Cho rừng thêm xanh

02:05, 02/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 cho đến cuối thời kỳ bao cấp, phần lớn diện tích rừng của tỉnh bị khai thác cạn kiệt, nhiều vùng là đất trống, đồi núi trọc. Vậy mà đến nay, đi đâu cũng thấy cảnh quan của rừng Quảng Ngãi hiện lên rất đẹp với bạt ngàn màu xanh phủ kín các núi đồi và chạy dọc dài ven biển.

Nhà nước và nhân dân cùng trồng rừng

Cho đến ngày tái lập tỉnh (năm 1989), Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên gần 585 nghìn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 400 nghìn ha, chiếm 68% diện tích. Thế nhưng diện tích có rừng chỉ vào khoảng 120 nghìn ha, còn lại là đất trống, đồi trọc. Tuy diện tích đất trống còn nhiều, nhưng không dễ đưa vào sản xuất lâm nghiệp vì phần lớn tập trung ở miền núi và ven biển, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, rửa trôi mạnh, thành phần dinh dưỡng trong đất kém, khó thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư vào trồng rừng vì khó quản lý, kém hấp dẫn về hiệu quả kinh tế. Do vậy, độ che phủ của rừng vào thời điểm này chỉ đạt 19%. Không những vậy, trong khoảng thời gian này (trước năm 2000) các lâm trường còn được khai thác rừng tự nhiên với sản lượng từ 5.000-6.000m3 mỗi năm đã làm cho diện tích rừng tự nhiên của tỉnh ngày càng cạn kiệt.

Rừng thông Ba Tơ được trồng sau ngày giải phóng.
Rừng thông Ba Tơ được trồng sau ngày giải phóng.


Để khai thác đất rừng, những chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án trồng và bảo vệ rừng đã được triển khai. Nắm bắt cơ hội này, ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi đã nhanh chóng thực hiện các chương trình lớn về phát triển rừng, như Dự án PAM 4304 trồng rừng ven biển (do Nhật Bản tài trợ) và Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Quyết định 327 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn vì người dân chưa xem trọng việc trồng rừng, vì thế ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi phải huy động cả đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ngành tham gia trồng rừng để làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Nhờ đó, từ năm 1992-1997 Dự án PAM 4304 đã trồng được trên 12 nghìn ha rừng, phủ kín phần lớn những bãi cát chạy dọc ven biển của tỉnh. Trên những vùng đất trống, đồi trọc từ đồng bằng lên đến miền núi các loại bạch đàn, keo lá tràm... mọc lên xanh tốt với diện tích hơn 12,5 nghìn ha rừng trồng do Chương trình 327 thực hiện. Qua đó, độ che phủ rừng của tỉnh tới năm 1998 được tăng lên 24,6%.

 Tiếp theo đó, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) đã giúp cho sự nghiệp trồng cây gây rừng của tỉnh chuyển sang bước đột phá mới. Để thực hiện Dự án này, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Ban quản lý Dự án từ cấp tỉnh đến cấp xã. Dự án trồng rừng trên hầu hết các huyện, trừ thành phố Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn. Và sau 12 năm thực hiện (1998-2010), Dự án đã trồng mới được trên 23 nghìn ha rừng phòng hộ và 55 nghìn ha rừng sản xuất. Nhiều cây bản địa như dầu rái, sao đen, lim xanh, lim xẹc, chò chỉ... đã được Dự án chọn đưa vào trồng rừng phòng hộ. Các loại cây trồng rừng sản xuất phát triển nhanh như keo lai giâm hom, keo lá tràm, bạch đàn đỏ... cũng được đưa vào trồng với số lượng lớn.

Bên cạnh việc trồng rừng, Dự án còn thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng bổ sung hơn 66,3 nghìn ha. Nhờ vậy, độ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2010 lên gần 44%. Qua 12 năm thực hiện Dự án 661 đã biến gần 80 nghìn ha đất trống đồi núi trọc thành rừng; giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi rừng, tạo việc làm cho gần 10 ngàn hộ trong vùng Dự án. Từ đó đã hình thành trong cộng đồng dân cư miền núi biết làm nghề rừng, có ý thức giữ rừng và xóa bỏ dần tập quán du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy.

Xã hội hóa để phát triển lâm nghiệp

Xã hội hóa phát triển lâm nghiệp nhằm thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, đồng thời tranh thủ nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào trồng rừng và bảo vệ rừng  là xu hướng chung hiện nay để phát triển ngành lâm nghiệp.

Rừng kinh tế ở miền núi Quảng Ngãi đem lại hiệu quả cao.                                      Ảnh: TL
Rừng kinh tế ở miền núi Quảng Ngãi đem lại hiệu quả cao. Ảnh: TL


Hiệu quả công tác trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có sự đóng góp không nhỏ của các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn vay, vốn viện trợ của các Chính phủ, các tổ chức tín dụng quốc tế và khu vực như JBIC, KfW6, WB3, JICA... Cùng với đó, phong trào trồng rừng ngày càng tăng của người dân đã góp phần nâng diện tích có rừng của tỉnh lên đến 280 nghìn ha và độ che phủ rừng đạt được 50% vào năm 2015. Trong đó, diện tích có rừng tăng gấp 2,5 lần và độ che phủ rừng tăng gấp gần 3 lần  so với trước ngày tái lập tỉnh.

Kết quả đạt được là một bước tiến dài của ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi kể từ sau ngày giải phóng đến nay. Qua đó, núi đồi quê hương đã được trả lại những cánh rừng xanh bạt ngàn tươi tốt, góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học. Việc trồng rừng, phát triển nghề rừng cũng đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh định cư cho đồng bào sống ở nông thôn miền núi, qua đó đã thật sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng.

 

Nguyễn Khâm


 


.