Biển gọi…

11:02, 09/02/2022
.

(Baoquangngai.vn)- Đã hơn 25 năm, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành Quyết định số 207/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung KCN Dung Quất, cảng biển nước sâu Dung Quất được hình thành, vươn mình lớn dậy và góp phần làm nên một cuộc đổi đời ngoạn mục cho vùng đất Quảng Ngãi anh hùng và nghèo khó nhất miền Trung thuở ấy…

Đánh thức Dung Quất…

Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Ngãi cảng biển nước sâu Dung Quất, cùng chiều dài bờ biển gần 130km. Mặc dù nằm ở vị trí “đắc địa” của đất nước, thậm chí xem là nơi “cứu cánh” của đất nước lúc lâm nguy. Song, trong quá khứ, với chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình phong kiến và sự hà khắc bóc lột của chủ nghĩa thực dân đã biến Quảng Ngãi nói riêng, miền Trung nói chung thành một vùng nghèo khổ và lạc hậu.

Hàng chục năm về trước, TS. Trương Đình Hiển, chuyên gia về vật lý hải dương học đã tìm ra cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp, làm tiền đề xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như hình thành KKT Dung Quất ngày nay. Hành trình đi tìm, đánh thức cảng biển nước sâu Dung Quất của vị tiến sĩ tài năng này cũng đầy thăng trầm, dâu bể. Bởi ngày ấy, cuộc tranh luận “con gà có trước hay quả trứng có trước” để phát triển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi đã diễn ra khá gay gắt và chưa ngã ngũ. Một quan điểm cho rằng, miền Trung là vùng đất nghèo khổ, nông nghiệp lạc hậu và không đáng kể, công nghiệp hầu như không có, mà hàng hóa không có thì làm sao có thể mở cảng để sử dụng mặt tiền và vị trí đắc địa của mình. Nhưng quan điểm thứ hai thì cho rằng, do vị trí mặt tiền và đắc địa của miền Trung nên phải hình thành hệ thống cảng biển trước và từ đó thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (giữa) kiểm tra hiện trường hướng tuyến đường Dung Quất- Sa Huỳnh, đoạn qua địa bàn huyện Mộ Đức. ẢNH: N.ĐỨC
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (giữa) kiểm tra hiện trường hướng tuyến đường Dung Quất- Sa Huỳnh, đoạn qua địa bàn huyện Mộ Đức. ẢNH: N.ĐỨC

Trong một lần về thăm lại Dung Quất, TS. Trương Đình Hiển chia sẻ rằng, trong bối cảnh đầy gian nan, ngổn ngang đổ nát sau chiến tranh, với định kiến trăm năm về một miền Trung đói nghèo, bão lụt, không có khả năng đổi đời để theo kịp hai đầu của đất nước, trong sự lúng túng của các nhà khoa học… Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt bằng tầm nhìn sâu rộng, bằng trí tuệ sáng suốt và tấm lòng cao cả, bằng khí phách dũng cảm và kiên định đã nhìn thấy ở Dung Quất chính là cơ hội để miền Trung cất cánh.

Thật vậy, hơn 25 năm qua, kể từ khi dự án cảng biển nước sâu và KCN Dung Quất (nay là KKT Dung Quất) ra đời đã cho thấy định hướng phát triển hệ thống cảng biển trước một bước, kéo theo là sự hình thành các KCN, các KKT và đô thị mới, cùng với các dự án đầu tư cực lớn đến hàng chục tỷ USD là một thực tiễn khách quan và đúng quy luật. Sự ra đời của cảng biển nước sâu và KCN Dung Quất đã đặt nền móng cho sự hình thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kéo dài từ Liên Chiểu (Đà Nẵng) đến Dung Quất (Quảng Ngãi), dẫn đến hình thành các KCN tổng hợp kéo dài từ Đà Nẵng đến Dung Quất theo hướng bố trí các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu có khả năng cạnh tranh, đồng thời hình thành trục hành lang kinh tế Đông Tây thông qua Quốc lộ 24 và 14.
 
Dựa vào lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, những năm qua, Quảng Ngãi tập trung đầu tư xây dựng KKT Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp ven biển của khu vực miền Trung; Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia; cửa ngõ để ra Biển Đông là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Nơi đây cũng tạo nên một sự thu hút đầu tư ngày càng to lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư công nghiệp nặng. Riêng đối với hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, những năm qua đã đóng vai trò đầu mối giao thương quan trọng để hàng hóa tại KKT Dung Quất và các vùng lân cận được vận chuyển đến và đi đến các miền trong cả nước và hòa vào mạng lưới vận tải toàn cầu.

Mở cửa miền biên hải Dung Quất - Sa Huỳnh

Dọc miền ven biển từ Cảng Dung Quất vào tận Sa Huỳnh, nơi mặt tiền phía biển của Quảng Ngãi đang từng ngày được đánh thức, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình. Ở khu đông huyện Bình Sơn, hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất được khơi thông đã thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Ngoài công nghiệp lọc hóa dầu, với sự hiện diện của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn có các ngành công nghiệp năng lượng, cơ khí, luyện cán thép, vật liệu xây dựng, đóng sửa chữa tàu thủy... Đây là các ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng, làm chỗ dựa vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Số dự án và tổng vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực này tại Dung Quất, Quảng Ngãi đã và đang diễn ra một cách rầm rộ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều đó cũng cho thấy một quy luật đang diễn ra tại KKT Dung Quất rằng, có cảng biển nước sâu, thì công nghiệp nặng phát triển rất nhanh và luôn đi trước một bước, sau đó mới kéo theo sự phát triển về công nghiệp nhẹ - thương mại và dịch vụ - du lịch.
Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất
Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất

Tôi đi dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, chứng kiến sự thay da đổi thịt đã và đang hiện hữu nơi tuyến đường chạy ngang qua. Lão ngư dân Nguyễn Đọt (78 tuổi), ở xã Bình Hải (Bình Sơn) chia sẻ, tuyến đường từ cảng Dung Quất đi ngang qua các xã khu đông của huyện Bình Sơn đã kết nối giao thông thuận tiện, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhất là giúp rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các xã ven biển của huyện Bình Sơn vào đến các xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và qua cầu Cổ Lũy đi vào các xã ven biển của huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức... “Nhờ con đường rộng rãi, khang trang mà việc đánh bắt hải sản, làm ăn buôn bán của người dân chúng tôi thuận tiện hơn trước rất nhiều. Những hộ dân có nhà ở sát tuyến đường chạy qua kinh tế gia đình cũng khấm khá lên rõ rệt”, ông Nguyễn Đọt nói.

Dự án tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh được phê duyệt dài trên 100km, chạy dọc theo bờ biển qua các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Đây là tuyến đường huyết mạch nằm trong quy hoạch đường ven biển Việt Nam, nối các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định nhằm gắn kết các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đến nay, mặc dù tuyến đường chỉ mới cơ bản hoàn thành đoạn từ Dung Quất - TP.Quảng Ngãi, qua cầu Cổ Lũy, nhưng bước đầu đã tạo dư địa lớn cho phát triển, góp phần làm đổi đời cuộc sống người dân ở các vùng quê ven biển.

Sau khi tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh hoàn thành, Quảng Ngãi sẽ có ba trục đường là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1 và đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Khi đó tuyến đường sẽ làm đẹp diện mạo của phía đông TP.Quảng Ngãi, cũng như các xã ven biển từ huyện Bình Sơn đến TX Đức Phổ, tạo điều kiện để các địa phương xây dựng hệ thống đô thị ven biển dọc theo tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam của tỉnh. Đặc biệt là TX.Đức Phổ, nơi có hơn 40km đường ven biển sẽ là địa phương “hưởng lợi” lớn nhất. Tuyến đường sẽ tạo quỹ đất ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, du lịch, liên kết TX.Đức Phổ với các điểm du lịch như Dung Quất, Khe Hai, Gành Yến, đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, kết nối với các khu, điểm du lịch của các tỉnh Bình Định, Quảng Nam… và góp phần rất lớn phục vụ cho công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh tuyến biên giới biển. Tuyến đường này cũng sẽ tạo động lực quan trọng để góp phần giúp Quảng Ngãi thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030.


MINH THẢO

.