Khi người trẻ khởi nghiệp

02:11, 22/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những chàng trai trẻ đã nung nấu ý tưởng khởi nghiệp từ lúc còn là sinh viên ở giảng đường đại học. Ra trường, họ quyết tâm theo đuổi, thực hiện giấc mơ của chính mình bằng ý chí và những nỗ lực không ngừng nghỉ...

TIN LIÊN QUAN

Tình cờ tôi được gặp Trương Quang Ninh (25 tuổi), Phạm Huỳnh Sơn (24 tuổi) và Phan Tài  Phong (27 tuổi) đều là những bạn trẻ mới khởi nghiệp. Mỗi người một tính cách, suy nghĩ khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là nghị lực và sự quyết tâm rất cao trong việc thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.

Thất bại là bài học đi đến thành công

 Nghe người bạn giới thiệu, tôi tìm gặp Trương Quang Ninh và Phạm Huỳnh Sơn ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), hai chàng trai chỉ mới 24 - 25 tuổi, nhưng có ý tưởng khởi nghiệp rất táo bạo. Trong câu chuyện của mình, Ninh chia sẻ không ít lần đứng trước thất bại, nhưng anh và bạn không hề nản chí mà vượt qua một cách đầy “ngoạn mục”.

Các sản phẩm của nấm đông trùng hạ thảo đều được dùng để chữa bệnh.                                                                                   ẢNH: PV
Các sản phẩm của nấm đông trùng hạ thảo đều được dùng để chữa bệnh. ẢNH: PV


Năm 21 tuổi, Ninh là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh. Với ước mơ trở thành một kỹ sư sinh học và muốn sáng kiến mô hình “phục vụ xã hội”, anh quyết định chọn nấm đông trùng hạ thảo để bắt đầu cơ nghiệp của mình. Cơ duyên tiếp cận mô hình này cũng rất tình cờ, Ninh bảo: “Hồi đó vài môn học cũng có đề cập đến loại nấm này, rồi mình đọc một số bài báo viết về công dụng của nó dùng để chữa bệnh ung thư, nên mình quyết định thử nghiệm. Sang năm học thứ 3, mình thuê phòng và xây dựng hệ thống sản xuất tại TP.Hồ Chí Minh. Mới đầu chưa có kinh nghiệm, am tường kỹ thuật và thiếu thốn đủ thứ nên thất bại, nhưng mình không nản chí”.
 

 “Quê mình ở Lâm Đồng, học ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng lại quyết định về Quảng Ngãi để khởi nghiệp. Lúc đầu ba mẹ nghe trình bày, họ không đồng ý, nhưng thấy mình có quyết tâm nên dần dà cũng ủng hộ. Mỗi lần thành công mình đều thông tin về cho gia đình biết, tất cả đều mừng. Hiện tại mô hình vẫn chưa hoàn thiện lắm, nhưng sản phẩm ra thị trường đã được nhiều người ủng hộ. Sản xuất loại nấm làm dược liệu cho ngành y, bọn mình cảm thấy hạnh phúc. Sắp tới, mình với Ninh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình”, Phạm Huỳnh Sơn tâm sự.

Không dừng lại ở đó, sau khi bàn bạc và được gia đình đồng ý, Ninh quyết định chuyển toàn bộ mô hình của mình về quê và xây dựng mô hình mới với diện tích 140m2 bài bản hơn lúc trước. Người bạn đồng hành cùng Ninh là chàng trai người Lâm Đồng – Phạm Huỳnh Sơn. Sau khi nghe ý tưởng của Ninh, Sơn quyết định theo bạn về Quảng Ngãi để cùng lập nghiệp.

“Hồi chuyển hết mô hình này về quê, hai đứa vẫn còn là sinh viên năm cuối. Vì lịch học, lịch thực tập dày đặc và phải hoàn thành chương trình tốt nghiệp, nên rất vất vả. Bọn mình phải phân công nhau luân phiên vào TP.Hồ Chí Minh, ra Quảng Ngãi liên tục để hoàn thành mô hình này, nhưng rồi cũng thất bại”, Sơn bày tỏ.

Từ những lần thất bại đó, Ninh và Sơn đã tìm ra được nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục. Mẻ nấm tiếp theo thành công và khi bán ra thị trường được rất nhiều nơi đón nhận. “Nếu như hồi đó vì thất bại mà mình từ bỏ, thì giờ mình đã không có những sản phẩm cung cấp ra thị trường rồi!”, Ninh chia sẻ.

Thoát khỏi “vùng an toàn”

Chuyện khởi nghiệp của người trẻ "đặc biệt" hấp dẫn hơn là khi tôi gặp Phan Tài Phong (26 tuổi), phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Chàng trai này sau khi du học ở Singapore đã quyết tâm trở về quê khởi nghiệp. Phong xuất thân trong một gia đình khá giả, được ba mẹ tạo điều kiện học hành khá bài bản, nhưng Phong vẫn muốn thoát khỏi “vùng an toàn” để khẳng định mình.

Khoảng thời gian học tập và sinh hoạt ở Singapore, Phong rất thích đến những quán nước, cà phê có phong cách trẻ trung để tìm hiểu, học hỏi cách pha chế, tạo ra những sản phẩm khác lạ, độc đáo tại đất nước này.

Về nước, Phong quyết định mở quán trà sữa và tất cả những sản phẩm đều do chính tay anh làm ra để phục vụ khách hàng. Phong nói: “Hồi mới ra trường, cơ hội việc làm của mình khá nhiều, cộng với vốn tiếng Anh kha khá, vì đã từng đi du học nên mình không sợ thất nghiệp. Nhưng thật sự mình rất muốn làm chủ bản thân và kinh doanh mặt hàng nào đó, để mang thương hiệu riêng.

Về quê khởi nghiệp, những gì học hỏi được ở đất nước bạn, mình đã tận dụng hiệu quả. Cái quan trọng nhất là để có được thức uống mang thương hiệu riêng thì phải tạo ra sản phẩm do chính tay mình làm, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn cho khách hàng”, Phong chia sẻ.

Chàng thanh niên Phan Tài Phong chọn khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê mang thương hiệu của riêng mình.
Chàng thanh niên Phan Tài Phong chọn khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê mang thương hiệu của riêng mình.


Sau một thời gian bày bán, trà sữa Mozy của Phong được nhiều người đón nhận. Từ thành công đó, chàng trai này tiếp tục đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng để mở quán cà phê ở ngay trung tâm TP.Quảng Ngãi. Cái mà chàng thanh niên 9x  này làm được là anh đã tạo được uy tín với nhiều người, nên có một lượng khách ổn định.

Nhờ đó, khi chuyển từ một chiếc xe nhỏ chủ yếu phục vụ theo kiểu “ăn liền” sang tiệm được đầu tư hơn vẫn được nhiều người đến ủng hộ. “Lúc đầu mở quán, lượng khách chưa nhiều, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Nhưng dần dà lượng khách tăng lên đáng kể, với rất nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau. Mai mốt nếu có điều kiện, mình sẽ mở rộng mô hình và kinh doanh thêm nhiều mặt hàng khác”, Phong thổ lộ.

Thực hiện được giấc mơ của chính mình

Những người trẻ khởi nghiệp như Ninh, Sơn và Phong đã và đang thực hiện được giấc mơ của chính mình. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với gian nan, thử thách để đi đến thành công. Chia sẻ chuyện khởi nghiệp của mình, Phan Tài Phong cho biết, anh đã lên kế hoạch khởi nghiệp từ những năm tháng còn là sinh viên, nhưng mãi đến khi “đủ lông đủ cánh” mới thực hiện.

“Với mình, ước mơ sở hữu một sản phẩm, một quán cà phê của riêng đã được mình nung nấu từ rất lâu rồi. Cho nên sau khi tốt nghiệp đại học, mình không xin việc ở đâu cả mà quyết định về quê lập nghiệp. Ba mẹ cũng ủng hộ lắm, khi đã dành dụm được một ít vốn và được bạn bè, người thân ủng hộ, mình liền mở quán cà phê, thuê nhân viên để thực hiện ước mơ đã ấp ủ”, Phong tâm sự.

Còn với Trương Quang Ninh, Phạm Huỳnh Sơn, những trải nghiệm và những lần thất bại chính là bài học trên con đường thực hiện ước mơ của mình. Sản xuất loại nấm đông trùng hạ thảo không đơn giản như những loại nấm khác. Phải tốn nhiều thời gian, làm theo nhiều công đoạn và phải có khu sản xuất biệt lập theo quy trình công nghệ cao mới có được những mẻ nấm hoàn chỉnh. Do đó, với hai chàng trai này, đây chính là ước mơ, hoài bão lớn nhất mà họ đã theo đuổi.

“Khi mình làm ra một sản phẩm mà được nhiều người cần đến thì niềm vui cứ thế nhân lên. Giờ đây, mỗi mẻ nấm “ra lò” đều được đưa đi các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt... để tiêu thụ. Mình vui vì mô hình này đã thành công và giúp bọn mình trưởng thành hơn trong cách nghĩ, cách làm và trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.