Khởi nghiệp hướng về biển, đảo

07:11, 19/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" năm 2017, nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp hướng về biển, đảo được các tác giả mang ra giới thiệu với mong muốn góp phần phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

“Người Lý Sơn chủ yếu làm nghề biển, nên có nguồn nguyên liệu làm nước mắm sẵn có, giá lại rẻ. Nhưng, nước mắm Lý Sơn lại chưa phát triển. Trong khi các đảo, các địa phương ven biển khác trên toàn quốc, phần lớn đều có thương hiệu nước mắm đặc trưng cho địa phương mình. Vì vậy, tôi mới ấp ủ ý tưởng xây dựng thương hiệu nước mắm và mắm cái của Lý Sơn”, chị Lê Thị Thanh Thanh, tác giả Dự án khởi nghiệp “Vua mắm – Nâng tầm thương hiệu mắm Lý Sơn” cho biết.

 Liên kết, hướng dẫn nông dân Lý Sơn trồng tỏi theo hướng hữu cơ là một trong những ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao tại Cuộc thi
Liên kết, hướng dẫn nông dân Lý Sơn trồng tỏi theo hướng hữu cơ là một trong những ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao tại Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" năm 2017.


Chị Thanh kể, vào năm 2013, khi quản lý cơ sở hành tỏi Lý Sơn tại Hà Nội, chị bán kèm theo nước mắm Lý Sơn nhà làm. Và điều khiến chị bất ngờ là, dù người Hà Nội có rất nhiều sự lựa chọn về mắm, nhưng nước mắm Lý Sơn vẫn có vị trí rất đặc biệt trong lòng người tiêu dùng. Những người Hà Nội từng du lịch đến Lý Sơn, ăn thử mắm Lý Sơn đều tìm mua cho bằng được nước mắm Lý Sơn tại Hà Nội.

Hơn nữa, theo thống kê của chị Thanh, trong hơn 4.000 hộ dân đang sinh sống trên đảo Lý Sơn, chỉ có khoảng 1.000 hộ dân muối mắm để sử dụng, còn lại đa phần đều sử dụng thương hiệu nước mắm có sẵn trên thị trường. Vì vậy, là một người con của đất Lý Sơn, chị trăn trở, phải xây dựng cho được thương hiệu và quảng bá, phát triển thị trường ngay tại đảo Lý Sơn để người Lý Sơn dùng sản phẩm Lý Sơn.

Giúp nông dân làm nông nghiệp hữu cơ

“Lý Sơn có sản phẩm tỏi nổi tiếng thơm ngon và rất được thị trường ưa chuộng. Nhưng để bảo vệ, phát triển thương hiệu tỏi và nâng cao giá trị sản phẩm, thì phải tính đến chuyện phát triển tỏi theo hướng hữu cơ – hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn phân bón, thuốc trừ sâu...”, anh  Đặng Văn Trọng ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn), tác giả của Dự án khởi nghiệp “Trồng và phân phối tỏi hữu cơ Lý Sơn” cho biết.

Với mục tiêu đó, ý tưởng mà anh Trọng hướng đến kết nối với các nông dân để cùng trồng tỏi theo phương pháp hữu cơ, từ đó, tạo ra phong trào trên toàn đảo. Điều này không chỉ giúp tạo ra sản phẩm tỏi sạch, mà còn thay đổi tập quán sản xuất của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra không gian du lịch sạch thu hút du khách.  

Phát triển du lịch biển

“Vùng giáp ranh giữa hai xã Phổ Vinh, Phổ Quang là nơi có cảnh sắc đẹp, vừa có rừng, vừa  giáp biển, nhưng chưa khai thác được tiềm năng du lịch bấy lâu. Vì vậy, ý tưởng hình thành nên khu du lịch “độc và lạ” ngay trên chính mảnh đất quê hương mình được tôi manh nha và ấp ủ từ rất lâu rồi”, anh Chung Quang Ngọc, tác giả của ý tưởng “Đường đu dây cáp tự do Zipline vượt biển dài nhất thế giới” vừa đạt giải Nhì tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2017 cho biết.

Theo đó, “Zipline”là một loại hình giao thông mạo hiểm bắt nguồn từ những vùng núi cao hiểm trở. Khi đó người ta di chuyển người, hàng hóa qua lại những ngọn núi một cách nhanh chóng thông qua những sợi dây. Từ đó, trò đu dây thể thao mạo hiểm Zipline cũng dần hình thành trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tại vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu du lịch Hòa Phú Thành (Đà Nẵng), Khu du lịch Hồ Mây (Vũng Tàu), Khu du lịch Datala (Lâm Đồng)... đều đã lần lượt xây dựng đường đu dây mạo hiểm Zipline, nhưng thị trường du lịch mạo hiểm tỉnh Quảng Ngãi thì vẫn chưa được khai thác.

Vì vậy, anh Ngọc dự định sẽ đặt điểm xuất phát đường đu cáp Zipline trên đỉnh núi Cửa, còn cửa biển tại xã Phổ Quang sẽ là nơi đáp cuối cùng của đường đu cáp. Hiện dự án đang được anh Ngọc từng bước hoàn thành các thủ tục cần thiết để tiến hành triển khai trên thực tế.


Bài, ảnh: Ý THU  


 


.