Phát triển đô thị: Cần nhiều nguồn lực đầu tư

10:03, 06/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, công tác phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, đô thị TP.Quảng Ngãi đã hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II; huyện Đức Phổ được công nhận là thị xã; các xã, phường, thị trấn cũng có sự đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, tính bền vững của các đô thị chưa cao.
[links()]
 
Phát triển chưa tương xứng
 
Năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 26,69%; tỷ lệ hộ cư dân đô thị sử dụng nước sạch là 89,2%; tỷ lệ cây xanh đô thị đạt 8,55m2/người; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom trên 75%... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đô thị của tỉnh vẫn còn những tồn tại, bất cập.
 
Khu vực phía đông TP.Quảng Ngãi cần nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển. Ảnh: Thanh Trung
Khu vực phía đông TP.Quảng Ngãi cần nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển. Ảnh: Thanh Trung
Tại TP.Quảng Ngãi, các dự án khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) được triển khai vẫn còn những bất cập, một số dự án đã để lại “hệ lụy” trong phát triển đô thị. Như việc kết nối hạ tầng giữa các KDC, KĐT chưa đồng bộ, hạ tầng cấp thoát nước chưa được quan tâm đầu tư hoàn thiện dẫn đến ngập cục bộ vào mùa mưa. Đối với mảng xanh đô thị chỉ mới đảm bảo tiêu chí "cứng". Nhiều dự án công viên, cảnh quan, cây xanh được các cấp trình cho chủ trương đầu tư hoặc đang thực hiện nhưng dang dở, một số dự án ngoài ngân sách thì nhà đầu tư... làm cho có. Nhiều xã trên địa bàn được TP.Quảng Ngãi đưa vào quy hoạch đầu tư “nâng hạng” lên phường, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có xã nào cán đích. Một số dự án, công trình được đầu tư mang tính bản lề cho phát triển vẫn ì ạch, thậm chí phải tạm dừng thực hiện để tính toán lại mục tiêu đầu tư, như dự án đường Lê Thánh Tôn nối dài, đường Chu Văn An nối dài, đường Trường Chinh...
 
Đối với TX.Đức Phổ, kết thúc năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa đạt 54,2%, chất lượng đô thị mới ở mức tương đối. Đến nay, diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân là 29,86m2/người; tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị 19,98%; vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu tại đô thị là 5,37%; hệ thống thoát nước đạt 45%; đường phố chính khu vực nội thị được chiếu sáng đạt 96,77%; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 4,02m2/người... Riêng tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý là 0%; toàn thị xã chưa có cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm.
 
Thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) là một trong những thị trấn được quy hoạch đầu tư phát triển trong thời gian tới.  Ảnh: TRƯỜNG LINH
Thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) là một trong những thị trấn được quy hoạch đầu tư phát triển trong thời gian tới. Ảnh: TRƯỜNG LINH
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng, quá trình thực hiện phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong quy định của các luật như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Vậy nên, UBND tỉnh cần sớm có ý kiến với cơ quan trung ương, bộ, ngành để hướng dẫn tỉnh trong quá trình thực hiện. Nhất là tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư... Có như vậy, năm 2022 mới có thể cán đích tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 29%.
 
Xây dựng Bình Sơn thành thị xã còn nhiều thách thức
 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển đô thị của tỉnh trong năm 2022, cũng như giai đoạn 2021- 2025 là tập trung đầu tư, xây dựng để đưa huyện Bình Sơn trở thành thị xã vào năm 2025, theo chủ trương Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Mặc dù đã có nhiều chuẩn bị, song thực tế phát triển đô thị và kinh tế xã hội của huyện Bình Sơn vẫn còn nhiều rào cản cần sớm khắc phục.
 
Theo Quyết định số 23 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, thì đến năm 2020 huyện Bình Sơn có 4 đô thị, trong đó 2 đô thị loại IV (Vạn Tường, Châu Ổ) và 2 đô thị loại V (Sa Kỳ và Dốc Sỏi). Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, các nhiệm vụ trên vẫn chưa đạt được.
 
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, so sánh với tiêu chuẩn của đô thị loại IV, hiện tại huyện Bình Sơn đạt 45/59 tiêu chuẩn, với tổng số điểm là gần 74,4 điểm. Trong số 59 chỉ tiêu đánh giá, có 25/59 chỉ tiêu đạt và vượt mức tối đa, 20/59 chỉ tiêu đạt trên mức tối thiểu nhưng chưa đạt điểm tối đa và 14/59 chỉ tiêu chưa đạt điểm tối thiểu cần tiếp tục đầu tư nâng cấp. Đa phần các chỉ tiêu này có ảnh hưởng lớn đến việc chấm điểm đánh giá đô thị. Đơn cử như, chỉ tiêu về mật độ dân số tối thiểu là 1.200 người/km2, nhưng hiện tại huyện Bình Sơn chỉ đạt 391 người/km2; đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị 2,71m2/người (tối thiểu 3m2/người); tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng 10,79%/12%; mật độ đường giao thông (đường có chiều rộng phần xe chạy ≥ 7,5m) đạt 5,62km/km2 (tối thiểu 6km/km2); tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng 57,52%/90%; tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng 17%/50%...
 
Xây dựng huyện Bình Sơn trở thành thị xã vào năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức cho địa phương và các cơ quan liên quan.  Trong ảnh: Một góc trung tâm thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).                   Ảnh: TH.TRUNG
Xây dựng huyện Bình Sơn trở thành thị xã vào năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức cho địa phương và các cơ quan liên quan. Trong ảnh: Một góc trung tâm thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Ảnh: TH.TRUNG
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết, để xây dựng Bình Sơn trở thành thị xã, huyện xác định sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho 17/22 xã trở thành phường, với tỷ lệ đô thị hóa tương ứng 84,6%. Huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành tham mưu đề xuất Ban Cán sự đảng UBND tỉnh kiến nghị Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề làm cơ sở giúp huyện tổ chức thực hiện việc phát triển đô thị theo đúng định hướng, lộ trình theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đề ra. Đồng thời sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung xây dựng huyện Bình Sơn trở thành đô thị loại IV vào danh mục Kế hoạch nâng loại đô thị quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. “Đối với nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh cần có cơ chế riêng trong việc phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cho huyện. Phân bổ tỷ lệ thụ hưởng đối với nguồn thu từ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho huyện để có nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đối với khu vực trong KKT Dung Quất”, ông Đồng kiến nghị.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng, để trở thành thị xã vào năm 2025, huyện Bình Sơn cần tiếp tục đầu tư nâng cấp 14 tiêu chuẩn chưa đạt so với tiêu chuẩn đô thị loại IV và rà soát các khu vực dự kiến hình thành đơn vị hành chính cấp phường đảm bảo chỉ tiêu quy định. Cùng với đó là sớm xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhóm nhiệm vụ, ưu tiên nhiệm vụ nào cần làm trước, nhiệm vụ nào làm sau, phân định rõ những nhiệm vụ nào do tỉnh thực hiện, nhiệm vụ của huyện, có danh mục dự án cụ thể, để tập trung huy động các nguồn lực, nâng cấp các tiêu chuẩn chưa đạt.
 
“Đây là cơ sở đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư cũng như đề xuất cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư. Đồng thời, sớm triển khai lập quy hoạch chung đô thị trên toàn huyện và Chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Huyện phải kiện toàn bộ máy quản lý đô thị, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý quy hoạch phát triển đô thị. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, nâng cao thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tạo động lực, chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng và phát triển đô thị”, ông Hồng góp ý.
 
Phấn đấu xây dựng mới 4 đô thị loại V
 
Toàn tỉnh hiện có 13 đô thị các loại. Ngoài TP.Quảng Ngãi đạt đô thị loại II và TX.Đức Phổ đô thị loại IV, thì 11 đô thị còn lại được công nhận là đô thị loại V. Theo kế hoạch, trong năm 2022 và các năm tới, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của các đô thị hiện hữu và “nâng hạng” Trung tâm huyện Sơn Tịnh, Sơn Tây, khu đô thị mới Thạch Trụ (Mộ Đức), xã Trà Phong (Trà Bồng) trở thành đô thị loại V. Đồng thời, nâng cấp xã Long Hiệp (Minh Long) trở thành thị trấn, nâng cấp các xã Tịnh Khê, Tịnh Ấn Đông, Nghĩa Phú, Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thành phường.
 
LÊ ĐỨC
 
 
 

.