Tiểu thương quảng bá hàng Việt

12:06, 22/06/2012
.

(QNg)- Với một lực lượng hùng hậu, có mặt ở hầu hết 14 huyện, thành phố trong tỉnh, tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống đang trở thành những "tiếp thị viên" quảng bá hàng Việt hữu hiệu.  

TIN LIÊN QUAN


Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 153 chợ truyền thống, với quy mô mỗi chợ có vài chục đến vài trăm sạp hàng. Trong đó, chợ Quảng Ngãi là nơi có nhiều tiểu thương buôn bán nhất, với gần 1.700 hộ. Còn tính cả thảy số lượng tiểu thương ở chợ truyền thống trong tỉnh có đến hàng ngàn người.

"TIẾP THỊ" MỌI LÚC, MỌI NƠI

Có lẽ, tiểu thương các chợ truyền thống là người tiếp xúc với khách mua hàng thường xuyên nhất trong đội ngũ những người làm công tác bán hàng. Nếu đến siêu thị mua sắm, khách hàng có thể tự do tìm kiếm, chọn lựa những sản phẩm phù hợp với mình rồi ra quầy tính tiền, thì ở chợ truyền thống điều đầu tiên khách hàng bắt gặp là nụ cười thân thiện của tiểu thương, sau đó là những lời "có cánh" về các sản phẩm được bày bán tại gian hàng. Chính vì thế, những sản phẩm tạo được uy tín với tiểu thương cũng dễ dàng được khách hàng chấp nhận.

Chị Huỳnh Thị Lành, tiểu thương chợ Quảng Ngãi, nói:
Chị Huỳnh Thị Lành, tiểu thương chợ Quảng Ngãi, nói: "Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp thị "miễn phí" cho hàng Việt".

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh), chia sẻ: "Khi mua hàng ở chợ, mình hay đến các sạp hàng quen. Vì ở đó mình không chỉ được "tám" với các chị chủ sạp về những sản phẩm chất lượng, phù hợp với túi tiền mà còn có thể "nợ" các chị nếu chẳng may mua nhiều hàng hơn dự tính. Chính vì sự tin tưởng giữa người mua và người bán nên sản phẩm nào các chị giới thiệu mình đều yên tâm".

Việc nhiều sản phẩm tiêu dùng của các thương hiệu Việt chất lượng, nhưng chưa đủ tiềm lực để cạnh tranh với những "đại gia" khác thì luôn chọn chợ truyền thống là nơi đi vào lòng người tiêu dùng. Bà Đặng Thị Loan (phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi), kể: "Khi được nghe các tiểu thương khuyên mua xà phòng Cô Ba chứa nhiều tinh dầu thiên nhiên, rất tốt trong việc giữ sạch cơ thể, tôi cũng nghi ngờ lắm. Nhưng rồi thấy các chị có vẻ chắc chắn, tôi liền mua một cục với giá chỉ 3.000 đồng để bảo vệ sức khoẻ cho hai đứa cháu ngoại. Khi sử dụng thì thấy y như các chị "quảng cáo". Sau đó, tôi có dặn các chị là những mặt hàng Việt Nam nào mà vừa rẻ, vừa tốt thì giới thiệu cho tôi với".

Nhìn ở góc độ kinh tế thì tiểu thương là người đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hoá và xây dựng văn hoá tiêu dùng cho khách hàng. Chị Huỳnh Thị Lành - chủ sạp giày dép Huy Lành ở chợ Quảng Ngãi (TP Quảng Ngãi), bộc bạch: Tiểu thương không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì "cái tình" mà ủng hộ hàng Việt, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước phát triển. Tiểu thương sẽ là "khách hàng" đầu tiên thẩm định chất lượng sản phẩm, rồi "tiếp thị" đến người tiêu dùng khác.

ĐỂ TIỂU THƯƠNG LÀ "ĐẠI SỨ HÀNG VIỆT"

Mặc dù vai trò của tiểu thương trong việc quảng bá hàng Việt là rất quan trọng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được "giá trị" của họ. Vì sợ mang tiếng là hàng chợ nên trên thực tế, nhiều sản phẩm, kể cả các sản phẩm được sản xuất ở Quảng Ngãi, vẫn chưa chú trọng phân phối cũng như quảng bá ở chợ truyền thống. Vì vậy, người dân mua sắm tại chợ truyền thống khó tiếp cận với hàng chất lượng. Chị Phạm Thị Quỳnh Trang- chủ sạp vải ở chợ Quảng Ngãi, gởi gắm: "Tiểu thương luôn sẵn sàng mua, bán và quảng bá "miễn phí" cho hàng Việt. Nhưng các doanh nghiệp nên đưa vào chợ các sản phẩm chất lượng ổn định, vì tiểu thương giới thiệu cho khách hàng (đa số là người quen) mua mà hàng không tốt thì tiểu thương mất uy tín lắm".

Có một thực tế là, các doanh nghiệp thường ưu ái cho siêu thị bằng nhiều chương trình khuyến mại, tỷ lệ chiết khấu cao chứ chưa quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng tại các chợ truyền thống. Điều này phần nào đã làm giảm sức cạnh tranh của chợ truyền thống với siêu thị. Anh Trần Văn Nhân (thôn Kỳ Tân, Đức Lợi), chủ cơ sở sản xuất nước mắm Yến Phương, cho biết: Sau những nỗ lực đưa sản phẩm nước mắm của anh vào siêu thị trên địa bàn tỉnh không thành, anh quyết định tập trung nguồn lực đưa sản phẩm nước mắm Yến Phương đứng vững ở chợ truyền thống trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ... "Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận không cao khi phân phối hàng ở các chợ truyền thống nông thôn nhưng tính bền vững thì cao hơn"- anh Nhân khẳng định.

Những hướng dẫn của tiểu thương rất có giá trị với người tiêu dùng, nhưng tiểu thương cũng rất cần giữ khách hàng bằng uy tín của các sản phẩm. Tiểu thương sẵn sàng "tiếp thị" cho hàng Việt và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng giúp doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp có thấy được vai trò của tiểu thương hay không mà thôi.  


Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
 


.