Chật vật giữ nghề làm giá

09:03, 25/03/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Tháng 3, sông Trà cạn nước, máy xúc, máy hút cát, xe chở cát rầm rộ cày xới bãi sông. Bãi cát vàng thơ mộng chỉ còn lại sạn, đá lởm chởm, người làm giá đỗ truyền thống ở xóm Vạn, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) mót từng xẻng cát đổ vào thùng phuy ươm giá. 
Chắt chiu từng chút cát
 
Chờ trời nắng dịu, 15 giờ 30, vợ chồng bà Phạm Thị Thu Hiền và hàng trăm người dân ở xóm Vạn ra bãi sông bắt đầu cuộc mưu sinh. Nơi bãi sông này, có những mùa giá đỗ trong cả giấc mơ của bà Hiền.
 
Nhiều năm qua, bà Hiền cũng như người dân làm giá đỗ truyền thống ở xóm Vạn phải kiếm từng chút cát để giữ nghề ươm giá. Cát bãi sông khan hiếm, làng giá di canh đến chân cầu Trà Khúc 1. Khi cát ở đây khai thác rầm rộ, hết chỗ di canh, họ trở về làng chắt chiu, mót từng chút cát, vì cát ở bãi sông bị khai thác quá nhiều, qua mùa mưa chỉ còn lại đá và sỏi lởm chởm. 
 
Nghề làm giá vốn đã vất vả, giờ lại thêm nhọc nhằn vì thiếu cát. Họ phải mót từng xẻng cát, sàng sảy phân loại đá, sỏi để lấy cát sạch ươm giá.
 
 
Nghề làm giá đỗ là nghề truyền thống của người dân xóm Vạn.
 
“Ngày xưa bãi cát cao, rộng và mịn lắm, tha hồ gieo giá ngày này qua tháng nọ, ít khi sợ mưa dông bất ngờ. Bãi này giờ bị xúc nhiều quá thấp xuống khá nhiều, mưa sơ là ngập, sót lại toàn sỏi và đá, làm giá dễ bị hư lắm!” - bà Hiền tiếc nuối bãi cát xưa. 
 
Khi bà Hiền khởi động mô tơ tưới nước cho những ổ giá gieo chiều qua, ông Ngàn chồng bà Hiền bắt đầu công đoạn mót cát. Ông sàng sảy phân loại sỏi, đá, lấy xẻng xúc mót từng chút cát sạch đổ vào những cái thùng phuy cũ cắt đôi dựng thẳng hàng. 
 
Khan hiếm cát, người làm giá nghĩ ra cách cắt đôi thùng phuy cũ cho cát vào trong ấy để ươm giá. Những thùng phuy cũ, cái sàng cát tự chế dùng trong xây dựng dân dụng là giải pháp tối ưu cho người làm giá đỗ truyền thống vào lúc này.
 
“Bãi cạn kiệt rồi, bà con phải tận dụng từng chút cát. Cho cát vào thùng phuy gieo giá vừa tiết kiệm cát vừa phòng tránh mưa dông đột ngột tràn về làm úng giá” - bà Lê Thị Hiệu nói.
 
 
 
Hết cát sạch họ phải mót, sàng lọc phân loại sạn, sỏi, đá lấy cát sạch cho vào thùng phuy ươm giá.
 
Xưa kia, thường mỗi mình cánh phụ nữ trong nhà gieo giá kiêm chạy chợ. Một ngày mỗi người gieo từ 10 - 12kg đậu xanh, thành phẩm 60 - 70kg giá đỗ, kiếm được khoảng 200.000 đồng. Nay vẫn số lượng đậu xanh ấy, cần đến hai người mới xuể. Những người đàn ông trong làng được giao nhiệm vụ đào hố, sàng cát cho vào thùng phuy giúp phụ nữ gieo giá. 
 
Mua cát giữ nghề
 
Nhìn về phía những đống cát cao gần bờ, bà Hiền bảo: Ở đây cả làng mua cát, mót được chút nào mót, bữa nào không mót được thì mua cát của họ xúc ngoài bãi sát mép sông, 200.000 đồng/xe, làm được 2 ngày. Mà mua cát thì coi như gần hết tiền lời, nhưng cũng phải làm để giữ bạn hàng, giữ lấy cái nghề của cha ông.
 
Chiều xuống, tôi đi trên bãi cát xóm Vạn, đâu đâu cũng thấy người làm giá hì hục sàng, sảy cát. Xe chở cát vẫn ì ạch nối đuôi nhau bò qua con đường trên bãi rồi phóng vút vào đường làng. 
 
Tay nâng niu nhổ những sợi giá mọc nhô lên trên mặt đất, anh Nguyễn Văn Sơn giãi bày về việc bất đắc dĩ phải mua cát để giữ nghề: “Ở đây không làm giá thì biết làm gì? Chẳng lẽ ăn không ngồi rồi lấy tiền đâu cho con ăn học? Mỗi ngày kiếm được 200.000 đồng đã mất 100.000 đồng tiền cát. Không còn lời bao nhiêu nhưng cũng phải làm để kiếm sống, giữ lấy cái nghề”.
 
 
                    Giá đỗ được gieo trong các thùng phuy cũ.
 
 
Mua cát sạch về dự trữ ươm giá.
 
Nghề ươm giá đỗ dưới cát sông Trà vốn dĩ đã gắn bó máu thịt với hàng trăm hộ dân nơi đây. Họ tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên từ bãi cát, đào hố gieo đậu xanh dưới cát chờ 3 - 5 ngày sau giá lên mầm rồi thu hoạch.
 
Ngày nào người làm giá cũng phải dậy trước 2 giờ sáng, bất kể ngày mưa hay nắng. Ổ giá này được thu hoạch thì hôm sau ổ giá khác được gieo xuống.
 
Mỗi ngày họ cung cấp ra thị trường 6 - 7 tấn giá có màu trắng đục tươi ngon, giàu giá trị dinh dưỡng, vừa sạch nhờ hấp thụ khoáng chất tự nhiên vốn có trong cát. Xóm Vạn cũng là nơi cung cấp giá đỗ lớn nhất tỉnh từ xưa đến nay. 
 
Thế nhưng, nhiều năm qua, nạn khai thác cát ngày đêm cày xới, bãi sông trở nên tan nát, khiến người làm giá chật vật giữ nghề. Và cuộc mưu sinh của họ càng thêm nhọc nhằn. 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.