Sơn Tây: 50 điểm trường mầm non, tiểu học không có điện

09:04, 14/04/2016
.
 

(Baoquangngai.vn)- Trong khi dây điện chạy dọc trên đầu, trạm biến áp đặt sát bên, hàng chục điểm trường ở huyện miền núi Sơn Tây lại không có điện. Mùa hè nóng nực, mùa đông thiếu ánh sáng, đó là cảnh các thầy cô giáo và học sinh mầm non, tiểu học phải chịu nhiều năm nay.

10 giờ sáng 13.4, Trung úy Đinh Văn Tuấn, Ban chỉ huy Quân sự huyện Sơn Tây cùng cán bộ Hội phụ nữ xã Sơn Bua đến điểm trường mầm non và tiểu học Mang KRin, thôn Mang He mang cháo của bộ đội nấu để cải thiện dinh dưỡng cho các cháu.
 
Trời nóng bức, 18 cháu nhỏ quây quần bên mâm cháo, vừa ăn vừa toát mồ hôi hột khiến ai thấy cũng xót ruột. Trên tường có cái quạt nhưng không quay, cô Nguyễn Thị Sen-giáo viên mầm non ở điểm trường phân trần: “Có quạt, có bóng đèn nhưng không có điện, em đã kiến nghị, nhưng cấp trên bảo chờ”.
 
Trớ trêu ở chỗ, trong khi thầy cô và các cháu nhỏ “đói” điện, thì ngay trên đầu là đường dây điện kéo đến khu dân cư, trên con đường trước mặt là hệ thống bóng đèn thắp sáng đường quê của đoàn thanh niên. 
 
Một điểm trường khác ở thôn Mang He gần đó cũng không đó điện. Một giáo viên giải thích: “Đây là phòng học cũ sắp đập đi, chờ xây mới bắc điện luôn thể”.
 
Chúng tôi đem thắc mắc này tới ông Lê Hoài Thạnh-Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây. Ông Thạnh nói: “Nhìn riêng một trường thì thấy lạ nhưng đây là thực trạng chung của các điểm trường mầm non, tiểu học ở Sơn Tây”.
 
Ánh sáng hắt qua khung cửa sổ là nguồn sáng duy nhất cho việc dạy và học. Ảnh: Hiền Linh
Ánh sáng hắt qua khung cửa sổ là nguồn sáng duy nhất cho việc dạy và học. Ảnh: Hiền Linh
 
Theo ông Thạnh, trên toàn huyện có 50 điểm trường mầm non, tiểu học không có điện. Trong 3 năm trở lại đây, theo đề án của tỉnh, huyện được xây mới 31 điểm trường, trong đó 19 điểm trường đã xây xong, kinh phí 9,5 tỉ đồng, trong đó 70% vốn của tỉnh, 30% vốn của huyện, 5 điểm đang xây dựng và 7 điểm phải tạm dừng do chưa có kinh phí. Nhưng những điểm trường mới cũng không có điện.
 
“Các điểm trường do huyện làm chủ đầu tư, có hạng mục xây dựng cơ bản là hệ thống điện bên trong, bóng đèn, máy quạt lắp sẵn, nhưng lại không có kinh phí mua dây kéo, đồng hồ để đấu nối vào sử dụng”, ông Thạnh nói. 
 
Theo ông Thạnh, để có điện sử dụng còn nhiều vấn đề phát sinh như chi phí, nhân lực bảo trì, tiền điện hằng tháng. Đây là khoản kinh phí vượt quá khả năng của phòng nên đã báo cáo huyện để có hướng chỉ đạo, xử lý.
 
Chiều cùng ngày, chúng tôi trở lại Mang KRin, cơn mưa làm bầu trời tối sầm lại. Lúc này, cô giáo Huỳnh Thị Lệ đang giảng bài cho các em lớp 1, bằng nguồn sáng duy nhất là ánh sáng hắt qua khung cửa sổ. “ Tầm 4 giờ chiều là trời tối, các em khó học bài, nhất là mùa đông”, cô Lệ nói. 
 
Cô giáo và học sinh phải chịu cảnh nóng nực, còn quạt chỉ để...ngắm. Ảnh: Hiền Linh
Cô giáo và học sinh phải chịu cảnh nóng nực, còn quạt chỉ để...ngắm. Ảnh: Hiền Linh
 
Đến điểm trường mầm non Tu Ka Pan, khu dân cư Nước Toa, thôn Mang Tà Bể, cô giáo Cao Thị Ngọc Hà cho biết, năm nay là năm thứ hai giảng dạy, nhưng vẫn không có điện, mặc dù ngay cạnh trường là một trụ điện bê tông, dây điện túa ra nhiều hướng.
 
Tại điểm trường tiểu học ở Tập đoàn 10, thôn Mang Tà Bể, đầu dây điện chìa ra chờ đợi nhưng không có đường dây nối vào. Trong trường, trên cái bóng điện… chỉ để ngắm, ong đã làm tổ trên đó vì chờ mãi và không thấy điện về.
 
Hiền Linh

.