hội đặc biệt này sống mãi trong cộng đồng và ngày một phát triển.
 
XUÂN THIÊN
 
 
 

.