Con muốn được tiếp tục đi học

01:11, 08/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không may mắn như những em học sinh bình thường khác, các em học sinh của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh chỉ có thể học đến hết bậc tiểu học. Trong khi đó, niềm khát khao được tiếp tục đến trường dường như chưa bao giờ tắt trong đôi mắt của những đứa trẻ bất hạnh này...

Không để đường học vấn của con trẻ bị cắt ngang, một vài gia đình đã đưa con ra TP.Đà Nẵng hoặc vào TP.Hồ Chí Minh để tiếp tục việc học, nhưng do chi phí quá lớn, nên số em được tiếp tục học lên bậc THCS chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khát khao được đến trường

Chúng tôi thật sự xúc động khi được dự tiết học tin học ở lớp 5A-Lớp khiếm thính của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh. Mặc dù không thể nghe, nói được, nhưng qua ký hiệu trao đổi với giáo viên các em rất chăm chú trong giờ thực hành trên máy tính. Em nào cũng say sưa, với đôi tay thoăn thoắt gõ trên bàn phím. Trò chuyện với một số em thông qua "thông dịch viên" là thầy giáo Phạm Quốc Triệu.  Khi nghe tôi hỏi, học hết lớp 5 các em có muốn được học tiếp nữa không? Dường như, tất cả các em đều phát ra một âm thanh giống nhau, biểu lộ cảm xúc như nhau. Và để cho tôi hiểu, các em liền gật đầu. Có em kéo tay tôi chỉ vào màn hình, đôi tay em gõ bàn phím với dòng chữ hiện ra trên trang Word “Em rất muốn tiếp tục đi học nữa”!

 

Em Bùi Thanh Quang (ngoài cùng) trong giờ tin học được gia đình gửi học nhờ lại lớp 5 để giải tỏa khát khao được tiếp tục đi học.
Em Bùi Thanh Quang (ngoài cùng) trong giờ tin học được gia đình gửi học nhờ lại lớp 5 để giải tỏa khát khao được tiếp tục đi học.


Trao đổi với tôi, thầy Lê Trung Tiên – Hiệu trưởng nhà trường trăn trở: “Nhiều trường hợp phụ huynh không có điều kiện để đưa con đi học ở các thành phố lớn, đành quay về trường xin cho con được học lại lớp 5, chúng tôi không thể nhận lại học sinh. Dù rất thương các em, nhưng chỉ tiêu có hạn chúng tôi đành từ chối”. Cá biệt lắm, mỗi năm nhà trường cũng chỉ nhận thêm một em gửi lại, nhưng toàn bộ chi phí ăn, ở nội trú và học phí gia đình các em tự lo.

Em Bùi Thanh Quang (2009) ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) bị khiếm thính là trường hợp cá biệt ấy. Sau khi học xong lớp 5 ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh từ năm 2012, năm học này cha mẹ em tiếp tục xin con vào lại trường  để học lại lớp 5. Ông Bùi Thanh, cha của em Quang cho biết: “Học xong lớp 5, cháu về nhà,  ở Quảng Ngãi không có nơi nào cho cháu đi học. Vào trường THCS bình thường thì cháu không học được. Ở nhà cháu luôn buồn bực, cứ nằng nặc đòi được đi học. Tôi đành phải xin cho cháu vào đây học lại lớp 5 để giải toả tâm lý cho con”. Cùng tâm trạng như anh Thanh, nhiều phụ huynh của trẻ khuyết tật đang theo học lớp 5 tại trường rất lo lắng cho tương lai con mình. Nhiều gia đình rất muốn con tiếp tục được học lên cao hơn, nhưng không có điều kiện đưa cháu đi các thành phố lớn để học tiếp.

Trong 2 năm học vừa qua, đã có hơn 20 học sinh khiếm thính của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Ngãi hoàn thiện chương trình lớp 5. Theo nhận xét của ban giám hiệu nhà trường, hầu hết các học sinh ở đây rất chăm ngoan. “Mình thấy rất tội nghiệp cho bọn trẻ, cháu nào cũng khát khao được học lên bậc THCS, nhưng nhà trường chỉ được phép dạy tới lớp 5 mà thôi”, cô Nguyễn Thị Nhi, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 chia sẻ.

Đừng để các em chịu thiệt thòi

Gắn bó với học sinh khuyết tật từ khi mới thành lập trường, chứng kiến những bước đi dò dẫm trên hành trình tìm đến tri thức của các em học sinh kém may mắn, thầy Lê Trung Tiên trăn trở: “Hiện nay chỉ các cháu bị khuyết tật khiếm thính mới có khả năng học lên bậc THCS. Phụ huynh nào có điều kiện thì cho con mình đi học ở Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai năm qua, hơn 20 cháu học xong lớp 5 thì chỉ có 3 cháu được bố mẹ cho đi học ở các thành phố lớn. Còn lại các cháu ở nhà. Các cháu muốn vào các trường THCS ở địa phương cũng không được. Vì ở các trường này không có các giáo viên chuyên biệt dạy trẻ khiếm thính. Đó là điều thiệt thòi cho các cháu”.

Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Ngãi được thành lập năm 2006. Đến nay đã chăm sóc, giáo dục cho hơn 550 trẻ bị tật khiếm thính và khuyết tật về học.  Để tạo điều kiện học nghề cho các em sau khi ra trường và cũng để các em vơi đi nỗi nhớ trường, lớp, nhà trường đã mở các lớp học nghề như may, photoshop, làm hoa vải... Những nghề này phần nào giúp cho các em khuyết tật có điều kiện tự lao động, nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, nhiều em ra trường cũng vấp phải khó khăn trong tiếp cận việc làm. Đa số chỉ quanh quẩn ở nhà, phụ giúp bố mẹ công việc gia đình.

Để các em học sinh Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Ngãi vơi bớt thiệt thòi, việc đào tạo lên bậc THCS để các cháu tiếp tục được đi học là nguyện vọng chính đáng và là nhu cầu bức thiết mà các bậc phụ huynh, hàng chục học sinh khuyết tật khiếm thính đang ao ước. “Trước những mong muốn của các bậc phụ huynh, chúng tôi làm tờ trình gửi lên các cấp, ngành trong mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý. Nếu có một lớp để các cháu được học tiếp bậc THCS sẽ giúp các cháu có điều kiện  học tập, các bậc phụ huynh cũng đỡ lo lắng”, thầy Lê Trung Tiên chia sẻ.


Bài, ảnh: KN
 


.