Việc làm cho sinh viên sau khi ra trường- Kỳ 2: Cần giải pháp tổng thể

05:06, 24/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục đại học ở nước ta đang đứng trước bài toán vừa thừa ngành học, vừa thiếu giảng viên chất lượng. Nhiều trường tuyển sinh tràn lan, dễ dãi trong việc cấp bằng nên không ít sinh viên (SV) sau khi ra trường rất khó tiếp cận với công việc do thiếu năng lực thực tế, dẫn đến không tìm được việc làm hoặc làm không đúng chuyên ngành được đào tạo.

TIN LIÊN QUAN

Chất lượng chưa đảm bảo

Hằng năm, các trường ĐH đào tạo hàng chục nghìn SV ra trường, trong khi doanh nghiệp lại không tuyển được lao động. Nghịch lý này chỉ ra mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo (nơi cung ứng nguồn nhân lực) với doanh nghiệp (nơi sử dụng lao động) chưa thật sự chặt chẽ, gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp là xu thế phổ biến trên thế giới, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai phía, nhưng ở nước ta mối quan hệ này còn mờ nhạt. Ông Nguyễn Tấn Dũng - Phó trưởng Phòng Tổ chức nhân sự và đào tạo (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn), cho biết, doanh nghiệp chưa tuyển dụng được nhiều lao động từ các trường đại học trong tỉnh, vì chương trình đào tạo chuẩn đầu ra của các trường thiếu cân đối giữa lý thuyết và thực hành, ngành đào tạo chưa sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Các kỹ năng mềm như giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc theo nhóm, sức khỏe của SV còn hạn chế.

Ông Cao Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, cho rằng, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực rất lớn, nhưng SV các trường ĐH trong tỉnh ra trường vẫn không tuyển dụng được; một số ít SV tốt nghiệp khá, giỏi được tuyển dụng thì phải đào tạo lại, gây tốn kém.

Thạc sĩ Phạm Nghi - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng phân tích thêm, độ vênh giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với SV sau khi ra trường không chỉ dừng lại ở nguyên nhân chương trình đào tạo, mà còn do thiếu sự dự báo.

“Về mặt quản lý nhà nước thì phải dự báo được 5 năm tới cần ngành nghề gì, bao nhiêu người, trên cơ sở đó các trường ĐH, dạy nghề lập kế hoạch đào tạo thì mới đáp ứng nhu cầu xã hội”, ông Phạm Nghi, nói. Nhiều SV lựa chọn nghề nghiệp chưa phù hợp với năng lực, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu xã hội, chọn ngành nghề theo trào lưu. Hơn nữa, nhiều ngành nghề có quá nhiều trường đào tạo, có trường mở những ngành không phải là thế mạnh dẫn đến đào tạo tràn lan, không đảm bảo chất lượng.

Chú trọng đào tạo nghề

Ông Tô Uyên Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn), cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 - 2016 là một tín hiệu vui khi có khoảng 1/3 thí sinh đăng ký dự thi cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy, các em đã có sự định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Việc phân luồng như vậy sẽ hạn chế tình trạng SV thất nghiệp sau khi ra trường.

Chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - phân hiệu Quảng Ngãi trong giờ thực hành.
Chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - phân hiệu Quảng Ngãi trong giờ thực hành.


Ông Nguyễn Minh Trí - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thì cho rằng, chất lượng GD&ĐT quyết định đến công việc của các em sau này. Những em có học lực tốt chắc chắn sẽ có cơ hội cao trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ còn dễ dãi trong việc tuyển sinh, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, dẫn đến việc các em sau khi ra trường có nhiều bỡ ngỡ và khó tiếp cận với công việc. Điều này một phần là do lỗi của ngành giáo dục.

Đơn cử, trong tháng 6.2015, Sở GD&ĐT đã có thông báo tuyển dụng giáo viên năm 2015 tại Trường THPT chuyên Lê Khiết. Nhưng, sau một năm đưa ra thông báo thì ngành vẫn chưa nhận được hồ sơ hội đủ các điều kiện về giảng dạy tại trường. Để khắc phục tình trạng SV thất nghiệp sau khi ra trường đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đầu ra.

Ông Nguyễn Tấn Dũng - Phó Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự và đào tạo, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, chia sẻ: Các trường ĐH lớn đều đưa giảng viên đi đào tạo ở các trung tâm lớn trong và ngoài nước, được tiếp cận với doanh nghiệp nên khi hướng dẫn SV có thực tế hơn nhiều. Các trường địa phương nên học hỏi cách làm này.

Đối với Trường ĐH Phạm Văn Đồng đã thực hiện hiệu chỉnh Bộ giáo trình giảng dạy cho SV, chủ động làm việc với các doanh nghiệp và tích hợp giáo trình giữa nhà trường với DN để giảng dạy sát với nhu cầu thực tế của các DN như Công ty ô tô Trường Hải, Cơ khí An Ngãi, làm việc với FPT Đà Nẵng, hơn 4 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết đầu ra cho SV.

“Theo thông báo của FPT Đà Nẵng đến năm 2020 họ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lập trình viên. Vì vậy FPT đã chủ động phối hợp với các trường trong việc đào tạo, nhằm tránh lãng phí trong việc tái đào tạo trong tuyển dụng”, PGS.TS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cho hay.

Thay đổi hình thức đào tạo sư phạm?

PGS.TS Phạm Đăng Phước cho rằng, ở Quảng Ngãi, nhu cầu giáo viên có hạn, nhưng nhu cầu học tập của các em thì rất cao. Nhiều em sau khi ra trường đến các tỉnh Tây Nguyên để công tác. “Hiện ngành sư phạm đang trong giai đoạn cải cách nên trường cũng đang phối hợp với Sở GD&ĐT để các em tiếp cận với những cái mới, nên trong đợt thực tập, số lượng sinh viên đạt xuất sắc chiếm trên 25%. Đến mùa tuyển sinh năm 2017, nhà trường sẽ giảm chỉ tiêu ở khối ngành sư phạm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”, ông Phước, nói.

Hiện nay, ngành giáo dục đã thực hiện nhiều đổi mới trong khi phần lớn giáo viên đã ra trường từ trước và được đào tạo theo kiểu truyền thống. Vì vậy, nên chăng các trường sư phạm nên chuyển đổi từ đào tạo mới sang đào tạo lại, nhằm đáp ứng về nguồn nhân lực thực hiện đổi mới như hiện nay. Bản thân SV cũng cần thay đổi tư duy trong tìm kiếm việc làm. Các em không nên thụ động trong công việc của chính bản thân mình, mà phải tự khởi nghiệp từ những công việc bình thường và nhỏ nhất, không nhất thiết ra trường là phải vào cơ quan nhà nước làm việc.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.