Hết dịch con về

03:11, 08/11/2021
.
*Truyện ngắn của THIÊN DI
 
(Báo Quảng Ngãi)- “Rồi... có an toàn không con?”, giọng bà Tư ngập ngừng qua điện thoại.
 
Lĩnh chừng như thấy được má mình đang đứng trước mặt, khuôn mặt sạm đi vì cái nắng miền biển, nước mắt đang chực trào ra khỏi khóe mắt đã chi chít vết chân chim. Lĩnh cười, giọng hòa hoãn: “Không sao mà má. Tụi con được tập huấn kỹ càng lắm, vào đó mặc đồ bảo hộ cả ngày nên má yên tâm”.
 
“Vào chỗ dịch bệnh hoành hành mà sao má không lo cho được, thôi mày ở chỗ trọ cho má nhờ, thiếu tiền thì má gửi thêm cho, má dậy sớm chút ra biển thể nào cũng kiếm được khá”, bà Tư vẫn nằn nì. Nhưng Lĩnh vẫn gạt đi, lòng nó đã quyết rồi sao má cản cho được. Rồi Lĩnh vội vàng cúp máy để ngăn lại mấy câu “lắm lời” của má mà không kịp nghe dặn: “Dù gì cũng phải giữ sức khỏe nghen con”.
 
“Xếp đồ chưa? Nhanh nhanh xe tới đón giờ á. Nhét vài bộ đồ mát thôi, vào đó bận bảo hộ cả ngày, đồ dày nóng chịu không thấu đâu”, thằng Thịnh phòng kế bên oang oang gọi, tỏ vẻ ta đây có kinh nghiệm vì Thịnh đã đi tình nguyện một đợt rồi. Lĩnh vơ mấy bộ đồ đã soạn sẵn để ở giường cho vào túi. Đợt tình nguyện này có hơn 10 đứa trong xóm trọ đi chung một bệnh viện dã chiến, thế cũng đỡ buồn, tuy lo nhưng Lĩnh hăng hái lắm.
 
Bà Tư ngồi trước mẹt cá tươi rói nhưng vắng người mua. Thấy khách bà cũng chẳng buồn mời mà chỉ thở dài sau cái khẩu trang che gần kín khuôn mặt. “Chị Tư! Chị Tư!”, có ai đó giật giọng gọi, bà Tư choàng tỉnh. “Bán tui mớ cá cơm đi, ngồi suy nghĩ chi mà thẫn thờ, may quen chớ lạ nó hốt hết cái rổ cá chắc bả cũng không hay đâu. Dịch miết, bán ế quá hay sao vậy?”, giọng người khách quen bông đùa nhưng không lọt mấy vô lỗ tai bà Tư. Bà Tư cười trừ, hốt lẹ mớ cá rồi vẫy chị Nở - con dâu bà đang bán cách đó vài mét. Mấy nay dịch lại bùng phát nên chợ thực hiện ngồi giãn cách. “Mày bán luôn cho má với, chớ má đau đầu quá con”, bà Tư nói. Chị Nở thở dài: “Thôi má để đó con, vậy mà đòi đi sớm chi cho mệt không biết. Má về nghỉ đi rồi trưa sang con ăn cơm, khỏi nấu”. Bà Tư gật gật đầu rồi ra về.
 
Nằm trên chiếc giường đơn kê ngay phòng khách, bà nhìn ra biển trưa đang lấp loáng nắng ngoài kia. Cảm giác lo lắng, bồn chồn không yên từ hôm thằng Lĩnh điện về cứ quanh quẩn mãi trong đầu bà. Lĩnh là con thứ hai và cũng là út của bà Tư. Ở cái xứ biển này, nhà nào có 2 đứa con là chuyện hiếm thấy. Hồi xưa bà Tư còn định đẻ thêm mấy đứa nữa ấy chứ, nhưng rồi khi Lĩnh chưa tròn tháng, chồng bà đã “sinh nghề tử nghiệp” khi còn chưa thấy mặt con. Bà Tư quyết định ở vậy nuôi con chứ không đi bước nữa. 
 
Nhưng rồi chạy trời không khỏi nắng, Bản - con trai đầu của bà vẫn theo nghiệp cha, dù bà đã cố gắng cho con đi học, tránh xa ghe thuyền bến bãi, nhưng rồi theo bạn bè, học hết lớp 9, Bản trốn theo thuyền “đi bạn”.  Niềm hy vọng của bà đặt hết ở Lĩnh. Đáp lại mong mỏi của mẹ, Lĩnh học rất giỏi, lại hoạt bát lanh lợi. Học xong lớp 12, Lĩnh chọn học y dược ở tận Sài Gòn. “Trời trời, bà Tư. Con bà sao giỏi dữ, bác sĩ tương lai luôn. Chả bù cho mấy thằng con nhà tôi...”, là câu mà bà Tư thường xuyên nghe được khi ra chợ khiến bà tự hào lắm.
 
 “Trời ổng ghét mình hay sao ấy chớ. Tưởng thằng Lĩnh rời được khỏi đây là ngon rồi, ai ngờ đâu cái con cô vít, cô vi đó nó làm tan tành hết. Thằng Lĩnh nữa, không lo bảo vệ bản thân mà còn đòi lao vào chốn nguy hiểm. Dịch giã thế này, con với chả cái...”, bà Tư ôm đầu, nỗi khó chịu lại trào lên trong lồng ngực, mấy nay không thấy Lĩnh gọi về thường xuyên nữa...
 
***
 
Gần hai tháng ở bệnh viện dã chiến, những tình nguyện viên như Lĩnh không có thời gian để suy nghĩ nhiều bởi công việc bù đầu. Đón bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, thăm khám, chuẩn bị giường chiếu, đồ ăn, khiêng nước, khiêng cáng... bất kể giờ giấc. Lĩnh có cảm giác như mình đã sụt cân khá nhiều, bộ đồ bảo hộ rộng lùng thùng, cả người luôn trong tình trạng sũng nước, mồ hôi tiết ra rồi lại ngấm ngược vào cơ thể chứ không có chỗ để thoát ra ngoài. Mỗi lần thay găng tay Lĩnh cũng không biết đó có phải là đôi bàn tay của mình hay không nữa, bởi những lớp da bàn tay phồng lên, trắng toát, còn mu bàn tay nhăn nhúm xấu xí. Khuôn mặt thì chằng chịt vết hằn của khẩu trang...
 
Nhóm tình nguyện của Lĩnh vào bệnh viện dã chiến khi thành phố đang trong thời điểm dịch bùng phát mạnh. Hằng ngày có đến hàng trăm bệnh nhân được tiếp nhận, cách ly và điều trị. Dù đã được tập huấn kỹ càng trước khi nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến, nhưng Lĩnh cũng như các bạn trong đoàn vẫn không khỏi bất ngờ trước khối lượng công việc khổng lồ, cùng những điều mà trước đây có nghĩ đến thì họ cũng không thể hình dung được mình sẽ trải qua như thế nào.
 
Ấy vậy mà, mọi việc rồi cũng trôi qua, có những ngày, tưởng chừng như cơ thể không còn sức để chống chọi, nhưng rồi guồng công việc và bệnh nhân đang chờ được giúp đỡ ngoài kia đã vực dậy tinh thần của những chiến sĩ áo trắng, áo xanh.
 
Chiều nay, bệnh viện tiễn một tốp bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện. Đây là đợt ra viện nhiều nhất từ khi Lĩnh vào bệnh viện dã chiến đến giờ. Nhiều người đã vượt qua lằn ranh sinh tử để trở về với cuộc sống. Hỗ trợ họ lên xe mà lòng Lĩnh vui sướng, cậu luôn miệng “bác/cô/chị/nhóc... về mạnh khỏe nghen”. Qua lớp khẩu trang, ai đó cũng hồ hởi: “Chúc cậu tình nguyện viên sớm được về nhà nghen. Cảm ơn cậu đã giúp đỡ chúng tôi thời gian qua”.
 
Tối đó, trong giấc ngủ chập chờn trên dãy ghế chờ ở khuôn viên bệnh viện, Lĩnh mơ thấy má. Má cầm tay cậu dịu dàng, bàn tay chai sần của người đàn bà đã dành cả cuộc đời bưng mẹt cá khắp nơi để nuôi anh em Lĩnh. Bàn tay vỗ nhẹ lên tay Lĩnh, qua lớp găng tay y tế Lĩnh vẫn cảm nhận được sự động viên của má truyền đến mình, khóe mắt Lĩnh ươn ướt - không biết là nước mắt hay mồ hôi nữa...
 
Thịnh lay nhẹ vào vai Lĩnh: “Dậy đi mày. Đoàn tới rồi kìa”. Lĩnh mở mắt, đập vào mắt cậu là ánh trăng tròn vằng vặc trên cao, hình như hôm nay là rằm phải không nhỉ? Trăng rằm sáng quá, chắc má cũng đang ra biển ngắm trăng... Lĩnh đứng tần ngần một lát rồi lại vội vã chạy ra cổng khi tiếng còi xe cấp cứu đang to dần lên.
 
***
 
“Thôi má đừng buồn nữa. Nó đã nói hết dịch là về rồi mà. Má ăn cơm đi cho con nhờ, má mà đau nó biết thì thêm lo chứ được cái gì”, giọng Bản ồm ồm vang lên pha lẫn chút cộc cằn của đàn ông vùng biển. Bà Tư khẽ thở dài: “Rồi khi nào mới hết dịch? Ngày nào cũng mấy nghìn ca. Tao coi tivi mà sốt hết cả ruột đây này”. “Giờ giảm rồi mà má. Cả nước đang thực hiện “bình thường mới” rồi còn gì. Má lo rồi má vô đó được chắc? Vô đó rồi lỡ nhiễm Covid, rồi vô bệnh viện cho nó chăm nhé”, lớn tiếng là vậy nhưng Bản vẫn gắp phần bụng cá mà anh biết má rất thích ăn cho vào chén bà Tư. Chị Nở xua tay: “Thôi hai người bớt bớt cho con nhờ. Em nó ở trong đó đã đi tình nguyện cực khổ rồi, đừng có gây thêm áp lực cho nó". “Nhưng má vẫn lo, không biết trong đó nó ăn uống ra sao, có mệt lắm không?... chưa nói hết câu thì thằng Tí chạy xộc vào nhà, nói to: “Bà nội, ba má mở tivi. Chú Lĩnh ở trỏng kìa”.
 
Trên tivi, người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ kín mít chỉ lộ mỗi đôi mắt đang hồ hởi trao đổi với phóng viên. Nhìn một cái là bà Tư biết ngay đó là thằng Lĩnh con bà. Nó gầy đi phải không nhỉ? Giọng còn to khỏe, nhìn vẫn hoạt bát thế kia, vậy chắc vẫn ổn rồi. Lĩnh đang nói gì đó bà Tư không để ý lắm, bà chỉ đang chăm chú quan sát thằng con trai đã lâu rồi bà không thấy mặt, mà giờ bà cũng có thấy mặt nó đâu? Bỗng Lĩnh nhìn thẳng vào màn hình, “Má! Má và cả nhà vẫn khỏe chứ? Con vẫn khỏe mạnh lắm. Má yên tâm nhé. Hết dịch con về”. Bà Tư hơi hoảng liếc nhìn thằng Tí hỏi nó “Bộ đang gọi điện trực tiếp hả con?". Tí phá ra cười, “Chú Lĩnh được người ta phỏng vấn đó bà ơi. Người ta hỏi chú có muốn nhắn gửi gì cho gia đình không?”. Bà Tư cười xòa “Ừ bây, tao vẫn khỏe. Đang chờ bây về đây”.../.
 

.