Mùa ra lớp- Kỳ 2: Ăn, ở nơi điểm trường chính

09:09, 30/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn từ cái ăn, chốn ở, song học sinh miền núi Quảng Ngãi hôm nay vẫn kiên trì bám trường, bám lớp với hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng.

TIN LIÊN QUAN


Trong điều kiện nhà bán trú cho học sinh chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nên nhiều học sinh phải dựng những căn nhà tạm gần trường để trọ học.

Dựng nhà tạm để theo học

Nếu học sinh mầm non ở Sơn Tây học tạm nhà dân ở những điểm trường lẻ thì ngay trung tâm huyện Tây Trà, nhiều học sinh cấp 3 bám theo con chữ bằng cách dựng nhà tạm quanh trường để ở, học tập. Điều đó cho thấy, học sinh nghèo miền núi đã có nhiều nỗ lực trong điều kiện cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Đinh Văn Tiến, học sinh lớp 12A, Trường THPT Tây Trà, cho biết: Nhà trường cũng bố trí chỗ ở cho học sinh nhưng không đủ phòng nên em và 4 bạn cùng dựng cái nhà tạm ở bên ngoài để có chỗ ở. Trong những căn nhà tạm được dựng bằng tre, che bằng lá cây rừng có từ  5 - 7 học sinh cùng góp công, góp vốn.

 

Những căn nhà tạm được dựng lên quanh trường để trọ học của học sinh Trường THPT Tây Trà. Ảnh: X.THIÊN
Những căn nhà tạm được dựng lên quanh trường để trọ học của học sinh Trường THPT Tây Trà. Ảnh: X.THIÊN


Thầy Lê Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà, cho biết, dù đã được đầu tư nhưng nhà trường đến giờ vẫn không đủ phòng nội trú cho các em ở xa. So với các em học sinh đồng bằng thì các em quá khó khăn. Từ việc ăn học, sinh hoạt đều phải tự túc và tự lo.

Hằng ngày, những em học sinh ở vùng cao Tây Trà vẫn đều đặn đến trường dù cái nghèo vẫn còn đeo bám. Các em phấn đấu vươn lên trong học tập, quyết tâm theo thầy cô học lấy kiến thức nuôi dưỡng  những ước mơ của riêng mình. Những căn nhà tạm mọc lên quanh trường vừa là một tín hiệu đáng mừng vì tinh thần học tập, nhưng cũng khiến không ít người cảm thấy chạnh lòng với nỗi khổ của học sinh vùng cao.

No bụng là tốt lắm rồi

Cơn mưa chiều đầu thu đưa chúng tôi về với Trường THCS Sơn Long (Sơn Tây). Ở đây có điều lạ là 3 trường với 3 cấp học nhưng lại chung một sân trường. Hôm chúng tôi đến, thầy và trò nơi đây vui mừng vì vừa đưa vào sử dụng 5 phòng nội trú cho học sinh cấp 2. Những căn phòng còn mới tinh, thơm mùi vữa và 60 em học sinh đã được vào ở. Ghé vào một căn phòng trò chuyện với các em, chúng tôi nhận thấy tất cả đều phấn khởi vì có chỗ ở đàng hoàng. Em Đinh Văn Thuận, học sinh lớp 9 cho biết: Năm nay mùa đông chúng em không phải nghỉ học nữa vì có nhà mới để ở rồi. Sau một hồi huyên thuyên chuyện căn phòng nội trú, tôi hỏi về chuyện ăn, uống ở trường thì tất cả chỉ cười.

Cơn mưa nặng hạt vừa dứt cũng là lúc cuối ngày. Hàng chục học sinh lại quây quần bên bếp lửa chuẩn bị bữa cơm chiều. Khác với sự mới mẻ tinh tươm của dãy nhà nội trú là căn bếp tập thể trống tênh. Chỉ có nơi đặt những chiếc bếp nấu ăn là kín. Mỗi em một chiếc nồi nhỏ đặt trên bếp. Việc nấu cơm phải thay nhau chờ đợi vì bếp chật, người đông. Có một số em thì không phải chen chúc vào bếp vì “nhà có điều kiện” nên có nồi cơm điện. Chúng tôi cố gắng quan sát mọi thứ trong bếp, nhưng chẳng thấy gì ngoài những chiếc xoong trên bếp và một vài quả đu đủ chưa kịp già, một ít rau rừng hái vội.
 
Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Long kể, bữa ăn của các em chưa thể đủ chất dinh dưỡng, nhưng bù lại là no được cái bụng hơn trước rất nhiều. Mỗi tuần các em về nhà một lần để lấy gạo, mắm muối. Em nào gia đình khá thì có mắm, ít gói mì tôm, vài chục ngàn đồng. Thầy cô ở đây luôn động viên các em cố gắng đến trường để sau này không còn phải khổ cực nữa. "Những năm trước, nhiều em không có gạo ăn nên không thể tiếp tục đến trường. Còn nay, nhiều em học sinh có hoàn cảnh không khá hơn nhưng vẫn bám trụ ở trường và tiếp tục quyết tâm sẽ vào lớp 10 trường huyện", thầy Tuấn kể.

Những năm qua, hệ thống trường lớp, cũng như nhiều chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển giáo dục các huyện miền núi trong tỉnh. Song, vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên chuyện học của con em đồng bào vùng cao còn lắm gian truân. Đi tìm con chữ với học sinh nghèo miền núi quả là hành trình gian nan. Sự động viên, giúp đỡ kịp thời sẽ là động lực to lớn để giúp các em tiếp tục đến trường.


X. THIÊN
 


.