Những nguồn lợi từ rừng

06:05, 16/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi núi đồi bây giờ xanh kiểu “da beo” vì nạn trồng và khai thác keo ồ ạt gây nhiều hệ lụy trong mùa nắng lẫn mùa mưa, thì những cánh rừng tự nhiên xanh thẳm nối dài bên Tỉnh lộ 624 thuộc xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) trở thành quý hiếm. Khu rừng này đã mang đến nhiều nguồn lợi cho bà con nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Khu rừng thuộc núi Lớn thôn Khánh Giang, Trường Lệ rộng trên 1.400ha.  Nguyên thủy đây là rừng nguyên sinh, với đa loài động, thực vật quý hiếm. Năm 2006, trước nạn phá rừng trồng cây nguyên liệu diễn ra khắp nơi, xã Hành Tín Đông nhận sự tài trợ của Cộng hòa Liên bang Đức khoanh nuôi, bảo vệ khu rừng tự nhiên này. Hiện rừng còn nguyên giá trị là nhờ sự bảo vệ của dân làng. Vì thế, hàng năm, rừng đã đem lại cuộc sống no đủ cho người dân nhờ cung cấp các lâm sản phụ, tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và che chắn khi bão lũ xảy ra.

Như rừng nguyên sinh  

 Ông Dương Ngọc Linh-thành viên trong đội giữ rừng cộng đồng thôn Trường Lệ, cho biết: “Thời điểm này là mùa thu hoạch lâm sản phụ như mật ong, dầu rái, lá nón... ở rừng. Mùa xuống giống vụ hè thu nên làng chẳng có ai...”. Đang trao đổi, ông Linh nhận điện thoại báo “rừng động”, lập tức ông bỏ lửng câu chuyện, gọi thêm hai thành viên khác băng đồng, ngược đường mòn lên rừng. Chúng tôi vội theo, đi chừng khoảng 500m là đến chân núi Lớn. Rừng cây hiện ra trên núi đá lởm chởm. Những cây chò, sến, lim và dầu rái to cả người ôm cách bìa rừng không xa... Ông Linh giải thích: “Các loại cây này vẫn còn nguyên vẹn ở các khu rừng vùng giáp ranh. Từ đây đến đó còn khá xa. Các cháu không đến nơi nổi đâu”. Nói rồi, với đôi chân nhanh như sóc, ông cùng các thành viên giữ rừng vội vàng đi vào  rừng.

Rừng mang lại nhiều lâm sản phụ cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Trong ảnh: Mùa thu hoạch dầu rái.
Rừng mang lại nhiều lâm sản phụ cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Trong ảnh: Mùa thu hoạch dầu rái.


Ở lại, chúng tôi có dịp “khảo sát” các loại cây ông Linh vừa giới thiệu. Nhiều cây to, tán rộng. Phía dưới những tán cây lớn có nhiều tầng cây khác, dây leo chằng chịt. Chúng tôi nghe từ xa vọng lại tiếng gà rừng, tiếng chim cu gáy và cả tiếng mang tác... Một âm thanh quen thuộc từ rừng tự nhiên mà lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp nghe lại. Giá mà có nhiều khu rừng xanh như thế thì đồi núi, làng quê sẽ thanh bình biết bao!

Khoảng hơn một giờ sau đoàn người quay lại. Ông Cao Thanh Hà, cho biết: “Rừng vẫn còn nguyên vẹn!”. Ông Linh tiếp lời: “Đội có 12 người, chia làm 3 nhóm. Bất kể mưa hay nắng, cứ một tháng, mỗi nhóm đi bảo vệ rừng từ 3-4 lần, chưa kể lúc “rừng động”. Các thành viên tham gia giữ rừng đến nay gần 10 năm nên đã quen thuộc từng vị trí của cây. Vì vậy, mất một cây là anh em đều biết...”.

Khu rừng tự nhiên này nằm giáp giữa các huyện Ba Tơ, Mộ Đức là điều kiện thuận lợi cho lâm tặc phá rừng. “Biết đi là vất vả, nguy hiểm, nhưng giữ rừng là giữ cuộc sống cho bà con nên anh em thường động viên nhau lên đường. Có khi đuổi được lâm tặc ra khỏi rừng thì trời cũng nhá nhem tối, quần áo ướt sũng... nhưng không ai bỏ cuộc. Vì vậy, mà rừng cứ mãi thêm xanh!”, ông Linh nói.

Rừng che dân làng

Theo nhiều người dân nơi đây, cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 bà con lên rừng khai thác mật ong về bán. Bình quân một lít bán được từ 400-500 nghìn đồng. Mật nơi đây được giá, bởi nó có mùi thơm của đa loại hoa từ cánh rừng tự nhiên này, chứ không giống mật từ những cánh rừng keo.

Ở khu rừng tự nhiên Khánh Giang, Trường Lệ cây dầu rái còn cho bà con  thu nhập khá. Hiện mỗi lít dầu rái có giá từ 23-25 nghìn đồng. Mỗi tháng bà con thu hoạch từ 4-5 lần, mỗi lần khoảng 40 lít. Ông Linh nhẫm tính, một tháng ông kiếm được khoảng 3-3,6 triệu đồng từ tiền bán dầu rái. Sở dĩ dầu rái có giá là do những năm gần đây ngư dân đóng thuyền, thúng nan nhiều nên thu mua dầu rái với số lượng lớn. Tuy giá dầu rái tăng cao, nhưng bà con trong làng không ai xâm phạm của ai. Bà con đều ý thức giữ gìn để thu hoạch.

Hơn 430 hộ người Kinh và Hrê sinh sống ven triền núi Khánh Giang, Trường Lệ còn được hưởng nguồn thu từ mây, lá nón... Bà Phạm Thị Lem người Hrê ở tổ 2, thôn Trường Lệ bảo rằng: “Đồng bào quen tập quán đốt rẫy làm nương. Nhưng nguồn thu từ nương rẫy không bằng lâm sản phụ từ rừng xanh mang lại. Bà con trong làng ai cũng động viên không được phá rừng, không chặt cây, đốt lấy mật ong bừa bãi gây cháy rừng mà ảnh hưởng cuộc sống chính mình. Nhiều năm rồi, rừng cho nguồn nước để cấy sạ, sinh hoạt khỏe lắm!”.

Mùa nắng rừng tự nhiên ở Khánh Giang, Trường Lệ cho màu xanh mát mắt, cho nguồn nước đủ đầy để cấy sạ hai mùa lúa xanh tốt. Mùa mưa bão về rừng như tấm lá chắn, giữ bình yên cho dân làng. Trận lũ lụt cuối năm 2013 và tháng 3 vừa qua, đồi núi khắp nơi bị xói mòn, sạt lở uy hiếp đến nhà dân, đến ruộng đồng, thì những cánh đồng ở khu vực này vẫn bình yên. Ông Cao Thanh Hà, bộc bạch: “Cũng nhờ rừng cả! Nước chảy từ trên cao đổ xuống, nhưng qua nhiều tầng lớp cây chắn nên sức nước về đến đồng, đến làng đã giảm dần. Vì vậy mà dân làng mới bình yên, nhà cửa nằm sát bên rừng vẫn còn nguyên vẹn”.

Chính từ lợi ích rừng tự nhiên mang lại mà ông Đào Thanh Công-Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông từng đề nghị lên ngành chức năng, tỉnh tiếp tục cấp kinh phí để xã mở rộng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo mô hình cộng đồng. Hiện toàn xã có gần 3.460ha rừng. Trong đó, rừng khoanh nuôi, bảo vệ theo mô hình cộng đồng khoảng 1.400ha. Số còn lại là rừng các dự án lâm nghiệp và rừng trồng cây nguyên liệu keo. Cây keo tuy có lợi trước mắt, nhưng hủy hoại môi sinh lâu dài. Xã xin kinh phí để trồng vào bảo vệ cây lâu năm trên diện tích trồng keo. Có vậy thì màu xanh ở Khánh Giang, Trường Lệ sẽ được giữ mãi và ngày càng lan rộng.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.