Gần kênh, ruộng vẫn "khát"

09:07, 25/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kênh khô, ruộng “khát” đã đành, đằng này kênh đầy nước, nhưng ruộng vẫn khô. Đó là nghịch lý ở một số tuyến kênh lớn trên địa bàn Quảng Ngãi hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Kênh “võng”, xuống cấp

Tuyến kênh S22B dài gần 11km, có nhiệm vụ dẫn nước Thạch Nham tưới tiêu cho 1.143ha đất lúa của các xã phía đông huyện Mộ Đức. Song thực tế, kênh S22B chỉ đảm bảo tưới cho gần 530ha. Chịu thiệt nhất là người dân xã Đức Phong, khi gần 350ha lúa nằm cạnh kênh S22B, nhưng luôn trong tình trạng “nắng khát, mưa úng”.

Cống trên tuyến kênh S22B xây dựng
Cống trên tuyến kênh S22B xây dựng "trên to dưới nhỏ" nên thay vì dẫn nước, nó lại cản nước và trở thành điểm tập kết của rác thải.


Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Giám đốc HTXNN Vân Hà cho rằng: “Năng lực tưới tiêu của kênh S22B giảm là do tuyến kênh này bị “võng” tại đoạn Bến Chùa, khiến nước ứ đọng, gây ra tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu”. Ngoài ra, một số cống trên tuyến kênh S22B xây dựng và bố trí bất hợp lý, nên thay vì dẫn nước, nó lại trở thành điểm... cản nước! Vì thế, nếu nước về tưới đủ cho hơn 350ha lúa ở các thôn Vân Hà, Thạch Thang, Lâm Hạ và Lâm Thượng của xã Đức Phong, thì diện tích lúa của các địa phương khác sẽ bị ngập úng.

Điều này khiến nông dân xã Đức Phong gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Thực trạng này, dù chính quyền và nông dân xã Đức Phong đã "đặt vấn đề" với đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ, đơn vị này vẫn chưa có hướng xử lý.        

Trong khi đó, dù có nhiệm vụ đảm bảo tưới tiêu cho hơn 100ha lúa của xã Tịnh Thọ, Tịnh Bình (Sơn Tịnh), nhưng lắm lúc kênh B62 khiến người dân hai địa phương trên bức xúc, vì kênh dẫn nước... không đúng lúc! Có những khi nông dân cần nước để làm đất, gieo sạ thì kênh khô trơ đáy và khi ruộng cần khô thì kênh lại đầy nước, khiến cây lúa dễ bị ngã đổ.

Mong nước về... đúng lúc

Không chỉ các địa phương trên, mà hàng loạt diện tích lúa của người dân xã Bình Tân, Bình Mỹ (Bình Sơn) cũng thường xuyên rơi vào cảnh khô hạn. Lý do, tuyến kênh B10.1.Bm1 đoạn K1+902 – K2+278 qua xã Bình Tân và kênh Thạch Nham B1-16 không đảm bảo nước tưới. Thực trạng này, theo lý giải của Công ty Khai thác công trình thủy lợi, là do đoạn kênh K1+902 – K2+278 qua xã Bình Tân chưa được kiên cố hóa do thiếu vốn. Kéo theo toàn tuyến kênh B10.1.Bm1 cũng dang dở việc kiên cố hóa.

Đối với tuyến kênh B1-16 tuy đã hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên bị bồi lắng, nhưng ngoài việc sửa chữa tạm thời một số hạng mục trọng yếu hay huy động nhân dân tham gia nạo vét, công ty cũng chỉ biết... đợi cấp trên bố trí vốn đầu tư!

Đối với tuyến kênh B62, Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh cho rằng “vẫn phát huy hiệu quả”. Tuy nhiên, vì không có kinh phí đầu tư nên chỉ một số đoạn xung yếu của tuyến kênh B62 mới được kiên cố hóa, nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu của tuyến kênh này. Riêng tình trạng nước lúc thiếu lúc thừa là do nông dân không tuân thủ lịch thời vụ!

Thực tế, để tiết kiệm nước, Công ty Khai thác công trình thủy lợi thực hiện việc tưới luân phiên và đã thông báo cụ thể thời gian đóng, mở nước về tận xã để nông dân chủ động trong sản xuất. Song, một số hộ dân vì không chú ý đến vấn đề này nên mới rơi vào cảnh thiếu nước khi gieo sạ, thừa nước khi lúa chín.

Do đó, để không xảy ra tình trạng “kênh đầy nước, ruộng vẫn khô”, Công ty đã đề nghị UBND huyện Sơn Tịnh chỉ đạo chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin và hợp tác thực hiện khi đơn vị triển khai tưới luân phiên.

Riêng tuyến kênh S22B có nhiều đoạn bị hư hỏng nặng, năng lực tưới tiêu của toàn tuyến sụt giảm. Song, vì vốn đầu tư quá lớn, nên UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cho chủ trương nâng cấp, kiên cố hóa toàn tuyến kênh S22B thuộc Dự án nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham.

Trong khi chờ đợi sự chấp thuận đầu tư của Bộ NN&PTNT, người dân các xã khu đông huyện Mộ Đức mong mỏi UBND tỉnh và Công ty Khai thác công trình thủy lợi có biện pháp khắc phục tạm thời hoặc hỗ trợ họ trong việc dẫn nước tưới tiêu, để việc sản xuất bớt khó khăn.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.