Quảng Ngãi: Ớt được mùa, được giá

08:03, 18/03/2013
.

(QNĐT)- Vụ thu hoạch ớt năm nay, người trồng ớt ở các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương... (Tư Nghĩa) đang phấn khởi, vì ớt không chỉ được mùa mà còn được giá.

TIN LIÊN QUAN


Những ngày này, về thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, không khí tất bật trên những cánh đồng trồng rau, trồng ớt đang “tăng nhiệt” từng ngày. Hiện tại cây ớt là đề tài chung và sôi nổi trong những cuộc nói chuyện của nông dân nơi đây, và niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của họ, bởi vụ này nhiều diện tích trồng ớt cho quả sai, được giá và sắp bước vào thu hoạch rộ.

Ông Võ Tri ở thôn Thế Bình khoe: "Năm nay nhờ trời cho, bà con chúng tôi trồng ớt chúng tôi rất phấn khởi, ớt hổm rày rất được giá, nhà nào cũng thu lợi nhuận cao. Mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá ớt thu mua khá cao và ngày càng tăng, từ 12.000 đồng lên gần 20.000/kg và có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Vụ này, gia đình ông Tri trồng gần 8 sào ớt. Mặc dù được trồng ở những diện tích đất kém màu mỡ, khó chăm sóc, nhưng nhờ xuống giống sớm, điều kiện khí hậu lại thuận lợi nên ớt nhà ông phát triển tốt, sai quả và đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Gia đình anh phải thuê thêm người để kịp thời hái quả chín, với 12 nhân công, mỗi ngày có thể hái gần 5 tạ ớt. Từ cây ớt, bình quân, mỗi ngày gia đình thu vào không dưới 8 triệu đồng.

"Cứ vừa hái xong là có thương lái vào tận ruộng thu mua nên đầu ra rất thuận lợi cho bà con trồng ớt chúng tôi'- ông Tri cho biết.

 

Ớt được mùa, được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi
Ớt được mùa, được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi


Ớt là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho thu hoạch cao nên vài năm trở lại đây nhiều hộ nông dân xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương đã chuyển đổi diện tích trồng rau các loại sang trồng ớt.

Chúng tôi dạo quanh các cánh đồng chuyên canh ớt ở Tư Nghĩa, dù đang giữa trưa nắng nóng nhưng nhiều người vẫn cặm cụi ngoài ruộng chăm sóc và thu hoạch ớt cho kịp thời gian giao bán, tiếng cười nói rộn ràng khắp cả cánh đồng.

Đang khẩn trương cùng người nhà thu hoạch 2 sào ớt của gia đình, ông Đặng Cư ở xã Nghĩa Hiệp, không cho hay: Vụ này, ông mạnh dạn đầu tư trồng hơn 2 sào ớt loại giống Trang nông. Xuống giống từ tháng 11 âm lịch, đến nay, vườn ớt nhà ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Tuy mới thu hoạch vài lứa đầu nhưng thương lái đã đến tận ruộng thu mua với giá từ 17 nghìn - 19 nghìn đồng/kg.

Theo ông Cư, trồng ớt có ưu điểm là thời vụ thu hoạch ớt kéo dài, việc chăm sóc đơn giản, chi phí thấp. "Nếu thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt, những diện tích ớt được trồng ở chân đất ruộng này có thể cho thu hoạch đến tháng 6. "- ông Cư kỳ vọng.


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn An- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: Nghĩa Hiệp có trên 10ha trồng rau, màu các loại thì hiện có trên 50% diện tích trồng ớt. Hiện, địa phương đang tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và từng bước chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Cùng chung niềm vui với người dân Nghĩa Hiệp, nhiều hộ trồng ớt ở xã Nghĩa Thương cũng vui không kém. Năm nay, bên cạnh những hộ trồng ớt lâu năm, nhiều hộ nông dân khác cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng các loại rau màu khác sang trồng ớt.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thập - một hộ trồng ớt ở xã Nghĩa Thương cho hay: Tôi làm rau màu đủ loại,  nhưng rau mùa này giá rẻ. Nhờ có cây ớt giá bán khá cao để bù lại nên cũng đỡ phần nào.

"Từ khi được các tiểu thương mua để xuất khẩu giá ớt tăng lên, lượng ớt tiêu thụ hàng ngày cũng lớn. So với các loại rau màu khác thì lợi nhuận thu được từ cây ớt cao hơn rất nhiều. Bình quân, 1 sào ớt nếu chăm sóc tốt cho thu hoạch khoảng trên 3 tạ ớt, nên người trồng ớt có lãi khá"- bà Thập nhẩm tính.

 

Khẩn trương thu hoạch ớt
Khẩn trương thu hoạch ớt


Ông Huỳnh Văn Dũng- một tiểu thương thu mua ớt cho biết: Giá ớt năm nay tăng cao là do thị trường trong nước tiêu thụ mạnh, ớt nguyên liệu xuất sang các nước Châu Á  đang rất hút hàng. Mỗi ngày cơ sở ông mua khoảng gần 2 tấn ớt tươi.

Tuy được mùa, được giá những nhiều bà con cũng không khỏi lo lắng, bởi một khi sản xuất theo phong trào, diện tích, năng suất tăng, sản lượng cao, cung nhiều hơn cầu nếu không có định hướng và đầu ra bền vững thì người nông dân dễ rơi vào vòng luẩn quẩn được giá mất mùa, được mùa, mất giá... thì sẽ không trọn một niềm vui.   

  

                                                                        Bài, ảnh: Bảo Ngọc  
 


.