Bình Dương trăn trở về cây ớt

07:09, 05/09/2011
.

(QNg)- Vài năm nay, cây ớt mang lại lợi nhuận khá, nên nhiều nông dân ở xã Bình Dương (Bình Sơn) đã tăng diện tích trồng ớt. Song để làm giàu từ cây ớt vẫn còn là một chặng đường gian nan…

Mấy năm trở lại đây, xã Bình Dương được biết đến là một trong những nơi trồng ớt lớn của tỉnh ta. Vào thời điểm thịnh vượng, nghề trồng ớt đem lại lợi nhuận rất cao (gấp mấy lần trồng lúa). Thế nhưng sau vụ ớt năm 2010, bà con nông dân vừa trúng mùa, vừa được giá thì vụ ớt năm nay nhiều diện tích ớt bị sâu bệnh phá hại, giá rớt xuống thấp, khiến nhiều hộ trồng ớt phải "nếm trái đắng".
 
Mặc dù ớt chín đỏ rực, thế nhưng trên đồng ớt không thấy một bóng người.
Mặc dù ớt chín đỏ rực, thế nhưng trên đồng ớt không thấy một bóng người.

Thời điểm này người trồng ớt ở Bình Dương đang tiến hành tận thu cuối vụ. Thế nhưng không như mọi năm khi ớt được giá, người người tập trung ra đồng thu hái ớt, không khí vui vẻ phấn chấn, còn năm nay người trồng ớt ai nấy đều buồn bã vì ớt rớt giá. Mặc dù ớt chín đỏ rực, thế nhưng trên cánh đồng không thấy một bóng người. Hỏi ra mới biết, do tư thương ép giá, 1 kg ớt đầu vụ còn bán được 25.000 - 30.000 đồng, bỗng chốc rớt xuống còn 12.000- 13.000/kg, nay thì chỉ còn chưa tới 5.000 đồng/kg, nhưng không phải ớt nào tư thương cũng mua.

Ông Huỳnh Tấn Dũng (ở thôn Mỹ Huệ 1) cho biết: Năm ngoái gia đình trồng 2 sào ớt, thu được trên 2,4 tấn, thu lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay ông tiếp tục trồng 2 sào ớt, chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu khá cao, mà giá bán ớt năm nay bấp bênh, có khi xuống quá thấp. Nông dân sản xuất trong tâm trạng lúc nào cũng lo ngay ngáy... "Năm trước thì ớt loại nào tư thương cũng mua hết, nhưng năm nay nhiều tư thương "ra điều kiện" với nông dân là chỉ thu mua ớt có chất lượng, ớt đẹp. Nghe đâu các thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng năm nay nghe các thương lái nói Trung Quốc không thu mua. Giá cả ớt do thương lái tự quyết. Cân ớt xong họ mới báo giá và mỗi ngày mỗi giá khác nhau. Chúng tôi không bán thì ế, bán thì giá quá rẻ ".

Chị Lê Thị Hồng - một nông dân trồng ớt ở thôn Đông Yên 3 cũng ngao ngán:  Năm trước giá ớt tăng cao, thấy nhiều gia đình trúng lớn nhờ ớt, nên tôi mạnh dạn phá bỏ 2 sào ruộng lúa để chuyển sang trồng ớt. Nào ngờ năm nay thời tiết không thuận lợi, cây ớt vừa bị sâu bệnh chết, vừa mất gía, khiến tiền thu vào không bằng tiền vốn bỏ ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bạch Hùng- Phó Chủ nhiệm HTXNN Bình Dương cho biết: Đầu ra cây ớt của địa phương hiện nay còn khá bấp bênh. Năm nay thời tiết diễn biến không thuận lợi cho cây ớt, mưa nắng xen kẽ khiến  cho khoảng 30% diện tích ớt bị hư hại, ớt chết cây và nám trái. Bên cạnh đó tình trạng người dân đổ xô trồng ớt, nhiều hộ còn phá lúa để trồng ớt, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, khiến cho đầu ra cây ớt gặp khó khăn, tạo điều kiện cho tư thương ép giá. Nếu như diện tích trồng ớt của địa phương năm 2010 chỉ 28 ha, thì đến năm 2011 đã tăng lên trên 55 ha (chiếm 2/3 diện tích đất màu của địa phương). Thấy giá cả quá thấp,  nên một số hộ đã phá bỏ cây ớt, chuyển sang trồng các loại cây màu khác như: Rau cải, bắp... bán để kiếm thêm thu nhập.

Có thể thấy, trong khi chi phí đầu tư sản xuất ngày càng tăng cao, nhưng đầu ra của cây ớt không ổn định như hiện nay khiến thu nhập của hàng trăm hộ trồng ớt bấp bênh. Thấy lợi trước mắt, người nông dân sản xuất một cách tự phát, ồ ạt trồng, nhưng không biết đầu ra của sản phẩm nằm ở đâu? Bán cho ai?... Người nông dân luôn thụ động trước cơ chế thị trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp, ngành chức năng cần có những dự báo chính xác; chỉ đạo, định hướng sản xuất chặt chẽ, gắn liền với thị trường... thì mới có thể ổn định và phát triển sản xuất, không chỉ với cây ớt mà với cả nhiều loại cây trồng khác.

          Bài, ảnh: Ngọc Đức

.