Tiếng hót trong lồng son

10:07, 09/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hàng trăm chú chim chào mào cất tiếng hót vang như dàn đồng ca trong nắng sớm đánh thức cỏ cây ngủ muộn. Giọng hót vút cao tựa âm thanh của gió thổi qua khe đá nơi đại ngàn lẫn với thanh trầm như rừng thu xào xạc. Giọng luyến láy của những “lão” chim dạn dày trên sàn đấu như nghệ sỹ trình diễn tài năng trên cung đàn muôn điệu xen lẫn với tiếng hót ngập ngừng của chú chào mào lần đầu đến hội thi…

TIN LIÊN QUAN

Chào mào lên sàn đấu

Sớm tinh mơ, hàng trăm chủ chim ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định xách lồng chim tụ họp nơi bãi đất trống trước quán cà phê sân vườn tại thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ. Mặc cho sự khác biệt của trang phục, họ tươi cười bắt tay nhau cùng với những lời chào hỏi thân tình giữa tiếng chim hót nơi làng quê yên ả. Tiếng loa báo hiệu sắp bước vào hội thi chim chào mào, mọi người xách lồng vào bên trong với khuôn mặt háo hức, đợi chờ.

Những chú chim chào mào trình diễn tài năng trên sàn đấu
Những chú chim chào mào trình diễn tài năng trên sàn đấu

109 chiếc lồng được treo liền kề nhau dưới những thanh sắt bắc ngang, tiếp nối giàn khung đỡ khá vững chắc. Những chiếc lồng vừa được tháo vải che phủ, hàng trăm chú chim cất tiếng hót vang như dàn đồng ca trong nắng sớm. Nhiều chú chim lông xám cùng với trắng, đầu “đội mũ đen”… nhảy nhót quanh lồng, ríu rít vui mừng chào đón ánh nắng ban mai.

Những giọng hót vút cao tựa âm thanh của gió thổi qua khe đá nơi đại ngàn lẫn với thanh trầm như rừng thu xào xạc. Có chú cất giọng ca dài với nhiều âm tiết tiếp nối như chàng ca sỹ đang phô diễn tài năng trước khán giả. Nhiều “cụ” chào mào cất tiếng hót với những âm điệu tỉ tê như muốn kể về nỗi sầu “chim lồng, cá chậu” sau những ngày sải cánh giữa bầu trời bao la. Giọng luyến láy của những “lão” chim dạn dày trên sàn đấu như nghệ sỹ trình diễn tài năng trên cung đàn muôn điệu xen lẫn với tiếng hót ngập ngừng của chú chào mào lần đầu đến hội thi. Nhiều chú cất lời ca gọi bạn và cũng lắm “đấu sỹ” hung hăng xù lông, vỗ cánh, buông lời dọa nạt đối thủ…

Ban giám khảo gồm 5 thành viên đến từ TP Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi, loại những chú chim “non nghề” sau mỗi vòng đấu. Mặc cho những gì diễn ra xung quanh, nhiều “đấu sỹ” thản nhiên ăn uống, thoải mái tắm mát, rỉa lông, đập cánh tỏ vẻ khoan khoái rồi… ngủ gà gật trong lồng son. Có chú đang vươn mình hót vang như muốn thể hiện tài năng ca hát chợt tìm đến bóng mát dưới chóp lồng để tránh nắng… Những hành vi “không tôn trọng đối thủ và khán giả” như thế đều bị giám khảo loại khỏi vòng đấu kế tiếp.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ với 10 vòng đấu, 89 chú chim đã bị loại trước sự thở dài tiếc nuối của nhiều người xen lẫn với những nụ cười tươi của những chủ còn chim véo von trên sàn. Hội thi tiếp tục, dù 20 chú chim còn lại được nhận giải thưởng của Ban tổ chức. Kết thúc vòng thi chung kết, chú chim mang số báo danh 051 của anh Lê Phi ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đoạt giải nhất với phần thưởng là 2 triệu đồng. Tiếng vỗ tay vang dậy, nhiều người bắt tay chúc mừng anh cùng với chú chim tài năng nhất trong cuộc thi.

 Thuần dưỡng chim rừng

Chú chim đoạt giải nhất hội thi được anh Phi mua lại với giá 5,5 triệu đồng từ anh Tuấn ở huyện Sơn Tịnh tại hội thi chim vào đầu năm 2014. Anh Tuấn dùng bẫy để bắt chim rừng và mang về thuần dưỡng hơn 3 năm mới đưa đến hội thi với hy vọng “để chim quen dần”. Phát hiện chim có “phong cách thi đấu tốt” nên anh Phi đã không ngần ngại mua với giá cao trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. “Thấy chim có yếm màu đen sậm, dáng thon dài và đứng thẳng, đầu thon, mỏ ngắn vừa và nhỏ nên tôi rất thích. Và nhất là giọng hót khá tốt nên tôi bỏ tiền ra mua ngay” – anh nói.

 

 Anh Phi cùng với chú chim đoạt giải nhất hội thi
Anh Phi cùng với chú chim đoạt giải nhất hội thi



Anh Nguyễn Ngọc Triệu ở thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) mua chim với giá khiêm tốn, mỗi con chỉ từ 100 – 200 nghìn đồng. Anh cất công lên tận huyện miền núi Ba Tơ mua lại những chú chim vừa bẫy từ rừng rồi mang về thuần dưỡng. Lắm lúc, trong vườn nhà anh có đến 14 chú chim suốt ngày véo von ca hát. “Nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả không ngần ngại bỏ tiền mua chim với giá cao. Có người bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một con chim chào mào mà họ ưa thích. Nhưng tôi cùng với nhiều anh em cuộc sống vừa tạm ổn nên đành phải cất công đến những nơi hẻo lánh tìm mua chim với giá rẻ rồi bỏ công chăm sóc, huấn luyện…” – anh tâm sự.

Theo nhiều người chơi chim chào mào thì không thể nuôi chim non đến lúc trưởng thành rồi mang đến sàn đấu. Bởi vì, chim không học được kỹ năng sống từ bố mẹ và rèn luyện bản năng tồn tại trước thiên nhiên hoang dã. “Chim con sống cùng bố mẹ đến lúc trưởng thành ở nơi hoang dã có giọng hót hay, rèn luyện được sức khỏe dẻo dai từ những cú vỗ cánh đầu đời. Khi những con chim trống trưởng thành chúng phải rèn luyện bản lĩnh để tranh giành lãnh địa, tìm kiếm bạn đời và bảo vệ gia đình nên “phong cách” thi đấu tốt hơn chim được con người nuôi từ nhỏ…” – anh Triệu cho biết.

Sau khi tuyển chọn, chủ chim phải tốn khá nhiều công sức và tiền bạc để chăm sóc, huấn luyện thành những “đấu sỹ” tài năng, hy vọng giật giải trên sàn đấu. Sau giờ dạy trên lớp, anh Nguyễn Ánh (hiện là giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Đức Phổ) vội về nhà chăm sóc 7 chú chim chào mào như chăm con mọn. Hàng tháng, anh phải tiêu tốn hơn 800 nghìn đồng mua cám, trái cây và côn trùng làm thức ăn cho chim, một khoản tiền khá lớn so với đồng lương giáo viên eo hẹp.

“Huấn luyện chim bẫy từ rừng thành chim dạn dĩ để thi đấu rất công phu. Hàng ngày, tôi dành khoảng 3 giờ đồng hồ để chăm sóc 15 con chim chào mào. Không chỉ cho ăn, tắm nước, tắm nắng, chim cần có chiếc lồng phù hợp để bay nhảy, luyện tập sức khỏe dẻo dai thì đến lúc đấu chim mới bền, không bị kiệt sức. Chim cũng mắc bệnh như những loài vật khác nên cần phải thường xuyên theo dõi để phát hiện và có cách chữa trị kịp thời. Nuôi chim phải có niềm đam mê, quan tâm chăm sóc thì mới hy vọng có chim tốt để chơi… “ – anh Trần Đình Sơn (thợ kim hoàn ở thị trấn Đức Phổ) tâm sự.

 Thú chơi chim

Thuở theo chân đàn bò thả rong, anh Nguyễn Ánh luôn mang theo những chú chim: chào mào, sáo sậu với tiếng véo von bên tai, vang khắp núi đồi. Chúng há mỏ tranh ăn mỗi khi anh bắt được những con cào cào, châu chấu. Tiếng hót của chúng theo anh vào trong cả giấc ngủ tuổi thơ. Khi đã lập gia đình và trở thành thầy giáo, anh có điều kiện quay lại với niềm đam mê, mua chim chào mào với giá mỗi con từ 1 – 6 triệu đồng. Nhiều chú chim của anh đoạt giải tại các hội thi và được trả giá khá cao.

Do có nhiều kinh nghiệm chơi chim và chấm thi nên anh được mời nhận vai trò giám khảo nhiều hội thi chim chào mào ở tỉnh Bình Định và TP Đà Nẵng. “Chơi chim là thú vui tao nhã, có sức cuốn hút kỳ lạ lắm. Chỉ cần nghe chim hót có thêm âm tiết mới thì phấn khởi lắm, vơi đi bao phiền muộn trong cuộc sống” – anh thổ lộ.

 

Anh Nguyễn Ánh chăm sóc chim sau giờ đứng lớp
Anh Nguyễn Ánh chăm sóc chim sau giờ đứng lớp


Anh Nguyễn Ngọc Triệu tâm sự: “Chơi chim chỉ tốn công sức và tiền bạc cho việc thuần dưỡng chứ khoản kinh phí nộp cho Ban tổ chức hội thi chỉ vài trăm nghìn đồng. Chăm sóc và huấn luyện phải kiên trì, tỉ mỉ, không thể nóng vội nên giúp cho chủ nuôi rèn luyện được tính ôn hòa, không nóng nảy.

Hội thi chim còn là dịp thưởng thức vẻ đẹp, giọng hót của từng chú chim, cơ hội giao lưu với nhiều anh em, bạn bè ở các nơi. Tại nhiều hội thi, một số chủ chim còn đóng góp kinh phí để trao học bổng cho học sinh nghèo và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn…”.

Công việc bận rộn nhưng anh Sơn vẫn chăm chút từng chú chim khá chu đáo và đã đoạt giải tại nhiều hội thi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Anh còn được mời đến nhiều nơi đảm nhận vai trò giám khảo. “Chơi chim giúp gắn kết tình cảm nhiều người cùng sở thích. Khi nghe bạn có chim bị bệnh là sn sàng giúp đỡ điều trị chứ không giấu nghề. Nhiều lúc vợ phàn nàn vì mải lo đến chim, nhưng niềm đam mê khó bỏ lắm” – anh nói.

Ông Trương Trọng Nghĩa ở TP. Đà Nẵng khá nổi danh trong làng chơi chim trên dải đất miền Trung. Ông được mời đảm nhận vai trò Trưởng Ban giám khảo nhiều hội thi chim, tâm sự: “Hội thi chim chủ yếu là nơi giải trí để mọi người giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về thuần dưỡng chim rừng. Rất ít người mang tính ăn thua nên hiếm khi xảy ra cãi vã to tiếng”.

 

Trang Thy


.