Dạy nghề kết hợp tạo việc làm tiếp sức xây dựng Nông thôn mới

04:04, 28/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người dân nông thôn đang phát huy hiệu quả ở các địa phương của Quảng Ngãi. Đây là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới thực hiện các tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo và chuyển đổi cơ cấu lao động.

TIN LIÊN QUAN

 
Vừa được đào tạo nghề bài bản, vừa nâng cao thu nhập nhưng không phải ly hương là mục đích chủ yếu của nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn. Mô hình trồng nấm ở xã Tịnh Ấn Đông, TP.Quảng Ngãi là một ví dụ điển hình. Được hình thành từ năm 2010, mô hình này đang tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại đây.
 
Gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ đến lớn, ông Bùi Hữu Phước ngụ xã Tịnh Ấn Đông vẫn không thể lo kinh tế cho gia đình 4 người. Đến khi ông Phước được cho đi học lớp dạy nghề trồng nấm tổ chức ngay tại xã, cơ hội đổi đời mới thực sự đến “gõ cửa” gia đình ông. “Tôi được hướng dẫn cụ thể kỹ thuật trồng các loại nấm, rồi được dẫn đi tham quan các mô hình trồng nấm ở các tỉnh bạn. Thấy người ta làm được, nên tôi nhất quyết cũng phải làm được”- Ông Phước kể.

 

Mô hình trồng nấm sau khi được học nghề đang làm nguồn thu nhập khấm khá cho nhiều hộ dân ở xã Tịnh Ấn Đông
Mô hình trồng nấm sau khi được học nghề đang làm nguồn thu nhập khấm khá cho nhiều hộ dân ở xã Tịnh Ấn Đông
 
Nói là làm, sẵn có nền tảng kiến thức vững chắc được học từ lớp dạy nghề, ông Phước nhanh chóng “bén duyên” với nấm. Hơn 1.000 bịch nấm bào ngư và nấm sò được chăm sóc ngay trong nhà, ông Phước có thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng. “Nếu chỉ với 3 sào ruộng và 1 con bò thì sao gia đình 4 người của tôi trụ nổi. Giờ có mô hình nấm mà tôi gọi luôn đứa con đang đi làm thuê trong TP.HCM về làm cùng. Vừa gần nhà, lại có thu nhập ổn định hơn nhiều”- ông Phước chia sẻ.
 
Không riêng ông Phước, mà những hộ gia đình được học nghề trồng nấm tại xã Tịnh Ấn Đông hiện giờ cũng đều thành công và có được thu nhập ổn định ở ngay tại quê hương. Ông Bùi Xuân Phúc- Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Đông cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm, cụ thể là mô hình trồng nấm đã góp phần giúp người dân tiếp thu khoa học, kỹ thuật nhằm sản xuất chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất và ngày càng ổn định. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn.

 

Hộ ông Phước kiếm gần 100 triệu đồng từ nấm bào ngư và nấm sò
Hộ ông Phước kiếm gần 100 triệu đồng từ nấm bào ngư và nấm sò
 
Một trong nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn khác đã thực sự đi vào đời sống, phát huy hiệu quả là lớp dạy nghề thú y, chăn nuôi ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức. Từ đây, câu lạc bộ chăn nuôi xã Đức Thắng gồm 22 thành viên cũng là 22 học viên từng tham gia lớp dạy nghề thú y, chăn nuôi. Gần 30.000 con gà/năm được đưa ra thị trường từ 22 hộ gia đình này đã giúp mỗi hộ có thu nhập trung bình hơn 50 triệu đồng mỗi năm.
 
Anh Nguyễn Quang Hưng ngụ thôn An Tĩnh, xã Đức Thắng- 1 trong 22 học viên của lớp dạy nghề, giờ đã rất tự tin trong lĩnh vực chăn nuôi heo, gà. Hiện anh sở hữu gần 1.000 con gà, và đợt dịch cúm gia cầm lan rộng vừa qua vẫn không thể đe dọa nguồn thu nhập của anh. “Tôi đã nuôi gà hơn chục năm nay. Trước kia khi chưa đi học lớp thú y thì cứ tới mùa dịch là gà chết hàng loạt. Nhưng giờ thì không còn nữa, tôi biết phải cho gà ăn gì, tiêm thuốc gì, chăm sóc ra sao để không nhiễm bệnh. Cũng nhờ vậy, mà thu nhập gia đình khấm khá hơn rất nhiều”- Anh Hưng cho hay.

 

Nhiều lớp dạy nghề thú y, chăn nuôi cũng giúp lao động nông thôn thoát nghèo mà không phải ly hương
Nhiều lớp dạy nghề thú y, chăn nuôi cũng giúp lao động nông thôn thoát nghèo mà không phải ly hương
 
Hiện nay, tại các vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi, có hàng chục  mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn đã thực hiện hiệu quả như: Nghề may, trồng nấm, chăn nuôi, mây tre đan… Những lớp học nghề được tổ chức tại xã vừa thuận tiện đi lại cho người dân, lại giúp lao động nhanh chóng tìm được việc làm có thu nhập cao. Với mục tiêu đào tạo nghề theo nhu cầu học của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ là động lực tiếp sức trong việc xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi.
 
Năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu  đào tạo nghề cho 6.400 lao động nông thôn. Để đạt được kết quả này, ngành lao động thương binh xã hội tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo gắn với tạo việc làm cho lao động. Bà Cù Thị Thanh Mai- Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho hay: Các địa phương được giao chỉ tiêu đăng ký đào tạo nghề cho số lượng lao động nhất định, rồi cũng phải lo sau khi đào tạo họ làm gì, ở đâu, được hỗ trợ bao nhiêu vốn. Còn người lao động có ý thức chủ động hiểu mình phù hợp với việc gì để đăng ký học lớp dạy nghề cụ thể. Nhờ đó mà lao động sau đào tạo đều có việc làm, thu nhập cao. Cơ cấu lao động tại các địa phương dần ổn định khi ngày càng có ít lao động phải ly hương kiếm việc làm.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 

 


.