Chế biến, tiêu thụ thủy sản: Bỏ ngỏ thị trường nội địa

09:04, 02/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đạt giá trị xuất khẩu trên 9 tỷ USD trong năm 2018, nhưng nhiều sản phẩm thủy sản lại “vắng” trên thị trường nội địa, do rào cản từ thủ tục và “vênh” với các quy định của quốc tế.

TIN LIÊN QUAN

Theo kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT, năm 2020, mức tiêu dùng thủy sản bình quân trong nước có khả năng đạt 33 -35kg/người/năm. Cùng với đó, mỗi năm Việt Nam đón hàng chục triệu khách du lịch quốc tế, nên thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa có tiềm năng rất lớn.

Quốc tế chấp nhận, nội địa từ chối

“Không chỉ hồ sơ, thủ tục hành chính rườm rà, mà doanh nghiệp (DN) còn bị các kênh bán lẻ nội địa “làm khó”, bởi yêu cầu mức chiết khấu cao. Đã thế, những tiêu chuẩn, quy định về chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh có trong sản phẩm thủy sản "vênh" giữa trong nước và quốc tế”, đại diện DN chế biến thủy sản K.N, tại KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết.

Theo đó, Việt Nam chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản phẩm thủy sản, chứ chưa ban hành Quy định giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MPRL) theo chuẩn quốc tế.

 Chế biến sản phẩm
Chế biến sản phẩm "cá chuồn một nắng" tại Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin.


Vì vậy, nhiều mặt hàng thủy sản có dư lượng hóa chất, kháng sinh dưới ngưỡng cho phép của MPRL (theo quy định của Liên minh Châu Âu, thì không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng), nhưng các siêu thị, kênh bán lẻ nội địa lại “từ chối” phân phối. Đơn cử như chất chloramphenicol, dù là một chất cấm trong thủy sản, nhưng hàm lượng dưới mức cho phép (0,3 ppb, đơn vị phần tỷ) và đạt yêu cầu để xuất khẩu sang các nước Châu Âu, nhưng lại bị thị trường nội địa từ chối!

Từ chối các mặt hàng thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng thị trường nội địa lại tiêu thụ mạnh các sản phẩm nhập khẩu. Lợi dụng tâm lý này, cộng với nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công rẻ, nên nhiều DN chế biến thủy sản nước ngoài tập trung xây dựng cơ sở, nhà máy chế biến.

Điều oái năm là, các sản phẩm này sau khi xuất khẩu, lại được các kênh bán lẻ nội địa nhập khẩu, để bán cho người tiêu dùng trong nước, với giá khá cao. Ngay như trên địa bàn tỉnh, hằng năm chỉ có chưa đến 10% tổng sản lượng thủy sản (khoảng 20 nghìn tấn) được chế biến, còn lại xuất bán thô, nên giá trị cạnh tranh thấp.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của DN, thì các ngành chức năng cần hỗ trợ DN trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng... để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. “Điều tiên quyết là cần sớm liên thông tiêu chuẩn trong nước với quốc tế, để vừa tạo cơ hội cho DN trong nước, vừa giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm “Made in Việt Nam” đạt chuẩn quốc tế, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm”, đại diện DN chế biến thủy sản K.N kiến nghị.

Tìm hướng đi riêng

Trong khi chờ đợi sự thay đổi, một số DN chế biến thủy sản trong tỉnh đã tự tìm hướng đi riêng cho mình. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin tiên phong chế biến sản phẩm “Cá chuồn một nắng”. Từ khi chế biến thành công sản phẩm này, phần lớn lượng cá chuồn tươi trong tỉnh được DN thu mua, bình quân mỗi ngày trên 15 tấn. Vì vậy, dù chính vụ thu hoạch, nhưng giá cá chuồn tươi vẫn ổn định ở mức cao, từ 35 – 40 nghìn đồng/kg.

“Không chỉ là sản phẩm thủy sản, mà chúng tôi định hướng phát triển cá chuồn một nắng gắn với sản phẩm du lịch, để tăng giá trị của cá chuồn, góp phần giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập. Hiện chúng tôi đang tập trung thực hiện các thủ tục liên quan và đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm, trước khi đưa vào các siêu thị, kênh phân phối nội địa trong và ngoài tỉnh”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin Dương Văn Rin cho biết.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.