Biển đảo Quảng Ngãi: Lịch sử- Kinh tế - Văn hoá

03:05, 13/05/2013
.

(QNĐT)- Biển đảo Quảng Ngãi: Lịch sử – Kinh tế – Văn hoá(1)  là tập sách mới do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi và Nhà xuất bản Lao Động liên kết xuất bản.

TIN LIÊN QUAN


Tập sách tuyển chọn và giới thiệu 25 bài biên khảo của các nhà khoa học, nhà biên khảo hiện đang làm việc tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi; được chia làm 3 phần: Mấy vần đề lịch sử - Tiềm năng kinh tế biển đảo - Diện mạo văn hoá.

 


Phần 1 (Mấy vấn đề về lịch sử) gồm 9 bài viết của các nhà chuyên môn giàu uy tín ở nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội nhân văn (TS Phạm Thị Ninh, PGS.TS Trịnh Sinh, PGS.TS Ngô Văn Doanh, TS Nguyễn Nhã, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, TS Nguyễn Đăng Vũ, Nhà nghiên cứu Cao Chư) trình bày những vấn đề về lịch sử biển đảo Quảng Ngãi từ thời tiền sử đến hiện nay, qua các giai đoạn từ Sa Huỳnh, Chăm pa đến Đại Việt, đặc biệt là từ thế kỷ XVII, XVII cho đến nay.

Nhiều bài viết ở đây trưng dẫn các chứng cứ lịch sử cho thấy quá trình nhà nước Việt Nam chiếm cứ, khai thác, xác lập chủ quyền trên vùng biển đảo của mình hiện nay, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Phần II (Tiềm năng kinh tế biển đảo) gồm 8 bài viết phân tích nhiều vấn đề về kinh tế biển đảo Quảng Ngãi, trong khung cảnh chung của biển đảo Nam Trung Bộ và biển đảo miền Trung.

Trong khi các bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Khánh, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Anh, TS Bùi Hồng Long, PGS.TSKH Nguyễn Tác An chú trọng đến những vấn đề chung về kinh tế biển đảo miền Trung, thì các bài viết của Thạc sỹ Lê Huỳnh Mai (Nghiên cứu điều chỉnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở Quảng Ngãi giai đoạn 2011- 20120 cho phù hợp với xu thế phát triển.), TS Hà Văn Siêu (Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch biển, đảo Quảng Ngãi và các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ) trực tiếp đề cập đến những giải pháp cụ thể phát triển kinh tế biển đảo Quảng Ngãi bền vững, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới.

Cũng trong phần này có bài viết của nhà nghiên cứu Đỗ Ảnh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi, đánh giá khái quát những thành tựu của hoạt động khoa học- công nghệ phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo Quảng Ngãi.

Phần III (Diện mạo văn hoá), gồm 8 bài viết nghiên cứu, giới thiệu di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của cư dân vùng biển đảo qua các thời kỳ. 3/8 bài viết trong phần này nghiên cứu về văn hoá đảo Lý Sơn, dưới giác độ khảo cổ học (Xóm Ốc- di tích văn hoá Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn- TS Phạm Thị Ninh), folklore học (Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – TS Nguyễn Đăng Vũ), văn hoá học (Những giá trị của lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa ở Quảng Ngãi trong đời sống xã hội hiện nay - Thạc sỹ Cao Nguyễn Ngọc Anh).

Ngoài ra còn có bài viết về nghệ thuật diễn xướng dân gian của cư dân vùng ven biển, hải đảo Quảng Ngãi (Tục thờ cúng cá Ông và hát múa bả trạo cư cư dân ven biển hải đảo Quảng Ngãi; Hát sắc bùa ở Quảng Ngãi -. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh), về phố cổ Thu Xà (Phố xưa Thu Xà- mấy nét văn hoá truyền thống - Phan Đình Độ), ảnh hưởng và dấu ấn biển trong văn hoá Sa Huỳnh (Biển trong văn hoá Sa Huỳnh - TS Đoàn Ngọc Khôi)…

Biển đảo Quảng Ngãi: Lịch sử – Kinh tế – Văn hoá in và phát hành với số lượng 2.000 bản, là một tập sách có ích đối với các nhà quản lý, những người nghiên cứu và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về biển đảo Quảng Ngãi nói riêng, quê hương Quảng Ngãi nói chung.

                                                                        

    Lê Hồng Khánh


[1] Nhiều tác giả- Biển đảo Quảng Ngãi: Lịch sử – Kinh tế – Văn hoá. NXB Lao Động HN 2013


 


.