Rong chơi làng chài

10:02, 02/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các làng chài ven biển Quảng Ngãi có không gian bao la với biển, trời như đan vào nhau. Đến đây, du khách sẽ có những trải nghiệm độc đáo như câu cá, bắt ốc, lặn ngắm san hô, thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản...
 
Hoang sơ, hữu tình
 
Nhắc tới du lịch biển, đảo Quảng Ngãi nhiều người hay nghĩ tới Lý Sơn. Nhưng trên địa bàn tỉnh còn có những vùng biển mang vẻ đẹp hoang sơ dành cho những người thích khám phá. Một trong số đó là làng chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn).
 
San hô Gành Yến, Bình Hải (Bình Sơn).      ẢNH: TRUNG BÙI
San hô Gành Yến, Bình Hải (Bình Sơn). ẢNH: TRUNG BÙI
Làng chài Châu Thuận Biển hiện sở hữu khung cảnh rất đỗi hoang sơ cùng với nếp sống hết sức bình dị của những ngư dân trên vùng đất nhiều nắng gió này. Châu Thuận Biển còn được gọi với cái tên thú vị là “làng chài cổ vật” độc nhất vô nhị ở miền Trung.
 
Nói về “làng chài cổ vật”, lão ngư Nguyễn Binh cho hay, tại vùng biển này, người ta phát hiện ra dấu tích của 10 con tàu cổ bị đắm dưới lòng biển, cùng hàng nghìn cổ vật quý giá hàng trăm năm tuổi. Tiêu biểu trong đó là những bát, đĩa gốm men xanh ngọc có chạm nổi hình rồng, bát gốm men da lươn được khắc các hoa văn tinh xảo, hay các loại san hô, ốc 700 năm tuổi được giao thương trên “con đường gốm sứ trên biển” thời xưa.
 
Ngược đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh tới làng chài Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn), nơi có những rạn san hô “nở hoa” cực đẹp khi thủy triều rút, những bãi đá trầm tích núi lửa xếp chồng lên nhau, uốn cong quanh bờ biển tạo nên tuyệt tác mà ít nơi nào có được.
 
Theo những người dân địa phương, đây là bãi đá cổ do núi lửa phun trào hơn 2,5 triệu năm về trước. Đến với Gành Yến thời điểm thủy triều rút, nơi đây sẽ lộ ra những rạn san hô cực đẹp như hàng nghìn bông hoa đua nhau khoe sắc, cùng những con sao biển đủ màu sắc khiến ta như lạc vào chốn thần tiên. Khung cảnh này xuất hiện 2 - 3 lần mỗi tháng khi thủy triều rút vào các ngày đầu và giữa tháng, từ tháng Tư đến tháng Bảy âm lịch.
 
Lặn biển ngắm san hô ở Sa Đèn.                          ẢNH: DUY SINH
Lặn biển ngắm san hô ở Sa Đèn. ẢNH: DUY SINH
Đứng trên Gành Yến, bạn sẽ chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên hùng vĩ được bao quanh bởi cây xanh và sóng biển trắng xóa xô vào bờ. Không gian khoáng đạt của Gành Yến thích hợp với những du khách yêu thích thiên nhiên, muốn khám phá cảnh đẹp nguyên sơ của biển. Không chỉ có vẻ đẹp địa chất trên bờ, Gành Yến còn có hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, rất hấp dẫn du khách. Đến Gành Yến, du khách có thể lặn biển ngắm san hô hoa dày đặc dưới đáy biển cùng thảm thực vật, các loài cua, cá tự nhiên.
 
Ở Bình Châu còn có một làng chài đặc biệt nữa là Ba Làng An. Nơi đây sở hữu nhiều trầm tích nham thạch đổ ra biển, trải qua thời gian vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Ngọn hải đăng ở mũi Ba Làng An được xây dựng vào năm 1982, với dạng hình trụ tròn cao 26,4m. Khi lên cao bạn phóng tầm mắt về phía biển để chiêm ngưỡng toàn cảnh mũi Ba Làng An tuyệt đẹp.
 
Còn du khách đến TP.Quảng Ngãi có thể tham quan những làng chài nổi tiếng ở Tịnh Kỳ, Mỹ Khê. Nếu đến Tịnh Kỳ vào Mùng bốn Tết, du khách sẽ được xem lễ hội đua thuyền khai xuân và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu. Tịnh Kỳ có thắng cảnh "Thạch Ky điếu tẩu", là một trong mười hai cảnh đẹp ghi trong "Non nước xứ Quảng". Nằm ở phía phải Thạch Ky điếu tẩu có dinh thờ cổ xưa, người dân địa phương gọi là dinh Bà. Làng An Vĩnh ở Tịnh Kỳ còn có nhiều di tích, danh thắng như Lăng thờ cá ông Nam Hải, Đình làng An Vĩnh, Địa đạo An Vĩnh...
 
Men theo cung đường Hoàng Sa, du khách sẽ có dịp mục sở thị làng chài bên những rừng dương xanh mướt. Đó là làng chài Mỹ Khê yên bình, xinh đẹp, nằm nép mình bên mặt biển mênh mông. Người dân làng chài Mỹ Khê cần cù, chất phác. Hằng ngày, khi trời còn chưa kịp sáng thì tất cả dân làng đã thức giấc để kịp ra biển đón những con thuyền đánh bắt cá ngoài khơi trở về.
 
Độc đáo lễ hội cầu ngư
 
Làng chài Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), vùng đất cực Nam của tỉnh cũng là nơi có phong cảnh rất đẹp. Buổi sáng sớm bảng lảng sương mai, làng chài hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Nhấp nhô trên những ngọn sóng biển từ xa xa là những đoàn thuyền đang hối hả trở về bờ mang theo hải sản tươi ngon.
 
Nhịp sống làng biển.          ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Nhịp sống làng biển. ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Ở đây vẫn gìn giữ lễ hội cầu ngư độc đáo hằng năm vào ngày Mùng ba tết Nguyên đán. Chính quyền, ban đại diện vạn chài và người dân địa phương cùng nhau tổ chức lễ hội. Điểm nổi bật của lễ hội là tiết mục hò bả trạo, hát sắc bùa đậm nét văn hóa biển, tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt, lao động của người dân làng chài.
 
Lão ngư Nguyễn Thuần bộc bạch, với người dân vùng biển Sa Huỳnh, lễ hội cầu ngư có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là dịp để ngư dân bày tỏ sự biết ơn đối với "mẹ biển"; đồng thời bày tỏ cầu mong mưa thuận, gió hòa, khoang thuyền đầy tôm cá cho mùa đánh bắt hải sản mới.
 
Ở Quảng Ngãi, lễ hội cầu ngư không hiếm, nhưng ít nơi giữ được khung cảnh lễ hội mộc mạc và ý nghĩa như Sa Huỳnh. Chị Phan Hải Anh, ở huyện miền núi Ba Tơ cho biết, năm nào cũng vậy, cứ sáng Mùng ba Tết, tôi dậy thật sớm để đến làng chài Sa Huỳnh đắm mình vào khung cảnh tuyệt vời của lễ hội ra khơi đánh bắt đầu năm của ngư dân. “Phải đến tận nơi, được hòa mình vào trong những thanh âm của lễ hội nơi đây mới cảm nhận được sự độc đáo của làng biển Sa Huỳnh”, chị Anh chia sẻ.
 
BÁ SƠN
 
 
 

.