Gắn bó với nghề sửa tàu

04:03, 09/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quyết tâm giữ nghề truyền thống của cha ông, anh Nguyễn Văn Thống (1983), ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đã lựa chọn lập nghiệp tại quê hương, xây dựng xưởng sửa chữa tàu thuyền uy tín, hoạt động hiệu quả. 
[links()]
 
Để ổn định số lượng tàu cá và hướng đến phát triển nghề biển bền vững, từ năm 2019, Sở NN&PTNT hạn chế cấp phép đóng mới tàu cá trên địa bàn. Thực hiện chủ trương này, hầu hết các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh lao đao, vì số lượng tàu đóng mới sụt giảm. 
 
Anh Nguyễn Văn Thống (bên trái) chia sẻ niềm vui cùng chủ tàu đến sửa chữa tàu thuyền tại xưởng của mình.
Anh Nguyễn Văn Thống (bên trái) chia sẻ niềm vui cùng chủ tàu đến sửa chữa tàu thuyền tại xưởng của mình.
Thời điểm đó, người thanh niên 8X Nguyễn Văn Thống, ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa lại “lội ngược dòng”, quyết định mở xưởng sửa chữa tàu thuyền quy mô 2.000m2, ngay trên mảnh đất quê hương. Đây là nghề truyền thống tại địa phương, cũng là nghề anh Thống học được từ người cha của mình. “Dù biết nghề này không còn hưng thịnh như xưa, nhưng sau 13 năm học nghề từ cha mình, tôi vẫn quyết định mở xưởng để phát triển nghề. Với tôi, xưởng sửa chữa tàu thuyền cũng giống như một tiệm sửa xe máy, xe đạp. Mình phải làm việc trách nhiệm và uy tín, thì khách hàng mới quay trở lại. Tôi đã không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân trong tu bổ, sửa chữa các loại máy móc ngày càng hiện đại trên tàu”, anh Thống chia sẻ.
 
Là xưởng sửa chữa tàu thuyền “sinh sau đẻ muộn” tại địa phương, nhưng nhờ tinh thần không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong công việc, cơ sở của anh Thống trở thành địa chỉ thu hút đông đảo ngư dân trong và ngoài tỉnh tìm đến sửa chữa tàu thuyền. “Triền đà sửa tàu của anh Thống làm việc chuyên nghiệp, nằm ở vị trí thuận lợi cho tàu thuyền neo vào, nên khi cho tàu về cảng Tịnh Hòa, hoặc Tịnh Kỳ để bán hải sản, tôi vẫn thường ghé vào triền đà sửa tàu của anh Thống để sơn sửa hoặc tu bổ lại máy móc”, ngư dân Nguyễn Văn Sanh, quê tỉnh Bình Định chia sẻ.
 
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Thống tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô xưởng từ 2.000 lên 7.000m2. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng và máy móc được đầu tư đồng bộ. Không chỉ tập trung cho lĩnh vực sửa chữa tàu thuyền, anh Thống còn linh hoạt phát triển thêm xưởng gỗ nguyên liệu. Nhờ đó, anh Thống vừa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho xưởng sửa chữa tàu thuyền của chính mình, vừa trở thành địa chỉ cung ứng gỗ chủ lực cho các xưởng đóng tàu khác của địa phương và vùng lân cận.
 
Bình quân mỗi năm, cơ sở của anh Thống sửa chữa khoảng 150 - 180 lượt tàu.  Cùng với đó, xưởng gỗ nguyên liệu của anh cũng cung ứng cho thị trường từ 100 - 120m3 gỗ/năm. Ngoài ra, xưởng sửa chữa tàu thuyền của anh còn giải quyết việc làm cho 10 lao động, với mức lương bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng...
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.