Sơ đồ từ nhà em đến trường

06:02, 27/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Rút kinh nghiệm những năm trước, tại một số trường học vùng khó ở huyện Ba Tơ đã sáng kiến ra nhiều giải pháp để "hút" học sinh đến trường, ngăn chặn tình trạng bỏ học, học giã gạo sau Tết Nguyên đán mang lại hiệu quả tích cực.

TIN LIÊN QUAN

Lấy hoạt động ngoại khóa "kéo" học sinh
 
Tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân, tại hầu hết các ở các trường học ở huyện Ba Tơ đã đến trường đông đủ nhất từ trước đến nay, khiến giáo viên bụng mừng như mở hội.
 
Tại Trường PTDT Bán trú- THCS xã Ba Xa, đông đủ học sinh đã đến trường hòa theo tiếng trống, tiếng reo hò không ngớt cổ vũ cho các trận tranh tài đá bóng, kéo co, bóng chuyền,…
 
Cách đó không xa, giờ ra chơi, sân trường Tiểu học xã Ba Xa (Ba Tơ) rộn ràng tiếng hát trẻ thơ ngân vang những ca từ  “Nơi biên cương, nơi hải đảo xa xôi chú bộ đội ngày đêm giữ yên đất trời. Cho nơi đây chúng cháu vui đến trường. Nắng hồng trang sách thơm và bao ước mơ xa…”. 
 
Những đứa trẻ người H’re chăm chú, hào hứng nhảy múa theo điệu nhạc. Lời hát vừa mộc mạc giản dị nhưng tràn đầy tình yêu thương của những đứa trẻ.
 
Sau Tết, tại hầu hết các trường học miền núi, học sinh đã đến trường đông đủ.
Sau Tết, tại hầu hết các trường học miền núi, học sinh đã đến trường đông đủ.

 

Cô Nguyễn Thị Thu Nương- Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Xa hào hứng: “Trước Tết, nhà trường rất lo sẽ tái diễn tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo sau Tết, thế nhưng, năm học này, các thầy cô giáo rất vui vì học sinh không mãi mê ăn Tết mà quên đến trường. Số lượng học sinh học giã gạo đã giảm hẳn, không còn là nỗi trăn trở, lo lắng”.

Nếu như ngày đầu tiên chỉ 75% học sinh đến lớp, ngày thứ ba đã tăng lên 90%. Đến ngày thứ tư, học sinh đã đến trường đông đủ, ngoại trừ một số em vắng có lý do vì ốm phải nhập viện.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm lăn lộn gieo chữ ở vùng khó, cô Nương chia sẻ: "Có những năm, cả Trường chỉ có vài chục học sinh ra lớp, nhìn lớp học thưa vắng, giáo viên buồn đến không nói nên lời".
 
Rút kinh nghiệm các năm trước, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa mỗi ngày vào giờ ra chơi kèm theo các phần thưởng thay vì chỉ tổ chức vào các dịp lễ, hội để "dụ" học sinh nên các em rất thích, để tiếp thêm hào hứng, thỏa mái, không đặt nặng áp lực bài vở, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giúp trẻ thêm yêu trường lớp, đẩy lùi được nạn bỏ học, học giã gạo.
 
Vẽ “Sơ đồ từ nhà em đến trường”
 
Với hàng ngàn giáo viên đang lăn lộn gieo chữ ở những vùng khó khăn nhất thì đây là kết quả rất đáng mừng, bởi đối với giáo viên vùng cao, ngoài dạy học, vận động học sinh ra lớp, nhất là trong thời điểm sau Tết Nguyên đán còn là công việc hết sức gian nan.
 
 
Sơ đồ từ nhà em đến trương của Trường PTDT Bán trú- THCS Ba Xa sáng kiến.
Sơ đồ từ nhà em đến trưòng của Trường PTDT Bán trú- THCS Ba Xa sáng kiến.
 
Trong cái khó ló sáng kiến, Trường PTDT Bán trú- THCS Ba Xa đã sáng kiến ra “Sơ đồ từ nhà em đến trường”. Tổ vận động phát họa sơ đồ chi tiết đường đi từ Trường đến nhà học sinh để bất kỳ giáo viên nào cũng có thể nhìn vào sơ đồ ấy mà đến tận nhà nhà vận động học sinh ra lớp.

Thầy Bùi Đình Bắc- Hiệu trưởng Trường PTDT- THCS xã Ba Xa (Ba Tơ) lý giải: “Với những học sinh đến trường đầy đủ thì không có gì đáng lo, còn những học sinh cá biệt, đây là cách làm hiệu quả”. 

Theo phong tục, đa số người đồng bào không ăn Tết cùng thời điểm với người Kinh mà tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Khi nào có tiền, họ sắm đầy đủ vật chất mới tổ chức mời xóm làng đến ăn Tết cùng, vì thế mà việc học của trẻ con cũng bị ảnh hưởng theo.
 
Ông Huỳnh Thương- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, lãnh đạo huyện đã trực tiếp cùng chính quyền các địa phương và đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học đến gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động bà con ăn Tết cùng thời điểm với người Kinh. 
 
Nhà nào hiện chưa ăn Tết thì tổ chức ăn Tết trong hai ngày cuối tuần. Học sinh có thể về nhà ăn Tết vào buổi trưa sau khi hoàn tất buổi học trên lớp, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của việc ăn Tết theo phong tục của người đồng bào đến việc học của con trẻ. Nhờ vậy mà tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo đã được hạn chế đến mức thấp nhất.
 
Đó là kết quả từ việc thực hiện tốt các chính sách cho học sinh bán trú, đồng bộ các giải pháp từ nhà trường đến chính quyền xã, thôn, bản trong việc tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 
 

.