Mong ước được an cư

10:02, 10/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bờ biển bị xói lở, xâm thực gây nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân. Vì vậy, cùng với mong ước năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân ở các vùng sạt lở ven biển mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng các công trình kiên cố để được an cư.
[links()]
 
Nơm nớp nỗi lo 
 
Những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, tiết trời nắng ấm, nhưng người dân sinh sống dọc bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vẫn nơm nớp nỗi lo. “Từ chiều tối trở về đêm, sóng biển đánh vào bờ ầm ầm, nhiều đêm không ngủ được vì nỗi lo sạt lở", ông Nguyễn Tuấn, một trong những hộ dân sống dọc bờ biển thôn Phổ Trường, cho biết. Dù đã được gia cố tạm bằng bao cát, đá hộc và các khối bê tông cũ, nhưng khu vực bờ biển thôn Phổ Trường liên tục bị sóng biển đánh mạnh. Mức độ sạt lở theo chiều ngang từ 10 - 20m, có nơi xâm thực sâu vào đất liền hơn 50m. 
 
Khu vực bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nên người dân mong công trình kè chống sạt lở sớm được triển khai xây dựng.                  Ảnh: T.L
Khu vực bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nên người dân mong công trình kè chống sạt lở sớm được triển khai xây dựng. Ảnh: T.L
Tại một số điểm sạt lở, những vật liệu dùng để gia cố dần bị kéo trôi ra biển, để lộ những lỗ hổng phía dưới, đường bê tông có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy, trong mùa xuân mới, mong mỏi lớn nhất của người dân thôn Phổ Trường chính là công trình kè chống sạt lở bờ biển sớm được khởi công xây dựng, đảm bảo an toàn về người và tài sản, để yên tâm sinh sống. 
 
Còn người dân ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng luôn trong tâm trạng thấp thỏm, âu lo mỗi khi dự báo thời tiết có mưa to, hoặc áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 9 năm 2021, bờ biển thôn Thanh Thủy xuất hiện nhiều vết sạt lở mới, xâm thực vào đất liền từ 2 - 3m. “Những hôm mưa to, biển động mạnh, sóng biển đánh cao hơn mái nhà, dẫn đến bờ biển bị sạt lở ngày càng nặng. Dù các lực lượng chức năng và người dân đã dồn bao cát, đá hộc để chắn sóng nhưng không ăn thua”, ông Huỳnh Nga, ở thôn Thanh Thủy, cho biết. Theo chính quyền xã Bình Hải, bão số 9 năm 2021 đã gây sóng lớn, làm sạt lở khoảng 1.000m bờ biển, xâm thực vào đất liền 1 - 3m ở hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 ngôi nhà và đe dọa đến 40 ngôi nhà trong khu vực.
 
Mong sớm xây dựng kè chống sạt lở 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu kiến nghị, chính quyền và người dân địa phương mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố 1.000m bờ biển vừa bị sạt lở, để bảo vệ làng chài ven biển, giúp người dân yên tâm sinh sống.
 
Hơn 1.000 hộ dân ở các thôn Châu Thuận Biển, Châu Thuận Tây, Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng gửi gắm ước vọng nhân dịp đầu năm mới, đó là các điểm sạt lở sớm được đầu tư xây dựng kiên cố. Những năm gần đây, bờ biển dài hơn 4km trải dọc qua 3 thôn xuất hiện nhiều điểm sạt lở, cộng với triều cường xâm thực vào đất liền 50m, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các hộ dân nơi đây. “Tình trạng xói lở khiến vùng biển Bình Châu nhiều nơi không còn bãi cát trải dài như xưa. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như hoạt động khai thác hải sản ven bờ của hàng nghìn ngư dân. Vì vậy, ước mong lớn nhất của người dân là kè chống sạt lở được xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Sinh Bảnh, ở thôn Châu Thuận Biển, bày tỏ. 
 
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên việc xói lở là điều khó tránh khỏi. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện tượng sạt lở bờ biển xảy ra ở hầu hết các khu vực ven biển, nhưng tình trạng xâm thực diễn ra mạnh và phức tạp nhất là ở các xã Bình Hải, Bình Châu (Bình Sơn); Nghĩa An, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); Đức Lợi (Mộ Đức)... Chính vì vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng khẩn cấp kè chắn sóng, kè chống sạt lở tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì về lâu dài, cần triển khai công tác Quy hoạch hệ thống đê biển tỉnh. Qua đó, vừa đảm bảo tính đồng nhất, vừa chủ động huy động và sử dụng nguồn lực nâng cấp các công trình đê, kè biển có nguy cơ bị đổ vỡ và những khu vực bị xói lở nghiêm trọng, gắn với xây dựng các công trình bảo vệ khu dân cư, cơ sở hạ tầng khu du lịch và sản xuất.
 
MỸ HOA
 
 
 

.