Giá đỗ xóm Vạn đò

01:03, 16/03/2012
.
 

(QNĐT)- Xóm Vạn hay còn gọi là Vạn đò ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) được nhiều người biết đến là quê hương của vị tướng lừng danh Nguyễn Chánh, nhưng ít ai biết rằng, đây cũng là một trong những nơi cung cấp giá đỗ lớn nhất cho Quảng Ngãi hiện nay. Những hạt đậu xanh được bà con gieo xuống những bãi cát mịn và trắng phau uốn lượn bên dòng sông Trà, cứ thế sau vài ngày chúng trở thành những sợi giá.
TIN LIÊN QUAN


Những ngày này, chúng tôi tìm về xóm Vạn đò, 3 giờ chiều, hàng trăm con người kẻ đào, người bới… rộn ràng cả bãi sông. Những tưởng nghề làm giá đỗ ở làng quê này đã chìm vào quên lãng khi nhiều năm liền, hàng trăm xe cát ngày đêm cày xới, bới móc, bãi sông trở nên tan nát, khiến người làm giá vật vã giữ nghề.
 
Sau hai năm không còn xe cát lấy nữa, mỗi năm vào mùa mưa bão, nước sông Trà tràn qua bãi cát đã giúp chúng trở lại hình hài nguyên thủy của mình. Nhờ vậy mà cái nghề vốn dĩ đã gắn bó máu thịt với nhiều hộ dân nơi đây có cơ hội được phục hồi.

 
aaa
Sau khi chuẩn bị đậu và chọn ổ cát xong, người ta sẽ dùng cuốc đào hố sâu khoảng nửa mét rồi gieo đậu xanh xuống và dùng cát lấp kín. Công việc này được lặp đi lặp lại cho tới khi ổ giá được lấp đầy.
 
Những người làm giá đỗ nơi đây không làm theo kiểu ủ trong chum, vại, thùng xốp mà nhiều nơi vẫn đang làm. “Chúng tôi chẳng biết thứ hóa chất là gì. Chỉ biết tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên từ những bãi cát, gieo đậu trực tiếp trên những ổ cát rồi chờ vài ngày giá lên mầm thu hoạch. Như thế sợi giá vừa giàu giá trị dinh dưỡng vừa sạch nhờ hấp thụ khoáng chất tự nhiên vốn có trong cát”- chị Phạm Thị Thu  Hiền (50 tuổi), một người làm giá bật mí.
 
Dù đã lấy chồng đi nơi khác nhưng gần 30 năm qua, chị Hiền vẫn trở về quê và gắn bó máu thịt với nghề. Ngày nào hai vợ chồng chị cũng phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng thu hoạch để có giá bán cho buổi chợ sáng ở chợ Quảng Ngãi. Chiều về chị lại tất bật chăm sóc những ổ giá khác. Cứ thế suốt ngày chị tất bật với cái nghề bỏ công kiếm lời này.
 
Tay thoăn thoắt gieo giá chị vừa kể cho tôi nghe quy trình để có những sợi giá thành phẩm. Hạt đậu xanh trước khi gieo phải được ngâm trong nước sạch từ 3-4 giờ đồng hồ, vớt bỏ những hạt nổi lên trên mặt nước hoặc những hạt đỗ màu thẫm.

Trước khi gieo giá, người ta phải chọn một chỗ cát sạch. Không được chọn những chỗ vừa gom giá vì chúng còn chứa chất bẩn, nếu chưa được nước sông gội rửa. Không cẩn thận giá sẽ không mọc hoặc mọc không đẹp. Nghe thì đơn giản nhưng không dễ chút nào. Đôi khi chỉ vì làm đậu hoặc chọn chỗ cát không kỹ mà bao nhiêu vốn liếng và công sức bao ngày chăm sóc trở thành công  cốc.
 
 
aa
Vào mùa nắng, người làm giá phải thường xuyên tưới nước, mới đủ độ ẩm cần thiết cho giá nảy mầm.


Sau khi chuẩn bị đậu và chọn ổ cát xong, người ta sẽ dùng cuốc đào hố cát sâu khoảng nửa mét rồi gieo đậu xanh xuống và dùng cát lấp kín những hạt đậu vừa gieo. Công việc này được lặp đi lặp lại cho tới khi ổ giá được lấp đầy.

Nghe ra thì đơn giản nhưng nghề này vất vả lắm. Mùa nắng thì phải tưới nước thường xuyên, mỗi ngày tưới nước cho ổ giá 3 lần (sáng, trưa, chiều tối). Mỗi ổ giá cần khoảng 20 lít nước mỗi ngày mới đủ độ ẩm cần thiết cho giá nảy mầm. Còn mùa mưa thì cả nhà thức trắng đêm canh nước lũ. Dù vất vã nhưng ở xóm Vạn đò có khoảng 100 hộ gắn bó máu thịt với cái “nghề vọc cát” này- chị Hiền bộc bạch.
 
aa
Những sợi giá nảy mầm chờ người thu hoạch sau những ngày được ủ trong lớp cát ẩm.
 

Để có được nguồn nước sạch tưới cho giá cũng như rửa giá, gia đình nào cũng kéo điện từ khu dân cư ra bãi và đóng giếng. Vào mùa nắng, để có giá lùn người ta phải chờ 3 ngày, còn giá cao thì 4 ngày; chờ thêm 1 ngày 1 đêm nữa nếu vào mùa mưa.

Để thu hoạch, việc đầu tiên phải làm là gạt lớp cát ra xung quanh cho đến khi hiện lên những mầm giá. Tiếp đến sẽ lấy giá ra, giũ bớt cát, vặt gốc rồi cho vào rổ. Thay vì mang giá vừa nhổ ra sông rửa trước khi mang ra chợ bán thì người trồng giá đào một cái hố lớn, sau đó lấy tấm bạt che mưa phủ lên hố rồi dùng mô tơ bơm nước vào để rửa. Làm như vậy, giá được rửa sạch hơn và đỡ tốn công sức.

Theo những người làm giá, mỗi ổ giá như vậy người ta gieo khoảng 2kg đậu. Thông thường mỗi ngày, mỗi hộ gieo 10 ổ giá để quay vòng. Với số lượng ấy, mỗi hộ thu được khoảng 70kg thành phẩm. Khi ổ giá này được thu hoạch, lập tức có ổ mới được gieo thay thế nên ngày nào xóm giá đỗ này cũng đều đặn cung cấp ra thị trường từ 6-7 tấn giá.

Với giá bán 8.000 đồng/kg giá ngắn và 6.000 đồng/kg giá dài, mỗi hộ thu được 200 nghìn đồng tiền lời, mức thu nhập khá cao ở vùng nông thôn hiện nay.
 
 
aaa
Thay vì mang giá vừa nhổ ra sông rửa trước khi mang ra chợ bán thì người trồng giá đào một cái hố lớn, sau đó lấy tấm bạt che mưa phủ lên hố rồi dùng mô tơ bơm nước vào để rửa.

Anh Nguyễn Văn Nam, một người làm giá tâm sự: “Trước đây, hầu hết bà con đều coi nghề này là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập nhưng những năm gần đây, khi mà các món hủ tiếu, mì, phở, bún… được ưu ái thì giá đỗ Vạn đò cũng bán chạy như tôm tươi. Vì thế thu nhập của người làm giá cũng đủng đỉnh hơn”.

“Với nhiều gia đình trong xóm, nghề này đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cũng nhờ nó mà tôi nuôi bốn đứa con khôn lớn nên người. Nếu bỏ nghề này tôi chẳng biết phải làm nghề gì. Dù vất vả nhưng nó đã gắn bó với mình mấy chục năm rồi”- giọng trầm ấm, nói rồi chị Hiền đưa tay giũ nhẹ, nâng niu những sợi giá, thành quả mà bốn ngày qua chị đã ra sức chăm sóc.


Ái Kiều
 

.