Các dự án ứng phó biến đổi khí hậu: Gặp nhiều vướng mắc

05:07, 05/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các dự án (DA) ứng phó biến đổi khí hậu đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương trên địa bàn Quảng Ngãi dù phát huy hiệu quả bước đầu, nhưng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi có 3 DA ứng phó biến đổi khí hậu đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương đang triển khai thực hiện, với tổng mức gần 224 tỷ đồng, gồm: DA xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông TP.Quảng Ngãi; DA trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận (Bình Sơn); DA trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Dương, Bình Đông (Bình Sơn).

Vướng mặt bằng

Dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông TP.Quảng Ngãi là DA nhóm B được phê duyệt năm 2015, với tổng mức đầu tư gần 185 tỷ đồng. Dự kiến trong 3 năm xây dựng (2015- 2017), DA sẽ hoàn thành khoảng 3,5km đê, kè và trồng 8,5ha cây chắn sóng. Song, đến thời điểm này, tổng diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ đạt 6,64/12,5ha, tương ứng với 1,7/3,5km tổng chiều dài tuyến đê.

Dự án Trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận (Bình Sơn) gặp khó, khi 9ha đước trong vùng Dự án bị chết hàng loạt do sinh vật lạ.
Dự án Trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận (Bình Sơn) gặp khó, khi 9ha đước trong vùng Dự án bị chết hàng loạt do sinh vật lạ.


Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết, do các hộ gia đình không thống nhất về đơn giá đất bồi thường, hồ sơ nhiều thửa đất không rõ ràng. Có nhiều hộ dân đi làm ăn xa, nên khó khăn trong quá trình kiểm kê, bồi thường.

Tương tự, DA trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Dương, Bình Đông (Bình Sơn) cũng gặp vướng mắc về mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện DA. Cụ thể là, trong quá trình trồng mới rừng, một số hộ dân tranh chấp hoặc đào hồ nuôi cá, nuôi tôm không cho trồng rừng. Dù BQL Dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết vướng mắc, nhưng chỉ giải quyết được một phần. Trên địa bàn xã Bình Phước còn khoảng 5ha và Bình Trị khoảng 4ha vẫn đang tranh chấp.
 

Chặt bỏ 9ha đước của Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận
Thời gian gần đây, cây đước được trồng từ năm 2014, 2015 của Dự án có hiện tượng chết hàng loạt. Diện tích đước chết khoảng 9ha. Theo báo cáo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nguyên nhân làm cây đước chết là do loài động vật giáp sát chân đều đục vào thân và rễ cây dẫn đến cây chết. Hiện chưa có loại thuốc nào hữu hiệu để diệt loại sinh vật này nên phải chặt bỏ, để tránh lây lan sang rừng tự nhiên có trong vùng.

Nguy cơ chậm tiến độ

Ngoài những vướng mắc về mặt bằng, công tác đầu tư, xây dựng hệ thống đê bao, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông TP.Quảng Ngãi còn gặp khó khăn về vốn, về địa hình thi công... Điều này khiến DA có nguy cơ không thể hoàn thành trong năm 2017.

Trong năm 2015, kế hoạch nguồn vốn Trung ương giao cho DA này là 48 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 2,6% kế hoạch vốn; kế hoạch nguồn vốn địa phương là 16 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Do đó, giá trị giải ngân nguồn vốn địa phương là... 0 đồng.

Năm 2016, kế hoạch vốn Trung ương giao là 71 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn từ 2015 chuyển sang), nhưng cũng chỉ giải ngân được 82%. Còn trong năm 2017, đến thời điểm hiện tại, Trung ương vẫn chưa có kế hoạch giao vốn, chưa có văn bản thống nhất của các cấp có thẩm quyền cho chuyển nguồn vốn năm 2016, chưa giải ngân hết là 12,5 tỷ đồng sang năm 2017 thực hiện.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải kiến nghị: “Đối với nguồn vốn Trung ương bố trí năm 2016 chưa giải ngân hết, với giá trị 12,5 tỷ đồng, đề nghị UBND tỉnh, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sớm có văn bản thống nhất cho chuyển nguồn sang năm 2017, để tiếp tục thực hiện và sớm giao vốn năm 2017 là 57 tỷ đồng, để DA có thể triển khai”.

Đồng thời, cũng theo ông Hải, Nghị định 77/2015/NĐ - CP về kế hoạch đầu tư trung hạng và hằng năm có quy định thời gian thực hiện các DA nhóm B có mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng là không quá 5 năm. Do đó, Sở TN&MT đề xuất được gia hạn thời gian thực hiện DA xây dựng hệ thống đê bao, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông TP.Quảng Ngãi đến năm 2018.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.