Hiệp định RCEP: Cú huých cho xuất khẩu của Quảng Ngãi

10:03, 13/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 8 năm đàm phán, đi đến ký kết, kể từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Hiệp định này mang lại cho Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng nhiều thuận lợi trong xuất, nhập khẩu.
[links()]
 
Mở cửa thị trường  2,2 tỷ người
 
Hiệp định RCEP có 15 nước tham gia, gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiệp định tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với thị trường có quy mô 2,2 tỷ người.
 
Hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tại cảng Dung Quất.
Hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tại cảng Dung Quất.
Hiệp định có hiệu lực đã tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới. Hiệp định bao gồm các điều khoản cam kết về cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan và các cam kết “phi truyền thống” về sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Vì thế, việc thực thi RCEP cũng tạo khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực khá toàn diện về các chính sách, tạo sân chơi công bằng trong khu vực.
 
Theo nhận định của ngành công thương Quảng Ngãi, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ RCEP. Nguyên nhân là những nước tham gia vào hiệp định hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản. Trong khi đó, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng, nên việc giao thương thuận lợi.
 
"Hiệp định RCEP sẽ tiến tới loại bỏ 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia trong vòng 20 năm tới. Nó sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào, mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia", Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân cho biết.
 
Doanh nghiệp Quảng Ngãi tận dụng cơ hội
 
Trên thực tế, Hiệp định RCEP đã mang lại nhiều cơ hội cho Quảng Ngãi, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản. Theo Sở Công thương, trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,4%, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 366 triệu USD, tăng 39,6%. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng, mặc dù tình hình chung của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn.
 
Theo ông Rân, có sự tăng trưởng này một phần nhờ tác động từ Hiệp định RCEP. Chính sách thuế được cắt giảm, với nhiều thuế suất được hạ xuống bằng 0%, đã tạo nên làn sóng xuất khẩu của nông sản, hải sản Quảng Ngãi, đặc biệt là tinh bột mì. Hiện tại, mặt hành tinh bột mì đã được xếp vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu chính của Quảng Ngãi sau một số sản phẩm công nghiệp.
 
Không chỉ chinh phục thị trường nội địa, các sản phẩm sữa đậu nành VinaSoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã có mặt trong các siêu thị lớn ở Nhật Bản.
Không chỉ chinh phục thị trường nội địa, các sản phẩm sữa đậu nành VinaSoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã có mặt trong các siêu thị lớn ở Nhật Bản.
Theo phân tích từ doanh nghiệp (DN) sản xuất tinh bột mì xuất khẩu của Quảng Ngãi, thì toàn bộ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hiện tại đều thuộc về thị trường nằm trong khối RCEP, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, DN đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thêm một số nước trong số 15 nước thành viên của RCEP. Do đó, có thể thấy thị trường khối RCEP đầy tiềm năng và có sức hấp dẫn đối với DN trên địa bàn Quảng Ngãi.
 
Nắm bắt cơ hội từ Hiệp định RCEP cho hoạt động xuất khẩu, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã đề ra chiến lược tập trung phát triển vùng nguyên liệu nội địa để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. Giám đốc Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy), Công ty CP Đường Quảng Ngãi Ngô Văn Tụ cho biết, trong 3 năm tới, nhà máy sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu nội địa, từ đó tạo ra sản phẩm xứng tầm là nhà sản xuất sữa đậu nành số 1 tại Việt Nam và nằm trong tốp 5 nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Cùng với đó, nhà máy sẽ tập trung phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Nhật Bản. Nhà máy đã chinh phục thành công thị trường khó tính này, với sản phẩm có mặt tại hơn 1.000 siêu thị ở Nhật Bản.
 
Cạnh tranh khốc liệt
 
Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định RCEP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với DN Việt Nam nói chung, DN Quảng Ngãi nói riêng. Đó là nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm đến từ Việt Nam hiện còn khiêm tốn. Việc nhập khẩu hàng hóa tương đồng vào Việt Nam cũng là điều thách thức với hàng nội địa ngay trên thị trường trong nước.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
                                                                                                                                                         
 
 
 

.