Tạo việc làm cho người khuyết tật

05:05, 04/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người khuyết tật (NKT) luôn mong muốn hòa nhập và được tạo điều kiện về việc làm để ổn định cuộc sống. Vì thế việc định hướng nghề nghiệp, tổ chức các lớp dạy nghề cho NKT là vấn đề đang được đặt ra.

TIN LIÊN QUAN


Để người khuyết tật hoà nhập

Ông Trần Nhất Linh-Trưởng Phòng Hành chính Công ty Vinatex Tư Nghĩa cho biết, Công ty hiện có 10 người khuyết tật đang làm việc tại các công đoạn trong các xưởng may. Khi mới nhận các em vào làm, nhiều em rất bỡ ngỡ, lạ lẫm, đặc biệt trong việc giao tiếp còn nhiều hạn chế. Ban đầu, Công ty cử người hướng dẫn, các em hiểu rất nhanh, có trường hợp chỉ trong vòng một ngày là đã làm việc được. Qua một thời gian ngắn, nhiều NKT làm việc thuần thục, năng suất tương đương với người bình thường. Công ty không hề có sự phân biệt giữa NKT và người bình thường và luôn tạo mọi điều kiện để người khuyết tật làm việc.

Em Phạm Văn Trường (bị khiếm thính) đang làm việc tại máy đóng nút, tổ 16, xưởng 2, “nói chuyện” với tôi qua giấy và bút. Trường cho biết, vào làm từ ngày 2.4.2014, thử việc một tháng. Trường rất vui, cả ba mẹ ai cũng mừng khi biết con được nhận vào làm tại công ty. Còn Trần Thị Thanh Phương (bị khiếm thính) vào làm việc tại công ty từ ngày 14.3.2014. Đến nay Phương đã nhận lương  tháng đầu. Phương cho biết, muốn được làm việc lâu dài tại công ty.

Mới đây, Công ty Vinatex Tư Nghĩa tiếp nhận hồ sơ của 5 NKT từ Trường Giáo dục Trẻ khuyết tật (GDTKT) tỉnh. Tuy nhiên một hồ sơ ứng viên chưa đủ 18 tuổi nên công ty hẹn đúng tuổi sẽ nhận vào làm.

Em Trương Thị Bích Hà (bị khiếm thính) đang làm việc tại Công ty Vinatex Tư Nghĩa.
Em Trương Thị Bích Hà (bị khiếm thính) đang làm việc tại Công ty Vinatex Tư Nghĩa.


Năm 2013, Trường GDTKT tỉnh đã kết hợp với Trung tâm Dạy nghề Thanh niên tỉnh (TT DNTN) tổ chức các lớp dạy nghề may Công nghiệp cho 30 em khuyết tật từ 16 tuổi trở lên. Lớp học được dạy trong vòng 3 tháng. Kết thúc khóa học, thi tốt nghiệp, các học viên tham gia đều đạt chuẩn.

Bà Phạm Thị Ngọc Kim- Giám đốc TT DNTN tỉnh cho biết, việc hướng nghiệp, dạy nghề không chỉ là tiền đề giúp các em khuyết tật có công việc, thu nhập ổn định mà còn giúp các em tự tin hơn trong việc hòa nhập với xã hội. Phương châm khi tổ chức các lớp học nghề dành cho NKT là “cầm tay chỉ việc”, coi trọng thực hành. Sau các buổi học, những sản phẩm may, hoa vải làm ra được sử dụng làm mẫu, trưng bày, sử dụng hoặc bán.

Trước đó, từ những năm 2004-2008, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức 5 dự án học nghề may cho người khuyết tật tại huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn và Tư Nghĩa. Ông Bùi Đức Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em cho biết, các dự án này đạt hiệu quả vì tổ chức lưu động, NKT ở nông thôn dễ dàng tiếp cận với các lớp học nghề này, có nhân lực để đào tạo, chất lượng đầu ra bảo đảm...

Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp

Bà Trần Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và hướng nghiệp, Trường GDTKT tỉnh cho biết: Hằng năm, trường mở nhiều lớp dạy nghề cho các em khuyết tật đang học tại trường. Thay vì chuẩn của độ tuổi định hướng nghề là 16 thì nhà trường đã hạ độ tuổi định hướng nghề cho các em khuyết tật xuống còn 12 tuổi. Việc này nhằm giúp các em có nhiều cơ hội lựa chọn, thử sức với các mảng nghề để tìm ra nghề nghiệp phù hợp, yêu thích. Đồng thời giúp nhà trường có thời gian lựa chọn và phát hiện em nào phù hợp với mảng nghề nào để tập trung hướng dẫn.  

Có không ít những khó khăn trong việc đào tạo hướng nghiệp cho người khuyết tật như trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề còn thiếu thốn, ngân sách hạn chế. Ngoài ra, việc quy định mỗi NKT chỉ được học nghề một lần trong thời gian ngắn dẫn đến chất lượng không bảo đảm, phải đào tạo lại ngành nghề khác. Chính sức khỏe, trình độ, khả năng giao tiếp của NKT cũng là một trong những rào cản trong việc định hướng nghề nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thủy-Trưởng phòng Giới thiệu việc làm - XKLĐ (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh) cho hay, nhu cầu việc làm của NKT là rất cao. Tuy nhiên, hằng năm có rất ít NKT đến đăng ký giới thiệu việc làm. Giải thích về điều này, bà Thủy cho rằng, nhiều NKT tự học nghề tại nhà hoặc tại các cơ sở nhỏ, sau đó xin việc thông qua người quen. Có doanh nghiệp đã tuyển dụng NKT vào làm việc đánh giá rất cao khả năng của NKT vì sự tập trung, chăm chỉ, tinh thần kỷ luật. Bên cạnh đó, tâm lý của NKT khi đã xin được việc làm có thể thu nhập không cao nhưng ổn định thì luôn muốn gắn bó, làm việc lâu dài. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người có liên quan, đầu ra việc làm của NKT hiện nay còn nhỏ lẻ, chưa ổn định.

Trong thời gian sắp tới, Trường GDTKT sẽ mở thêm các lớp nghề làm mới cho các em khuyết tật đang học tại trường. Dự định lâu dài của Trường GDTKT tỉnh là liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo dạy nghề. Trước mắt sẽ đầu tư xây dựng các phòng học nghề, phòng trưng bày sản phẩm do các em làm ra. Còn bà Phạm Thị Ngọc Kim-Giám đốc TT DNTN tỉnh kỳ vọng về một trung tâm quy tụ NKT trên địa bàn tỉnh, có giáo trình đào tạo học nghề cho NKT, thành lập tổ sản xuất và có nơi chuyên trách tìm đầu ra cho sản phẩm. Để đạt được điều này rất cần sự chung sức của các cấp ban ngành, đoàn thể xã hội trong việc góp phần đáp ứng nhu cầu việc làm, ổn định đời sống của NKT, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
 

Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.