Thiếu giáo viên, mệt mỏi vì dạy tăng tiết

02:12, 31/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở nhiều huyện miền núi, do thiếu giáo viên ở một số bộ môn dẫn đến thầy cô giáo phải "gồng mình" dạy tăng tiết. Điều này không chỉ gây khó cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Quá sức giáo viên

Thầy giáo Ngô Văn Tánh - dạy tiếng Anh, Trường THCS Long Hiệp (Minh Long) cho biết, cả một học kỳ tuần nào cũng kín lịch giảng dạy cho học sinh từ khối 6 đến khối 9. Giờ học sinh thi học kỳ mới thảnh thơi đôi chút.

Nếu dạy đủ số tiết/tuần, các thầy cô sẽ có điều kiện, thời gian chăm chút, hướng dẫn cho các em học tập tốt hơn.
Nếu dạy đủ số tiết/tuần, các thầy cô sẽ có điều kiện, thời gian chăm chút, hướng dẫn cho các em học tập tốt hơn.


Đa số học sinh Trường THCS Long Hiệp là đồng bào Hrê. Việc tiếp thu tiếng Việt để học kiến thức phổ thông đã khó, giờ học thêm môn ngoại ngữ lại càng khó hơn. Trường chỉ có một biên chế giáo viên dạy tiếng Anh là thầy Ngô Văn Tánh. Vì thiếu giáo viên nên thầy Tánh phải đảm nhiệm 8 lớp, từ khối 6 – khối 9. Theo quy định của ngành, mỗi giáo viên biên chế chỉ dạy 19 tiết/tuần, nhưng với thầy Tánh đã hơn 3 năm rồi thầy vẫn dạy bình quân 22 tiết/tuần. Cô Huỳnh Thị Thông - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Hiệp  cho biết: "Trong tuần chỉ mỗi buổi thứ 5 họp toàn thể giáo viên thì mới thấy thầy Tánh được thảnh thơi đôi chút. Biết là khó cho thầy, nhưng vì thiếu biên chế giáo viên tiếng Anh nên không còn cách nào khác".

Trường THCS Ba Tô (Ba Tơ) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trường hiện có 7 lớp cấp 2. Theo phân bổ chương trình môn Toán phải dạy cho các em đủ 28 tiết/tuần. Tuy nhiên, hiện trường chỉ có 1 giáo viên dạy Toán nên chỉ dạy 19 tiết/tuần. Thầy Nguyễn Đình Tín- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Tô cho biết: "Vì số tiết còn thiếu quá nhiều, trường phải hợp đồng với giáo viên Toán dạy bên ngoài để đảm bảo chương trình cho các em". Thầy Tín cho biết thêm, trường cũng chưa có giáo viên tin học. Tuy nhiên, theo quy định phải triển khai chương trình nâng cao công nghệ thông tin, nên bắt buộc nhà trường phải dạy tin học cho các em. Năm học 2015 – 2016, để đảm bảo chương trình, trường hợp đồng với giáo viên tin học dạy 2 tiết/tuần cho học sinh…

Chất lượng sẽ không cao

Trao đổi về vấn đề dạy tăng tiết và chế độ phụ cấp, thầy Ngô Văn Tánh - dạy tiếng Anh ở Trường THCS Long Hiệp bộc bạch: "Chế độ thù lao dạy tăng tiết, trường chi trả rất kịp thời. Cứ sau một học kỳ là nhà trường cộng tổng số tiết dôi dư để thanh toán. Thế nhưng, đôi lúc mệt mỏi với quá trình dạy học tăng tiết. Tuy nhiên, với cách dạy thế này thì chất lượng giáo dục sẽ không cao. Bởi, giáo viên không còn thời gian để tìm hiểu, nâng cao chất lượng bài dạy. Tôi mong ngành giáo dục sớm bố trí giáo viên dạy tiếng Anh về trường để còn có thời gian soạn bài, bồi dưỡng học sinh giỏi, thi Olimpic tiếng Anh cho các em".

Ở Trường THCS Ba Tô, tuy thiếu giáo viên nhưng có phần ổn hơn vì hợp đồng giáo viên bên ngoài. Tuy nhiên, về chất lượng dạy học sẽ không đảm bảo. Thầy Nguyễn Đình Tín - Phó Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: Đối với giáo viên biên chế tại trường mà dạy tăng số tiết quy định, thì ngoài việc không có thời gian soạn giáo án, chăm chút, nâng cao chất lượng bài giảng còn ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe. Còn giáo viên hợp đồng do không ổn định lâu dài, nên vấn đề đầu tư cho bài giảng cũng hạn chế hơn.

TIN LIÊN QUAN


Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở khá nhiều trường của các huyện miền núi, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Do đó ngành giáo dục và chính quyền ở các huyện miền núi cần khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu giáo viên để việc dạy và học đảm bảo chất lượng.


Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.