Một lòng bám biển

02:07, 19/07/2012
.

(QNg)- Gắn bó với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để nối tiếp truyền thống của cha ông giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là quyết tâm, là lẽ sống của ngư dân đất đảo Lý Sơn - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa.

TIN LIÊN QUAN


Tạc dạ Hoàng Sa, Trường Sa

Nét chân chất, hiền lành in dấu trên nhiều khuôn mặt người dân đất đảo Lý Sơn. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lớp lớp thế hệ cháu con sinh ra và lớn lên nơi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa đều khắc ghi lịch sử, nối tiếp truyền thống cha ông giữ gìn vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàng Sa, Trường Sa gắn với người dân đất đảo như thể máu thịt chẳng tách rời. "Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường cha ông đánh bắt bao đời nay.

Tàu của ngư dân Lý Sơn luôn đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
Tàu của ngư dân Lý Sơn luôn đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.


Thế hệ con cháu chúng tôi quyết tâm bám biển giữ gìn", ngư dân Trần Hiền (ở xã Anh Vĩnh) dứt dạt. Chỉ 32 tuổi đời, thế mà ngư dân Trần Hiền đã gần 20 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Anh Hiền cho hay, từ lúc bi bô tập nói, mẹ đã dạy phát âm "Hoàng Sa", "Trường Sa". Mẹ thường dẫn ra biển, chỉ tay bảo bố đang đánh bắt ngoài khơi, ở Hoàng Sa, Trường Sa đó con à. Mỗi lần tàu cập bến, cả nhà xúm xít nghe bố kể chuyện đánh bắt, kể về Hoàng Sa, Trường Sa. Ước mơ bám biển trong Trần Hiền được "nuôi dưỡng" từ đấy và lớn dần theo năm tháng.

Cái nắng, cái gió khắc nghiệt miền biển cũng như muôn trùng thiên tai, nhân tai không khiến Trần Hiền nhụt chí bám biển. "Gian lao cho mấy cũng phải bám biển. Bám biển để nuôi sống gia đình, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", anh Hiền quả quyết. Ở đảo Lý Sơn, ngư dân Trần Hiền được mệnh danh "kình ngư trẻ". Chàng thuyền trưởng Trần Hiền "chinh chiến" ở khắp các hòn đảo nơi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều lần bị tàu nước ngoài bắt bớ, lấy dụng cụ đánh bắt, anh vẫn quyết chí: "Mất mẻ này ta gầy mẻ khác. Không gì có thể khiến chúng tôi rời bỏ ngư trường mà cha ông đã cất công gìn giữ".

Cụ ông Trần Mười (70 tuổi, bố của Trần Hiền) nở nụ cười tươi khi thấy con trai quyết tâm bám biển. "Cha ông tui gốc Lý Sơn, đã ghi tên khắc chữ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đời tui, rồi đến đời thằng Hiền... Nhiều gia đình, dòng họ ở đảo này đời đời bám biển để giữ chủ quyền", cụ Mười nói. Cả đời lão ngư Trần Mười nối nghiệp cha ông lặn hải sâm ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông tuổi cao sức yếu nhưng chí vẫn bền, để rồi "truyền" nhiệt huyết, kinh nghiệm đi biển cho con trai.

Thuyền trưởng Trần Hiền là một trong số 21 ngư dân ở Quảng Ngãi mới đây bị nước ngoài bắt giữ, lấy ngư lưới cụ và đòi gia đình nộp tiền chuộc khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa. Sau đó, tàu của anh cùng các ngư dân được thả về, nhưng bị thu giữ hết dụng cụ hành nghề. Chỉ mấy mươi ngày không bám biển bởi kinh tế gia đình khó khăn, nợ nần còn nhiều sau nhiều lần bị nước ngoài lấy dụng cụ đánh bắt, chưa có điều kiện sắm mới, thế mà ngư dân Trần Hiền nhớ biển, nhớ Hoàng Sa, Trường Sa đến da diết. Anh Hiền chia sẻ: "Không nhớ sao được khi cái nghiệp bám biển cứ như máu thịt trong cơ thể". Ngày nào Trần Hiền cũng chèo ghe thúng đi dọc gành, vừa đánh bắt nuôi sống gia đình và cũng là cho đỡ nhớ Hoàng Sa, Trường Sa. "Mong sớm có điều kiện mua sắm ngư lưới cụ để vươn khơi đánh bắt. Mình quyết cùng anh em không rời vùng chủ quyền của đất nước", ngư dân Trần Hiền nói.  

Giữ gìn truyền thống

Lúc chuyển dạ đứa con thứ tại bệnh viện, chị Lê Thị Phúc (28 tuổi, vợ ngư dân Trần Hiền) hay tin chồng bị nước ngoài bắt, mất hết dụng cụ đánh bắt. Chị đau khổ khôn cùng. Giọt nước mắt của người vợ xứ biển lại tuôn rơi. Chẳng đếm xuể bao lần dõi mắt theo chồng khi tàu rời bến, lo lắng, đợi chờ... và suốt nhiều đêm không ngủ, nhiều hôm chẳng buồn ăn uống. Thế mà khi được hỏi về nỗi vất vả của phụ nữ vùng biển, chị Phúc vẫn mạnh mẽ cất lời: "Bám biển đã là truyền thống. Là người vợ, người mẹ xứ biển phải cố gắng đảm đương tốt công việc trong gia đình để chồng an tâm bám biển vì cuộc sống, vì vùng biển chủ quyền của Việt Nam".

Nguồn động viên, tiếp sức, ý chí đối với ngư dân đất đảo luôn dạt dào, để rồi mãi bừng cháy quyết tâm thực hiện lẽ sống bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền nơi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chị Phù Thị Hối (53 tuổi, vợ ngư dân Lê Vinh ở xã An Vĩnh) bộc bạch: "Đã hơn 20 năm rồi, có lần nào ảnh ra khơi mà mình yên giấc đâu. Cứ lo lắng, mong cho trời yên biển lặng, bình an trở về. Bao đời cha ông ở ngoải (Hoàng Sa, Trường Sa-PV) nên tôi cũng thường xuyên động viên ảnh bám lấy ngư trường truyền thống". Quanh năm chồng và đứa con trai út bám biển, chị Hối ở nhà chăm  nom nhà cửa, dạy bảo con cái.

Phút sum họp gia đình ngư dân Trần Hiền.
Phút sum họp gia đình ngư dân Trần Hiền.


Hai đứa con gái của anh chị đứa học đại học năm cuối, đứa học cao đẳng. Tàu của ngư dân Lê Vinh cũng thường xuyên bị nước ngoài bắt và lấy ngư lưới cụ, mới đây họ lấy hẳn chiếc tàu mà suốt nhiều năm liền anh cùng nhiều ngư dân trên đất đảo gắn bó. Ngư dân Lê Vinh (54 tuổi) tâm sự: "17 tuổi tui đã bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mai mốt có tàu mới, gia đình tui cũng bám lấy ngư trường truyền thống của mình".

Ngồi ở bến cảng chờ tàu đưa khách từ Lý Sơn vào đất liền, tôi bắt chuyện cùng một thanh niên tên Thánh. Thánh bảo: "Em 23 tuổi chị à, theo cha đi biển từ năm 17. Vào bờ nghỉ vài ngày lại tiếp tục ra Hoàng Sa, không ra cứ cồn cào nhớ". Khuôn mặt chân chất và giọng nói đặc sệt Lý Sơn của Thánh khiến tôi không sao quên được, cũng giống như bao người dân trên đất đảo, một lòng mãi hướng về vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc-Hoàng Sa, Trường Sa.   


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.