Trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu

07:04, 13/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để chủ động ứng phó và hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng bất thường, bảo vệ môi trường ven biển, chống sạt lở và bảo vệ nguồn thủy sản trong khu vực sông, đầm, Quảng Ngãi đang  khôi phục và trồng mới một số diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển.

Khu vực sông Đầm, thuộc thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn) thời điểm này người dân địa phương đang cải tạo các khu hồ nuôi tôm. Bên ngoài các hồ tôm là những vạt cây đước cao chừng 1m mới được trồng chạy dọc ven hai bờ sông. Ông Phạm Trinh đang cải tạo hồ tôm cho biết, khu vực này trước đây cũng có rừng đước,  nhưng sau này bị phá dần để lấy đất làm hồ nuôi tôm. Những năm gần đây, vào mùa mưa thì hồ đập nuôi tôm của người dân ở đây thường bị sạt lở. Con cua, con cá trong sông ít dần. Giờ có dự án trồng rừng đước này, người dân chúng tôi thấy yên tâm và sẽ tham gia bảo vệ cho cây phát triển tốt.

 

Công nhân chăm sóc rừng đước mới trồng tại sông Đầm.
Công nhân chăm sóc rừng đước mới trồng tại sông Đầm.


Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, do Sở TN&MT làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2014 với kế hoạch trồng mới 114 ha. Tổng kinh phí của dự án trên 24 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Loại cây được trồng là đước và cóc trắng bản địa. Ông Trần Quy – Giám đốc Công ty TNHH Nhung Quy, một trong hai đơn vị tham gia dự án trồng rừng ngập mặn ở khu vực sông Đầm cho biết: Dự án được thực hiện từ tháng 10.2014, đến nay đơn vị đã trồng được 4,7ha đước. Trong năm 2015 này, đơn vị tiếp tục trồng mới thêm 8ha nữa. Ngoài ra, thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn ở đây còn có Ban quản lý rừng phòng hộ cảnh quan Dung Quất. Tổng diện tích đã thực hiện trồng mới ở Bình Thuận là 25ha.

Ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết, ngoài dự án trồng rừng ngập mặn ở xã Bình Thuận thì năm 2015 này, từ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở  TN&MT cũng đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới và phục hồi khoảng 40ha rừng ngập mặn ở xã Bình Phước và Bình Đông (Bình Sơn) với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Riêng xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) sẽ được triển khai hạng mục trồng rừng thuộc dự án xây dựng hệ thống đê bao ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thống kê của Sở TN&MT, hiện toàn tỉnh chỉ còn gần 200ha rừng ngập mặn ven biển, giảm gần 120ha so với năm 2002. Những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Ngãi, nhất là khu vực ven biển thường bị xâm thực của sóng biển, nguồn tài nguyên nước bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần. Do đó, việc phục hồi diện tích rừng ngập mặn ở khu vực ven biển là rất cần thiết và cấp bách. Rừng ngập mặn được phục hồi sẽ có vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển.

Bài, ảnh:  X.THIÊN
 


.