Đối thoại với nông dân: Kênh tham vấn hữu hiệu

03:03, 11/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc tổ chức đối thoại với nhà nông không chỉ giải quyết kịp thời những bức xúc của nông dân, mà còn giúp chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những tồn tại trong quá trình thực thi chính sách ở cơ sở.
 
Nhiều kiến nghị của nông dân được giải quyết
 
Sau buổi đối thoại của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân với hội viên nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tổ chức vào cuối năm 2020, chương trình đối thoại với nhà nông được nhiều địa phương duy trì. Từ diễn đàn này, chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời những tâm tư của nhà nông. Qua đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
 
Ngành nông nghiệp kiểm tra, rà soát các diện tích mì chưa nhiễm bệnh để triển khai sản xuất hom giống, phục vụ nhu cầu trồng mì của nông dân.   Ảnh: Mỹ Hoa
Ngành nông nghiệp kiểm tra, rà soát các diện tích mì chưa nhiễm bệnh để triển khai sản xuất hom giống, phục vụ nhu cầu trồng mì của nông dân. Ảnh: Mỹ Hoa
Ông Nguyễn Hoàng Thu, ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) cho biết, sau khi chúng tôi kiến nghị tình trạng ruộng thiếu nước, nhiều diện tích phải bỏ hoang do kênh S18-2 bị hư hỏng, bồi lắng khu vực cuối kênh, thì chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã khắc phục; đồng thời, tổ chức đầu tư kiên cố hóa đoạn kênh đất còn lại, đảm bảo năng lực dẫn nước toàn tuyến.  
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Nhiệt, ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) bày tỏ những băn khoăn, lo lắng tình trạng dịch bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng, vật nuôi, trong đó có bệnh vi rút khảm lá mì. Từ kiến nghị này, Sở NN&PTNT tập trung triển khai các phương án phòng trừ dịch bệnh; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Giống Quảng Ngãi triển khai du nhập 16 giống mì để khảo nghiệm, tuyển chọn một số giống có khả năng kháng bệnh vi rút khảm lá. Sau hơn 8 tháng trồng thử nghiệm, đến cuối năm 2021, Trung tâm Giống Quảng Ngãi lựa chọn được 5 giống mì HN1, C97,  VN19-442, C36, C83 có triển vọng về năng suất, hàm lượng tinh bột và khả năng kháng bệnh vi rút khảm lá, để tiếp tục nghiên cứu, tiến đến sản xuất giống phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh.
 
Liên quan đến hiệu quả thực thi các chính sách và liên kết chuỗi sản xuất, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Tấn Hùng, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã kiến nghị các ngành chức năng cần thể hiện trách nhiệm trong việc tìm kiếm đầu ra, kết nối tiêu thụ nông sản, mở rộng phạm vi quảng bá và giới thiệu sản phẩm, nhằm kích cầu thương mại. Từ kiến nghị này, năm 2021, huyện Nghĩa Hành khai trương 3 điểm bán các sản phẩm OCOP, nông sản... trên địa bàn.
 
Kênh tham vấn quan trọng
 
Từ khi bộ sản phẩm lúa gạo do Công ty Nông lâm nghiệp TBT sản xuất, gồm: Gạo sạch Ấn Trà, gạo lứt Ấn Trà, bánh tráng gạo lứt Ấn Trà, trà gạo lứt Ấn Trà được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, thì nông dân trên địa bàn huyện thay đổi quan điểm, cũng như phương thức canh tác lúa. Tại các buổi đối thoại với Bí thư Huyện ủy Mộ Đức, người dân xã Đức Phú và thị trấn Mộ Đức kiến nghị, huyện cần ban hành chính sách hỗ trợ nông dân vừa sản xuất vừa tiêu thụ, kết hợp với dịch vụ du lịch. Từ kiến nghị này, huyện Mộ Đức hình thành Cửa hàng nông sản Thanh niên huyện Mộ Đức - nơi hội tụ các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của thanh niên, nông dân địa phương; đồng thời, kết nối với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT triển khai các mô hình sản xuất lúa gạo hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
“Những ý kiến, kiến nghị của nông dân không chỉ giúp Huyện ủy, UBND huyện kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, mà còn là kênh tham vấn của chính quyền các cấp. Qua đó nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững”, Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Minh Đạo nhìn nhận.
 
MỸ HOA
 
 
 

.