Về môn thi lịch sử

09:06, 05/06/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- “Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT dẫn đầu đoàn kiểm tra thi ở tỉnh Hưng Yên. Trong số 3 hội đồng mà đoàn công tác đến thì có hai hội đồng là THPT Trưng Vương (H.Văn Lâm) và THPT Mỹ Hào (H.Mỹ Hào) đều không có thí sinh thi môn sử.

TIN LIÊN QUAN

Theo ông Nguyễn Văn Phê- Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, tỉnh này có tới 15/36 hội đồng thi không có thí sinh thi sử. Hội đồng thi THPT Hồng Đức (H.Mỹ Hào) chỉ có 1 thí sinh thi sử. Một số hội đồng khác cũng chỉ có vài ba thí sinh” (theo báo Thanh Niên).

Đây là một kết quả đã được báo trước, không có gì lạ. Điều lạ, là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT vẫn tỏ ra rất yên tâm về chuyện môn lịch sử có rất ít thí sinh đăng ký thi. Do là môn tự chọn, nên sự lựa chọn của thí sinh là tối thượng.

Dĩ nhiên, thật khó trách vì sao môn lịch sử lại thành môn thi tự chọn, vì môn vật lý hay môn địa lý cũng là môn tự chọn. Nhưng cũng phải nói ngay rằng, môn lịch sử từ nhiều năm nay luôn nằm trong tốp những môn học bị học sinh gọi là “siêu chán”(?!) Đó là điều thật sự kinh hoàng, không chỉ với các nhà sử học, mà với hầu hết phụ huynh học sinh.

Với bất cứ một đất nước nào, thì lịch sử của đất nước luôn được tôn vinh, quý trọng, gìn giữ, và luôn có mặt trong số những môn học chủ yếu ở trường phổ thông. Việt Nam không là ngoại lệ. Bởi vì, dù là một môn học không phải môn chính như toán hay văn, nhưng môn lịch sử Việt Nam đã từng được kính trọng, đã không hề bị ghẻ lạnh, nhất là trong thời gian đất nước có chiến tranh, phải kháng chiến chống xâm lược.

Tôi nhớ, chính trong khoảng thời gian Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc ác liệt nhất, thì bộ thông sử Việt Nam 4.000 năm đã xuất hiện trên các quầy sách ở miền Bắc Việt Nam. Bộ sách ấy không chỉ dành cho các nhà sử học, các nhà chuyên môn. Nó dành cho tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Cũng như trong thời gian Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979, những ca khúc hay nhất về lòng yêu nước, về tinh thần dân tộc, trở thành những ca khúc phổ biến nhất trong nhà trường phổ thông.

Lịch sử luôn là những chuỗi kết nối, là những giai đoạn không tách rời, là cuộc sống của một quốc gia, của một hay nhiều dân tộc, của một cộng đồng trong một đất nước. Lịch sử chính là “lý lịch toàn thể” “lý lịch chi tiết” của một đất nước, một quốc gia, chứ không phải là “lý lịch trích ngang”, hay thậm chí “lý lịch được cắt xén”.

Vì sao học sinh bây giờ lại chán môn sử, thì Bộ GD&ĐT phải tự hỏi mình, những người soạn thảo sách giáo khoa môn lịch sử Việt Nam phải tự hỏi mình. Và cuối cùng, chính những người có trách nhiệm và quyền hành ở mức cao nhất đối với môn học này phải thành thật tự hỏi mình: Vì sao như vậy? Tôi nghĩ, nếu cứ ra đề thi môn lịch sử như đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, thì không chỉ các em học sinh phổ thông ngại, mà chính tôi cũng… ngại.

Dù tôi cũng là người kháng chiến cũ, và tôi không hề xa lạ với lịch sử kháng chiến chống Mỹ của đất nước, một lịch sử ở thế kỷ trước nhưng chỉ cách chúng ta chưa tròn 40 năm. Tại sao ở đề thi văn lại đưa được thời sự nóng hổi về giàn khoan Trung Quốc xâm lấn chủ quyền biển Việt Nam, mà ở đề thi lịch sử, lẽ ra chuyện gắn với sinh tồn của quốc gia phải được nhấn mạnh đúng mức, thì thí sinh lại nhận được một câu hỏi khá mông lung như thế này: “b) Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay?”.

Với học sinh phổ thông, phân tích cho ra ngọn ngành chuyện này không hề dễ. Dù câu hỏi không thuộc dạng đánh đố, nhưng trong lúc này mà ra một câu hỏi như thế thì làm sao học sinh trả lời? Môn lịch sử trong nhà trường phổ thông, một là phải thay đổi sâu sắc, hai là sẽ tiếp tục… không có thí sinh dự thi./.

 

.