Giáo dục lịch sử địa phương: Thắp sáng ngọn lửa tự hào

10:09, 20/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Truyền dạy lịch sử địa phương, thắp sáng ngọn lửa tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông trong mỗi người dân đất Quảng, nhất là đối với thế hệ trẻ là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Lịch sử cách mạng, tài sản không gì sánh bằng
 
Rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh, tìm gặp các cụ cao niên để được nghe kể về truyền thống cách mạng ở địa phương, trong mỗi chúng tôi như được thổi bùng ngọn lửa tự hào. Từ tiếng trống thôi thúc lòng người ở làng Tân Hội (xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ), hơn 5.000 người dân hừng hực khí thế đánh chiếm Huyện đường Đức Phổ. Dẫu sau đó bị đàn áp dã man, song nhân dân ta đã chứng tỏ cho quân xâm lược thấy một điều rằng: Người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục.

Đã gần 30 năm trông coi nhà trưng bày về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Nghiêm-Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi (ở làng Tân Hội, xã Phổ Phong), cụ ông Nguyễn Ngọc Sang (74 tuổi, cháu họ đồng chí Nguyễn Nghiêm) tự hào nói: “Tôi luôn dặn lòng mình phải noi gương cha ông đi trước. Tôi cố gắng bảo quản hiện vật cho tốt, nuôi dạy con cháu nên người để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông…”.

Nhà trưng bày về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Nghiêm.
Nhà trưng bày về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Nghiêm.


Nghe câu chuyện kể về đồng chí Nguyễn Nghiêm trước lúc hy sinh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Trên đường bị địch giải lên pháp trường, tay bị trói, chân bị xích, đi giữa hai hàng lưỡi lê sáng chói, đồng chí Nguyễn Nghiêm vẫn bình thản chào vĩnh biệt đồng bào. Trước lúc bị xử chém, đồng chí vẫn hiên ngang, bất khuất, dõng dạc hô to: “Cách mạng Việt Nam nhất định thắng lợi”.

Ngược về các xã khu Đông của huyện Bình Sơn, trên quê hương trận đầu đánh Mỹ ở xã Bình Đông, rồi đến xã Bình Hải-nơi lưu giữ chứng tích của chiến thắng Vạn Tường, trận đánh được ví như trận Ôkinaoa trong chiến tranh thế giới thứ 2, chúng tôi được nghe về những ngày đầu đánh Mỹ. Chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, chỉ có lòng quả cảm, kiên trung của những người con mang dòng máu Lạc Hồng mới làm nên chiến thắng vang dội, đánh tan bè lũ cướp nước và bán nước. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Ngãi rất đỗi tự hào,  là nguồn sức mạnh to lớn để mỗi người dân Quảng Ngãi vươn lên, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của cha ông. Ông Vũ Tùng Vy-Nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Phổ tâm tư: “Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm thế nào để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tự hào về lịch sử địa phương, phải giữ cho được ngọn lửa tự hào về truyền thống cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Còn xem nhẹ công tác giáo dục   

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế mà đáng buồn thay, ở tỉnh ta hiện nay nhiều địa phương thiếu sự quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy các di tích lịch sử, chưa coi trọng công tác giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ.

Mỗi lần về huyện Mộ Đức, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi đi ngang qua Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày ở ngay sát Quốc lộ 1 (thuộc địa bàn xã Đức Chánh). Trước đây, di tích lịch sử chiến thắng Mỏ Cày cũng bị bỏ hoang, sau đó được cơ quan chức năng đầu tư xây dựng. Thế nhưng giờ thì “đâu lại vào đấy”, di tích “cửa đóng then cài”, cây cỏ um tùm,  bảng hiệu bong tróc nham nhở.

Không chỉ ở Mộ Đức, mà ngay ở TP.Quảng Ngãi, khu lăng mộ Bùi Tá Hán từ lâu đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, thế nhưng vẫn thiếu sự quan tâm đầu tư, tôn tạo. Nhiều học sinh cấp III ở TP.Quảng Ngãi khi được hỏi về di tích khu lăng mộ Bùi Tá Hán đều lắc đầu bảo không biết. Mới đây, chúng tôi có dịp trao đổi với một giáo viên dạy Sử ở Trường THPT chuyên Lê Khiết về việc dạy và học môn Lịch sử. Cô giáo này không khỏi buồn lòng khi kể chuyện có học sinh học rất giỏi Lịch sử, được trường chọn đi dự thi Olympic môn Lịch sử toàn miền Nam. Thế nhưng phụ huynh kiên quyết không cho em này dự thi, bởi “sợ” rằng tương lai của con mình không tươi sáng nếu theo khối ngành khoa học xã hội.

Thực tế  đó cho thấy ngọn lửa của niềm tự hào về lịch sử địa phương chưa được chính những người có trách nhiệm thắp sáng trong suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ hôm nay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.