Đưa lịch sử địa phương vào trường học: Cần kết hợp giảng dạy và tham quan

08:12, 05/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Người được ngành giáo dục Quảng Ngãi cụ thể hóa bằng nhiều hình thức. Nhiều trường phổ thông trong tỉnh đã kết hợp giảng dạy trên lớp với tham quan các di tích lịch sử, làm cho các em yêu thích môn học này.

TIN LIÊN QUAN

Cần khuyến khích sự sáng tạo

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương dành một thời lượng nhất định để lồng ghép chương trình môn lịch sử địa  phương (LSĐP) vào giảng dạy chính khóa ở ba cấp học. Ở tỉnh ta, nhiều trường đã phân công giáo viên tìm hiểu, soạn các bài giảng đưa các sự kiện lịch sử, gương sáng anh hùng ở địa phương vào giảng dạy ở trường. Tuy nhiên, do chưa có giáo trình chung nên mỗi trường dạy theo mỗi kiểu, dẫn đến chưa đạt hiệu quả cao. Năm 2014, Sở GD& ĐT tỉnh đã tiến hành biên soạn tài liệu LSĐP một cách chính thống để triển khai ở ba cấp học.

Dạy Lịch sử cho các em bằng hình ảnh trực quan sẽ gây sự chú ý cho học sinh.
Dạy Lịch sử cho các em bằng hình ảnh trực quan sẽ gây sự chú ý cho học sinh.


Thầy Nguyễn Địch - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ (TP. Quảng Ngãi), cho biết:  Năm học 2015 – 2016, Sở ban hành tài liệu nên việc giảng dạy thuận lợi hơn. Theo phân bổ chương trình, trường đã tổ chức dạy 1tiết/năm học đối với khối lớp 10, 11 và 2 tiết/năm đối với khối 12. Để các em hiểu rõ hơn về LSĐP, ngoài giờ giảng trên lớp, trường còn tổ chức cho các em sinh hoạt  ngoại khóa tham quan các di tích lịch sử quan trọng ở Quảng Ngãi, như cụm di tích cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, Khu lưu niệm  Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Riêng vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3) hay dịp kỷ niệm Anh hùng Trương Định tuẫn tiết (16.8), trường tổ chức cho các em dự lễ.

Thầy Phan Đình Trung tổ trưởng Tổ sử, địa, công dân (Trường THPT Sơn Mỹ), chia sẻ thêm: Những chuyến tham quan học tập giúp các em cảm nhận sâu sắc về các sự kiện lịch sử của quê hương. Từ đó, giúp cho các em hiểu hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, lòng tự hào dân tộc, khí phách của những người anh hùng trung kiên, bất khuất để ra sức học tập, noi gương sáng và yêu thích môn học LSĐP hơn. Mỗi khi đến tiết dạy lịch sử liên quan đến những gương anh hùng trên quê hương, hay lịch sử quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là các em đã tự tìm kiếm các tư liệu, hình ảnh để minh họa. Một điều khá thú vị là nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhiều thầy cô dạy sử đã cập nhật phim tư liệu, hình ảnh  để trình chiếu cho các em xem, tạo sự hứng thú trong học tập.

 Tại TP. Quảng Ngãi, nhiều trường THCS cũng đã có nhiều sáng tạo trong giảng dạy môn LSĐP. Nhân các dịp lễ, kỷ niệm lớn của tỉnh, đất nước, nhà trường kết hợp với Hội phụ huynh tổ chức cho các em đi tham quan học tập ở vùng quê cách mạng, các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.  

Vẫn còn lúng túng

Tuy đã có những nỗ lực trong việc giảng dạy LSĐP, nhưng vẫn còn một số trường trong tỉnh lúng túng khi triển khai chương trình này. Thầy Đinh Thanh Kiều- giáo viên dạy môn lịch sử Trường THCS Long Sơn (Minh Long), bộc bạch: Trước đây, do không có tài liệu hướng dẫn nên trường thống nhất lấy sách Lịch sử Đảng bộ huyện làm tư liệu giảng dạy cho các em. Năm học 2015-2016, đã có tài liệu của Sở phát hành, nhưng là năm đầu tiên đưa vào giảng dạy, nên một số thầy cô còn lúng túng.

Trưởng Phòng GD& ĐT Ba Tơ Huỳnh Giang Nam, cho biết: Hiện nay, các trường tiến hành giảng dạy LSĐP theo nội dung do Sở ban hành. Thời lượng dạy mỗi khối lớp ít nhất 1 tiết, riêng khối 7 dạy 2 tiết/năm. Tuy nhiên, qua giảng dạy vẫn còn có những bất cập là, một số giáo viên chưa chuẩn bị tốt bài giảng nên trong chương trình giảng dạy về hai quần đảo  Hoàng Sa, Trường Sa chưa thật sự hấp dẫn các em. Do vậy, phòng giáo dục đang lên kế hoạch tập huấn lại cho các giáo viên.

Các trường ở các huyện miền núi thì lúng túng trong việc triển khai, còn các trường THPT tư thục ở TP.Quảng Ngãi thì hầu như chưa biết đến khái niệm LSĐP. Thầy Lương Văn Việt - Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hoàng Văn Thụ, cho biết: Trường chưa nhận được tài liệu LSĐP để giảng dạy. Sắp đến nếu có chủ trương trường sẽ phân phối chương trình áp dụng vào giảng dạy, để nâng cao kiến thức, khơi dậy trong các em ý thức học tập.

Để việc giảng dạy LSĐP ngày càng đi vào chiều sâu, Sở GD& ĐT cần tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên về chương trình giảng dạy LSĐP, khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh đi tham quan, học tập ở những di tích lịch sử trong tỉnh. Có như vậy mới khơi dậy niềm đam mê học môn LSĐP trong học sinh.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.