Khao khát được tiếp tục ra khơi bám biển

02:05, 14/05/2012
.

(QNĐT)- Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày 21 ngư dân Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt giữ được trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Hiện tại cả sức khỏe lẫn tinh thần các ngư dân vẫn chưa hồi phục, nhưng trong lòng họ luôn cháy bỏng khát khao một ngày được tiếp tục ra khơi đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa thân yêu.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi gặp lại 21 ngư dân vào một ngày tháng năm tại huyện đảo Lý Sơn. Sau hơn 3 tuần được trở về với gia đình, họ vẫn luôn canh cánh một nỗi lo về cuộc sống ngày mai của vợ con và gia đình sẽ ra sao khi chẳng còn tàu và ngư cụ để ra khơi, phát triển kinh tế.

Ngư dân Trần Hiền ngụ ở thôn Tây, xã An Vĩnh may mắn vì được trở về cùng chiếc tàu của mình. Thế nhưng, trong lòng anh không tránh khỏi những trăn trở vì bị thiệt hại lớn về ngư lưới cụ và hàng tấn hải sản.

 

21 ngư dân Lý Sơn vẫn luôn khao khát có điều kiện sắm tàu và ngư cụ mới để được lướt sóng, ra khơi
21 ngư dân Lý Sơn vẫn luôn khao khát có điều kiện sắm tàu và ngư cụ mới để lại được ra khơi


Anh Hiền tâm sự: Trước mắt, để tiếp tục ra khơi anh cần phải đầu tư khoảng 250 triệu đồng tiền mua ngư lưới cụ. Đó là số tiền quá lớn, không dễ dàng có được. Nhưng nếu không dám vay mượn, đầu tư để tiếp tục được ra khơi thì biết lấy gì mà sống. Người vợ yếu ớt và 3 đứa con còn quá nhỏ của anh vẫn đang dựa vào người đàn ông trụ cột của gia đình. Tiến không được, lùi cũng chẳng xong…

Bi đát hơn hoàn cảnh của ngư dân Trần Hiền là ngư dân Lê Vinh. Dù ông không tham gia chuyến biển định mệnh cùng 21 ngư dân, nhưng con tàu QNg 66101 TS là do ông đầu tư, mua sắm toàn bộ, với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng giờ không còn.

Mấy ngày qua, chiều nào ngư dân Lê Vinh cũng ra bờ biển, hướng mắt về phía khơi xa như đang chờ đợi một điều gì. Trong lòng ông đang bộn bề những mối lo và một niềm khao khát. Với ngư dân, chiếc tàu như đôi chân của bản thân. Giờ ông Vinh muốn ra khơi, vượt biển kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng tàu không còn nữa.

“Chắt chiu cả đời mới đóng được chiếc tàu đấy. Mấy năm nay, nó vẫn là cần câu nuôi sống cả gia đình. Vậy mà, trong chớp mắt, tôi lại tay trắng và không biết sẽ làm gì để nuôi cả nhà”- Ông Vinh than thở.

Vợ ông là chị Phù Thị Hới (56 tuổi) vẫn hằng ngày lặng lẽ đi làm thuê, làm mướn, nhặt rong biển kiếm vài chục nghìn đồng/ngày để chạy cơm từng bữa cho cả nhà. Chị Hới tâm sự: Vợ chồng tui đói khổ mấy cũng chịu được. Chỉ thương cho hai đứa con đang học đại học ở Đà Nẵng. Tiền học phí và chi tiêu hằng ngày của hai đứa đâu có ít. Lúc trước còn tàu, chồng tui đi vài phiên biển cũng đỡ. Chứ giờ thì…- Chị Hới ngậm ngùi chẳng dám nói tiếp.

 

Hiện tại, trong lòng ông Lê Văn Lớn và nhiều ngư dân khác bộn bề những mối lo về việc trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày
Hiện tại, trong lòng ông Lê Văn Lớn và nhiều ngư dân khác bộn bề những mối lo về việc trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày


Kinh tế sa sút là tình cảnh chung của 21 ngư dân Lý Sơn và gia đình. Ngư dân Lê Văn Lớn- thuyền viên tàu QNg 66101 TS cho biết: Kể từ khi được đoàn tụ về nhà, bên cạnh niềm vui luôn là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vợ con chúng tôi với công việc làm mướn ở bờ thì không thể đủ tiền trang trải cuộc sống. Kinh tế gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Là trụ cột gia đình, chúng tôi phải nếm trải cảnh đó mà thấy lực bất tòng tâm.

Nghiệp đi biển không tránh khỏi những bất trắc khó lường. Nhưng trên hết tình yêu biển cả bao la của các ngư vẫn luôn nồng thắm dù gặp hoàn cảnh nào. Do vậy, ngư dân Lớn tiếp lời: “Chúng tôi tha thiết mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho bà con chúng tôi được tiếp tục ra khơi, bám biển vào một ngày gần nhất. Nếu không được tiếp tục ra khơi, thì không biết cuộc sống của mấy chục con người sẽ ra sao…”

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh khó khăn hiện tại của các ngư dân, ông Phạm Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ ban đầu nhằm giúp các gia đình ngư dân vượt qua khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, việc hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp với số tiền quá lớn để đóng tàu, sắm ngư cụ là điều không dễ dàng. Chính quyền địa phương cũng đang vận động các tấm lòng hảo tâm gần xa và kiến nghị lên cấp trên nhằm hỗ trợ kịp thời cho đời sống của các gia đình ngư dân về lâu dài.

Với ngư dân Lý Sơn, ra khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo mà cha ông ta đã dựng xây và khẳng định từ bao đời nay. Do vậy, rất mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân để họ tiếp tục được thực hiện ước mơ bám biển truyền đời dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Thanh Phương
 

.