Rừng che bộ đội, rừng giúp dân thoát nghèo

02:05, 03/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu như trong chiến tranh, những cánh rừng già bạt ngàn ở Ba Tơ trở thành tấm lá chắn giúp quân ta ẩn nấu, che mắt quân thù, thì ở thời bình, rừng lại trở thành “hũ gạo tiết kiệm” của người dân. Dưới tán “rừng che bộ đội” năm nào, giờ đây cây sa nhân tím, cây mây nước… sinh sôi mạnh mẽ, trở thành sinh kế bền vững giúp người dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Rừng cây núi đá, ta cùng đánh Tây

Những ai từng chiến đấu ở khu Đông Ba Tơ ngày ấy, vẫn còn nhớ mãi hình ảnh rừng già ba, bốn tầng, dưới từng gốc cây là cả một rừng cây sa nhân và cây lá nón. Tán rừng già phủ kín, che chắn cho quân ta nên máy bay địch rất khó phát hiện, dù ngày nào cũng quần thảo trên bầu trời. Ông Tô Uyên Minh, người từng có những năm tháng đào tạo giáo viên trung học cho toàn Khu 5 tại Trường Sư phạm Trung cấp miền Trung Trung Bộ vào năm 1964-1967 hồi tưởng: “Trường được dựng nên ngay giữa núi rừng của xã Ba Lương. Điểm trường gần suối, có thác lớn, lại được tán lá rừng phủ kín. Máy bay địch rất khó phát hiện. Dưới suối, lươn chình nhiều vô kể nên anh em thường đi bắt để cải thiện bữa ăn”.

Mây nước dưới tán rừng đã mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Hrê ở Ba Tơ.
Mây nước dưới tán rừng đã mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Hrê ở Ba Tơ.


Trong chiến tranh, những cánh rừng tầng tầng lớp lớp cùng dây rừng chằng chịt đã giúp quân ta bao lần thoát khỏi hiểm nguy. Địa thế hiểm trở của rừng già đã làm nên những địa danh khiến quân thù phải kinh hoàng, bạt vía, không dám bén mảng. “Trong cánh rừng của Ba Điền có một địa danh là Dốc Cọp. Quân ta quen sống trong rừng nên không sợ, chứ địch nghe đến là bủn rủn chân tay. Bởi tại vị trí trên, thường có nhiều người bị cọp vồ ăn thịt. Rồi địa danh đường Bùi Hui, giáp với An Lão (Bình Định) cũng nổi tiếng là nơi rừng thiêng, nước độc và nhiều thú dữ”, ông Trần Ngọc Danh, thôn Hóc Kè, xã Ba Động (Ba Tơ), người cựu chiến binh từng chiến đấu nơi chiến trường Ba Tơ từ năm 1964 kể.

Đồng hành cùng quân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hàng nghìn hecta rừng già ở Ba Tơ không biết bao phen phải hứng chịu những đợt rải chất độc hóa học để phát quang của kẻ thù. “Chỉ kịp thấy lớp chất màu trắng phủ xuống cánh rừng là vài giờ sau, lá cây bắt đầu rụng nhanh chóng. Nên chúng tôi phải di tản ngay để quân thù khỏi phát hiện. Vài ngày sau có dịp quay lại, thì cả cánh rừng tan hoang, trơ trọi. Đến củ mì mọc dưới đất mà còn thối hết, không còn lại gì”, ông Danh trầm ngâm.

Ấm no trên những cánh rừng

Hoàn thành sứ mệnh che chở bộ đội trong thời chiến, đến thời bình, rừng lại đảm đương “nhiệm vụ” giúp người dân thoát nghèo, nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả được thực hiện dưới tán rừng. Cây mây nước, sa nhân tím thích nghi rất tốt dưới tán rừng… đang là hướng đi mới hiệu quả, mang lại sinh kế bền vững cho người dân.

Cây mây không đòi hỏi công chăm sóc, sau bốn năm là đã cho thu hoạch với giá ổn định từ 4.000- 6.000 đồng/kg. Khi thu hoạch xong thì mây lại tiếp tục đẻ nhánh và cho thu hoạch đều đặn hàng năm. Anh Phạm Văn Hóa, xã Ba Vinh (Ba Tơ) phấn khởi chia sẻ: “Mùa nắng thì có nhiều việc để làm nên có thu nhập đều đặn. Còn vào mùa mưa thì cây mây trở thành nguồn thu nhập chính của người dân chúng tôi”. Bình quân mỗi sợi mây dài từ 9-10m và nặng khoảng 5-7kg, lại cho thu hoạch quanh năm, nên chỉ cần mỗi hộ trồng khoảng 1ha mây là đã thu về được khoảng 40 triệu đồng mỗi năm. Và cũng chính đặc trưng không thu hoạch hết một lần, nên mây nước được xem như “hũ gạo tiết kiệm” của người Hrê ở Ba Tơ.  Đến nay, tổng diện tích mây nước trên địa bàn huyện đã lên đến 800ha, tập trung ở các xã Ba Vinh, Ba Điền, Ba Khâm…

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, việc trồng mây nước dưới tán rừng còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng. Song hành hai lợi ích nên mô hình trồng mây dưới tán rừng đang được Nhà nước chủ trương đầu tư nhân rộng. Mới đây, Sở KH&CN đã thực hiện dự án “Trồng và phát triển cây mây nước, cây sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ cho đồng bào dân tộc Hrê tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ” với tổng diện tích lên đến 100ha.

 

Ý THU
 


.