San sẻ khó khăn cùng học trò

09:05, 18/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Mặc dù khó khăn về chỗ ở và đời sống kinh tế, nhưng các thầy cô giáo ở huyện vùng cao Ba Tơ vẫn san sẻ, chia lửa yêu thương ngay trong chính ngôi trường của mình. Thầy cô đã nhường phòng ở tập thể cho học sinh vùng sâu, vùng xa có chỗ ở nội trú, để tiếp tục đến trường.
 
 
Trồng người “nơi đất khó”
 
Trường THPT Ba Tơ nằm ngay trung tâm thị Trấn Ba Tơ. Với những ai vừa đặt chân đến ngôi trường này, đều có một cảm nhận chung, đó một ngôi trường khá khang trang. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn nhiều thiếu thốn mà chính những người làm công tác giáo dục vùng cao như các thầy cô ở đây mới hiểu hết.
 
Toàn trường hiện có hơn 650 học sinh. Trong số này, có đến 60% là học sinh dân tộc thiểu số, 40% học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Ba Điền, Ba Giang, Ba Vinh, Ba Khâm, Ba Lế… Có nơi xa trường đến 70km. Lượng học sinh khá đông nhưng vì còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tài chính nên nhà trường vẫn chưa xây dựng được nhà bán trú.
 
Những phòng ở trong khu tập thể được các thầy cô nhường lại cho học sinh.
Những phòng ở trong khu tập thể được các thầy cô nhường lại cho học sinh.
 
Thương các em, lo lắng cho sự nghiệp “trồng người” nơi đại ngàn, cách đây 4 năm, những thầy cô giáo ở đây đã bàn bạc và quyết định nhường lại một nửa khu tập thể của mình cho học trò, nhằm giảm bớt chi phí ở trọ và quan trọng hơn là để các em có thể tiếp tục tìm đến ánh sáng con chữ.
 
Cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ là người đưa ra đề xuất này. Cô chia sẻ, khi ý tưởng này phát động, tất cả thầy cô, nhất là những thầy cô ở xa, được nhà trường cấp phòng cho ở lại đã nhiệt tình hưởng ứng. Ngay sau đó không lâu, 5 trong tổng số 10 phòng tập thể của giáo viên đã được chuyển sang làm nhà bán trú cho 40 được ở lại. 
 
Thầy Lê Văn Dũng, 32 tuổi, giáo viên thể dục là một trong những người tiên phong nhường phòng cho học sinh. Thầy từ huyện Minh Long lên đây công tác và được nhà trường cấp cho một phòng trong khu tập thể để thuận tiện hơn trong việc dạy học. Năm 2013, thầy tự nguyện ở ghép cùng 2 thầy khác để nhường phòng cho các em. Thầy bộc bạch: “Mình chịu khó một chút nhưng lại có thể đem đến niềm vui cho các em. Còn gì hạnh phúc hơn khi được “nhường cơm, sẻ áo” cho chính học sinh của mình”.
 
Niềm vui lan tỏa
 
Nhà cách trường gần 30 cây số, năm học lớp 10, em Phạm Thị Dưng, học sinh lớp 11 phải thuê nhà ở trọ. Mỗi tháng, chỉ riêng tiền phòng, em phải đóng đến 500 ngàn đồng. Nhờ được thầy cô cho ở lại, Dưng không chỉ tiết kiệm được khoản tiền trọ mà các khoản chi tiêu khác như tiền ăn uống, sinh hoạt cũng giảm đi nhiều. Em  cảm động bộc bạch: “Tháng nào ba mẹ chưa gửi tiền học kịp thì em được các thầy cô cho mượn rồi trả sau. Hôm nào hết tiền ăn thì các thầy cô nấu cho ăn. Thầy cô chăm sóc chúng em không khác gì cha mẹ ở nhà cả. Ở với thầy cô, cuối tháng không sợ đói như những ngày ở trọ bên ngoài”.
 
Ở cùng các thầy cô, các em tiết kiệm được một khoản lớn tiền trọ và nhiều khoản chi tiêu khác.
Ở cùng các thầy cô, các em tiết kiệm được một khoản lớn tiền trọ và nhiều khoản chi tiêu khác.
 
Không những vậy, thời gian rảnh, các em còn được thầy cô phụ đạo, dạy kèm. Nhà trường cũng phân công thầy cô trực ca đêm (từ 19h - 22h30) để học sinh chú trọng hơn trong việc ôn tập ngoài giờ lên lớp. Chính vì thế, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Nhiều em trước đây là học sinh yếu, kém đã vươn lên khá, giỏi.
 
Điểm trường cách nhà khá xa, quãng đường đi lại  trắc trở, việc đi học với em Phạm Thị Vinh khá khó khăn. Năm nay, em lại là học sinh cuối cấp. Không ít hôm, em phải nghỉ học ở nhà vì mưa lớn, sạt lở. Từ khi ở lại trường, việc học tiến bộ hẳn lên và em đang dồn sức cho những kỳ thi quan trọng sắp tới. Em chia sẻ thêm: “Ở đây có thầy cô dạy cho học, có bạn bè bảo ban nhau nên không thấy buồn lắm khi xa gia đình”.
 
Cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Hiệu phó Trường THPT Ba Tơ, cho biết: “Hiện nay, 5 phòng tập thể được các thầy cô nhường lại mới đáp ứng đủ cho 40 học sinh. Số lượng học sinh cần phòng để ở lại vẫn còn rất nhiều. Tuy nhiên, tấm lòng của các thầy cô đã giúp đỡ phần nào cho những học sinh khó khăn. Phụ huynh cũng thoải mái, yên tâm hơn khi con cái mình có chỗ ở ổn định trong chính ngôi trường con mình theo học”.
 
Rời Trường THPT Ba Tơ, chuyện chúng tôi mang về vẫn là những thầy cô bám trường, bám lớp vốn đã quen thuộc khi đến với vùng cao. “Gieo chữ” trên mảnh đất còn nhiều gian khó như ở đây, các thầy, cô giáo đã và đang cố gắng biến những gian khổ thành nụ cười và đôi cánh để giúp các em học sinh bay cao trên bầu trời kiến thức, thắp sáng ước mơ đến trường/. 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.