Mô hình giáo dục học sinh cá biệt: Kinh nghiệm từ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

02:10, 31/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục đạo đức học sinh cá biệt vừa là nhiệm vụ nan giải ở nhà trường phổ thông, vừa là vấn đề có tính thời sự hiện nay.  Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Quảng Ngãi), “mô hình giáo dục, quản lý đạo đức học sinh cá biệt” được triển khai thực hiện khá hiệu quả trong những năm qua.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, được thành lập từ năm 1992 là trường thuộc hệ bán công, đến năm 2011 được chuyển đổi sang hệ công lập. Chất lượng đầu vào đạt thấp, trong đó có nhiều em diện cá biệt nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của trường. Trước thực tế này, nhà trường đã có cách làm hay để chấn chỉnh đạo đức học sinh, tạo động lực, thúc đẩy chất lượng dạy và học.
 

Xử lý chặt chẽ, bài bản

Quy trình quản lý, đánh giá hạnh kiểm, đạo đức học sinh, trường THPT Huỳnh Thúc Khánh thực hiện rất chặt chẽ, bài bản. Ban giám hiệu, ban quản sinh, giáo viên chủ nhiệm nắm diễn biến học sinh hằng ngày. Diện học sinh bị kỷ luật, hạnh kiểm yếu tháng đưa vào báo cáo tháng. Cuối học kỳ, dành một buổi riêng để giáo viên chủ nhiệm tổ chức đánh giá, bình bầu về hạnh kiểm, ưu điểm, khuyết điểm, rút kinh nghiệm của từng học sinh, từng lớp. Ngoài ra, việc xét thi đua, học lực, hạnh kiểm học kỳ tại nhà trường tổ chức công khai, rà soát và đưa xem xét kỹ lưỡng những trường học sinh cá biệt của từng lớp. Tổ chức nghiêm túc diện học sinh rèn luyện trong hè bằng hình thức lao động tại trường. Em nào chấp hành tốt, có chuyển biến về hạnh kiểm, mới xem xét nâng hạnh kiểm, được lên lớp.

Trên cơ sở văn bản, quy định, hướng dẫn của cấp trên, vào đầu mỗi năm học, nhà trường rất quan tâm việc củng cố kiện toàn, bổ sung các quy định, quy trình liên quan thi đua, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh cho phù hợp với diễn biến, thực tế học sinh. Các biểu hiện, vi phạm mới nảy sinh trong học sinh hiện nay về công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội…mặc dù, các quy định của Bộ GD và ĐT chưa có hoặc chưa cụ thể, song nhà trường vẫn mạnh dạn bàn bạc, thống nhất đưa vào để việc đánh giá, theo dõi, xử lý của các bộ phận, giáo viên được thuận lợi, đầy đủ, sát thực tế. Đặc biệt, trường hợp học sinh vi phạm gây gổ đánh nhau, “đánh nhau hội đồng”, lôi kéo học sinh khác, thanh niên bên ngoài đánh học sinh trong trường, nhà trường quy định cụ thể, chặt chẽ cùng với nhiều hình thức uốn nắn và kỷ luật phù hợp, có tính giáo dục và răn đe, từ mức phê bình đến cảnh cáo, buộc thôi học có thời hạn.

Sau khi các công cụ “pháp lý” của nhà trường hoàn tất, cán bộ, giáo viên của trường dành nhiều thời gian tuyên tuyền, phân tích chi tiết và yêu cầu học sinh, phụ huynh ký vào bản cam kết thực hiện, nhất là học sinh lớp 10 mới vào trường. Trong năm học, các tiết chào cờ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần; hoạt động của Đoàn, Hội thanh niên, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức học sinh được lồng ghép, triển khai liên tục, cùng các hình thức phong phú như kể chuyện, nêu gương, dựng tiểu phẩm, hỏi, đáp nhanh… với phương châm giáo dục “mưa dầm thấm lâu”, nhận thức, hiểu biết phải đi trước.

Từ ngày thành lập đến nay, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng luôn duy trì và phát huy tốt vai trò của Ban quản sinh. Ban quản sinh gồm có 4 đến 5 thầy cô giáo, chuyên việc theo dõi, đánh giá, xử lý, giáo dục đạo đức, nền nếp, tác phong của học sinh nhà trường. Hơn nữa, Ban quản sinh, tổ bảo vệ… chủ động, tích cực, thường xuyên đi “thực tế” để tiếp nhận thông tin. Từ đó, nhà trường, Ban quản sinh phát hiện, “đấu tranh”, “chấn chỉnh” được khá nhiều vụ học sinh trong trường, liên kết với thanh niên bên ngoài chuẩn bị hung khí, tổ chức đánh nhau tập thể.

Thầy Nguyễn Văn Luận- Trưởng Ban quản sinh (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) chia sẻ: Tôi có 15 năm làm công việc quản sinh, đã giải quyết hàng trăm vụ học sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến đánh nhau. Lý thuyết, văn bản thì dễ, nhưng đi vào thực tế xử lý thì lại vô cùng khó khăn. Phải phân tích hành vi đúng sai, phải trái để học sinh, phụ huynh nhận ra lỗi và trách nhiệm của mình. Nhờ xử lý kịp thời, kiên quyết nên nạn bạo lực trong học sinh mấy năm nay đỡ đi nhiều.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nhà trường, các bộ phận, thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn và phụ huynh, kể cả Công an phường, Công an thành phố Quảng Ngãi luôn được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm giáo dục nhiều lần không tiến bộ, sẽ được chuyển lên Ban quản sinh, Ban giám hiệu giáo dục, tư vấn. Học sinh vi phạm nhiều lần, nhất là liên quan đến đánh nhau thì giáo viên chủ nhiệm, Ban quản sinh mời cha mẹ đến làm việc, cùng cam kết, cùng giáo dục, cho thêm những cơ hội sửa sai. Làm triệt để, thường xuyên với tinh thần, trách nhiệm cao của nhà trường, thầy cô giáo nên về mặt đạo đức học sinh nhà trường có chuyển biến tích cực.

ĐỖ TẤN NGỌC

 


.