Hiệu quả từ trồng rừng cộng đồng

01:05, 04/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình quản lý rừng cộng đồng là một trong những hạng mục của Dự án “Phục hồi và quản lý rừng bền vững” (Dự án KFW6) được triển khai ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên do Chính phủ CHLB Đức tài trợ. Đến hết năm 2014, Quảng Ngãi sẽ kết thúc dự án. Dự án KFW6 thực hiện tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ đã mang lại kết quả rất đáng mừng.

TIN LIÊN QUAN

Khi dựa vào cộng đồng

Việc giao rừng cho cộng đồng quản lý đã và đang mang lại kết quả tốt trong việc trồng và bảo vệ rừng. Bởi cộng đồng là những người sống gần rừng, hiểu biết về rừng nhất và bị tác động bởi sinh thái rừng nhiều nhất.

Đây là lý do mà khi cộng đồng được giao quyền chủ động sử dụng thì họ sẽ quản lý tốt tài sản họ được nhận. Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo của Ban Quản lý (BQL) tỉnh, huyện và các ban thực thi của các xã thì việc trồng rừng theo mô hình này đạt nhiều kết quả đáng mừng.

Những khu rừng tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thuộc Dự án KFW6 đang phát triển tốt.
Những khu rừng tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thuộc Dự án KFW6 đang phát triển tốt.


Tính đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt chương trình mà BQL đề ra. Theo đó, huyện Đức Phổ đã trồng gần 1.264 ha, Nghĩa Hành trồng trên 999 ha và Tư Nghĩa trồng được 935 ha. Đồng thời, các địa phương này còn giữ vững được những khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn.

Công tác quản lý rừng ngày càng được tăng cường không còn xảy ra hiện tượng cháy rừng, phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Việc phân chia, cấp quyền sử dụng đất, cũng như mở tài khoản cho mỗi người dân trồng rừng đều được BQL dự án kiểm tra theo dõi. Mặt khác, người dân còn được Ban thực thi các xã tuyên truyền và tổ chức các đợt tập huấn nhằm tăng khả năng hiểu biết cũng như nắm rõ hơn về cách thức thực hiện mô hình trồng rừng cộng đồng. Sau đó tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho từng hộ gia đình.

Đến nay, huyện Nghĩa Hành cấp 729 GCNQSDĐ, Tư Nghĩa 800 giấy và Đức Phổ 897 giấy cho các hộ dân. Từ đó người dân được nhận cây giống từ BQL để tiến hành trồng và bảo vệ rừng. Hiện tại, các khu rừng ở các huyện này đều phát triển rất tốt. Có địa phương như Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã và đang thực hiện rất tốt về việc trồng rừng theo mô hình cộng đồng. Đây là xã được xem là điển hình nhất của dự án KFW6 trong tỉnh.

Ông Đào Thanh Công - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết: “Tất cả các cánh rừng trong xã đều phát triển rất tốt, đặc biệt là hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ. Hai thôn này từ chăm sóc đến việc bảo vệ, bà con đều được tập huấn và hướng dẫn cụ thể. Những hộ dân được cấp GCNQSDĐ và trồng rừng, có ý thức cao trong việc bảo vệ cũng như chống lâm tặc, phòng chống cháy rừng. Từ đó đến nay đã không còn hiện tượng phá rừng, đốt rừng nữa”.

Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế

Hiện nay, nhiều cánh rừng của các hộ dân tại các địa phương đang trong giai đoạn phát triển, hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo mô hình này, mỗi diện tích rừng của các hộ dân sẽ được phân chia ranh giới. Họ còn được phép trồng các loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập, nhưng vẫn đảm bảo được diện tích rừng theo quy hoạch của BQL dự án đề ra.

Trong những năm gần đây, khi trồng rừng theo Dự án KFW6, kinh tế nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) có nhiều khởi sắc và ý thức bảo vệ rừng của đồng bào ở đây được nâng cao một cách đáng kể.

Ông Phạm Văn Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: “Toàn xã có hơn 200 hộ dân trồng rừng theo dự án, mỗi năm các hộ dân còn biết trồng xen vào các loại cây như bắp, đậu, mì… ở các sườn núi để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra bà con còn tự giác bảo vệ rừng. Nếu thấy rừng mình bị xâm hại, bị phá là họ báo với chính quyền địa phương để cùng kịp thời giải quyết. Vì thế nên toàn bộ cánh rừng ở xã này xanh tốt, giữ được nguồn nước trong nhiều mùa khô”.

Đối với huyện Nghĩa Hành, với hơn 1.000 ha rừng cộng đồng của hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ đã đảm bảo được nguồn nước tưới cho hơn 400ha ruộng lúa, hoa màu của người dân trong các đợt nắng nóng kéo dài. Bà con ở các địa phương này càng thấy rõ hơn về lợi ích của việc trồng rừng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp...

Cuối năm 2014, mô hình trồng rừng theo Dự án KFW6 kết thúc và Quảng Ngãi đã hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc” đối với công tác bảo vệ rừng.

Hiện phương thức quản lý rừng cộng đồng đang được chính quyền địa phương ở các huyện quan tâm. Nhất là việc giao đất rừng đến từng hộ gia đình và cấp GCNQSDĐ cho họ. Việc thành lập các nhóm hộ sử dụng rừng cùng tham gia vào quản lý và bảo vệ rừng được xem là chìa khóa cho sự phát triển rừng bền vững.

Điều đáng quý là mô hình quản lý rừng cộng đồng đã làm cho người dân và chính quyền địa phương đều ý thức được vai trò quan trọng từ rừng mang lại. Ông Võ Hữu - Phó Giám đốc Dự án KFW6 của tỉnh cho biết: “Đến nay, chương trình trồng rừng cộng đồng theo Dự án KFW6 đã hoàn thành đúng kế hoạch. Hầu hết các huyện đã và đang phát triển được diện tích rừng bền vững. Bên cạnh đó, đã ngăn chặn nạn phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy; bảo vệ được nguồn nước tưới trong mùa khô, chống xói mòn khi mùa lũ về. Từ đó giúp bà con có ý thức hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng. Phát triển được nguồn kinh tế gia đình từ rừng đem lại”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.