Hàng tỷ đồng tiền hỗ trợ cho học sinh chưa được chi trả, vì sao? (Kỳ 2)

05:09, 21/09/2013
.

 

Kỳ 2:  Các ngành chức năng liên quan nói gì?

Theo Quy định của Nghị định 49/CP, riêng đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập là học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ học tập 70.000 đồng/tháng/học sinh, tức 630.000 đồng trong một năm học (9 tháng). Đây là sự hỗ trợ đặc biệt cần thiết và có ý nghĩa đối với học sinh nghèo miền núi, giúp các em  cải thiện bữa ăn, có điều kiện để tiếp tục đến trường.

 

Nguồn không đủ cung

Theo Sở Tài chính, đối tượng được chi trả theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP trên địa bàn 14 huyện, thành phố rất lớn nên nhu cầu nguồn kinh phí cũng rất lớn. Tuy nhiên, kinh phí ngân sách Trung ương cấp chưa kịp thời và không đủ so với nhu cầu. Theo thống kê của Sở Tài chính, tổng số tiền mà Trung ương cấp cho tỉnh để thực hiện Nghị định 49/CP giai đoạn 2011 – 2013 là gần 203 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thực tế khoảng hơn 400 tỷ đồng. Chính vì vậy mà hàng ngàn con em miền núi chậm được hỗ trợ chi phí học tập.

 

Nhiều cháu đã vào lớp 1 nhưng cha mẹ các cháu vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ trong năm học bậc mầm non. (Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non 28.8 Trà Bồng).                               Ảnh: K.N
Nhiều cháu đã vào lớp 1 nhưng cha mẹ các cháu vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ trong năm học bậc mầm non. (Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non 28.8 Trà Bồng). Ảnh: K.N


Ông Lê Văn Huy- Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân chính đó là do khâu lập dự toán ban đầu tại cơ sở chưa chuẩn, số đối tượng được thực hiện chênh lệch khá lớn. Nguồn dự toán ban đầu gửi Bộ Tài chính theo đó cũng “vênh” so với số thực tế thụ hưởng. Bên cạnh đó, một số đối tượng thụ hưởng chưa nắm bắt thông tin kịp thời để khai báo, chậm nộp hồ sơ nên không thể thống kê làm cơ sở chi trả…Riêng năm 2013, huyện Minh Long, Nghĩa Hành giao dự toán vào giữa năm nên gây khó khăn cho việc tổng hợp nguồn chi trả cho các đối tượng thụ hưởng. Cũng theo ông Huy, việc tiếp nhận các văn bản quy định trách nhiệm, triển khai thực hiện Nghị định 49/CP ở chính quyền cơ sở còn chưa kịp thời.

“Lùng nhùng” trách nhiệm

Nghị định 49/CP có hiệu lực từ ngày 1.7.2010. Đây là một chính sách ưu đãi lớn của Nhà nước cho công tác giáo dục. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, các ngành liên quan chưa có sự thống nhất cũng như quy định rõ trách nhiệm. Ông Vũ Đức Tế- Phó GĐ Sở GD&ĐT cho rằng, theo quy định tại Mục b Khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, Phòng LĐ-TB&XH các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho cha mẹ học sinh và ủy quyền UBND cấp xã tổ chức chi trả. Tuy nhiên, việc chi trả cho các đối tượng chưa được kịp thời. Việc chậm trễ này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập của con em ở miền núi. “Trong năm học này, lãnh đạo Sở GD&ĐT sẽ làm việc với Sở LĐ-TBXH để thống nhất thực hiện việc chi trả cho các em bảo đảm kịp thời, đáp ứng được mục tiêu đề ra”, ông Tế nói.

Lãnh đạo một số phòng LĐ-TB&XH ở các huyện miền núi cho rằng, do địa bàn rộng, số lượng đối tượng đông, trong khi đội ngũ cán bộ tại các phòng LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục hạn chế về số lượng, nên chậm trễ và dễ sai sót là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, Thông tư 29 liên bộ hướng dẫn thực hiện Nghị định này lại liên quan đến rất nhiều văn bản, quyết định khác nhau, gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, xác định đối tượng của ngành chức năng và cả người dân. Ngoài ra, nhiều điểm trong thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể đã “làm khó” cho cán bộ thực hiện chính sách. Hơn nữa, kinh phí cho chính sách này liên quan đến cả 3 ngành nên rất khó triển khai nhanh. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng liên hệ nhiều lần với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH để tìm hiểu thêm nhưng vẫn chưa tiếp cận được.

Chủ động gỡ khó

Từ năm học này, Nghị định 74/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 49/CP (có hiệu lực từ 1.9.2013). Theo đó, đối tượng được hưởng hỗ trợ học tập là học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ chứ không theo quy định vùng như trước đó. Điều này khiến các ngành, địa phương liên quan lại thêm “rối” do đối tượng thụ hưởng có phần thay đổi. Tuy nhiên, với học sinh các huyện miền núi thì hầu hết là con em hộ nghèo nên việc thay đổi đối tượng được thụ hưởng không biến động nhiều.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc này, ông Lê Văn Huy cho rằng: Vừa qua Sở Tài chính đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT có đợt đánh giá, khảo sát số lượng, xác minh các đối tượng thụ hưởng để có con số chính xác hơn. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính tổng hợp đề xuất Bộ Tài chính sớm phân bổ nguồn kinh phí từ đầu năm để tỉnh bố trí kịp thời cho các địa phương sớm chi trả cho các đối tượng.

Chỉ còn 2 năm học nữa là sẽ kết thúc hiệu lực của Nghị định 49/CP và nay Nghị định 74/2013 của Chính phủ. Do đó, việc chi trả các khoản tiền còn nợ hàng tỷ đồng kia cho đối tượng được thụ hưởng không thể chậm trễ hơn nữa.


X.THIÊN – K.NGÂN
 


.