"Tự hào hàng Việt"

10:01, 30/01/2012
.

(QNg)- Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau  2 năm triển khai thực hiện đã có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ. Với phương châm khơi dậy lòng yêu nước thông qua việc ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hoá Việt Nam cho nhu cầu cuộc sống, Cuộc vận động đã làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Tinh thần kinh doanh "Bạch Thái Bưởi"

Hồi đầu thế kỷ XX, doanh nhân nổi tiếng thành đạt của Việt Nam Bạch Thái Bưởi đã tự hào rằng: "Tôi kinh doanh trên đất nước tôi". Niềm tự hào ấy chính là phương châm kinh doanh đã tạo nên cái tên tuổi Bạch Thái Bưởi - "chúa sông Kỳ Bắc" giàu có thứ tư của nước Việt khi ấy. Sự nổi tiếng, giàu có của doanh nhân họ Bạch thời đó còn luôn gắn liền với cuộc vận động "chấn hưng nội hoá" của sĩ phu và giới công thương phát động. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động cách đây 2 năm có thể coi là sự tiếp nối kêu gọi lòng yêu nước, niềm tin yêu, lựa chọn hàng hoá nội địa cho cuộc sống mỗi ngày của cuộc vận động "chấn hưng nội hoá" thời Bạch Thái Bưởi. Đó là cuộc vận động đúng đắn, kịp thời, cần thiết và thực tế đã đi vào cuộc sống, tạo ra sức lan tỏa rộng lớn, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa chất lượng trong Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa chất lượng trong Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi.


Cuộc vận động lớn này đã tạo ra cho doanh nghiệp trong nước nhiều cơ hội tốt để nắm giữ niềm tin yêu của người tiêu dùng Việt Nam. Các doanh nghiệp không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng chất dịch vụ hậu mãi... Ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi nói với chúng tôi rằng: "Doanh nghiệp đã thực sự trở mình. Đó là cách để doanh nghiệp tồn tại, là cách tri ân đối với người tiêu dùng Việt Nam". Có thể thấy rằng, tinh thần "kinh doanh Bạch Thái Bưởi" đã tạo ra vị thế nhất định cho các doanh nghiệp trong kinh doanh giữa thời đương đại. Đó là uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý. Năm qua, hầu hết các doanh nghiệp chưa phải là thương hiệu mạnh đã tìm mọi cách để củng cố thương hiệu thông qua chất lượng, giá cả; những mặt hàng có thương hiệu rồi, thì đưa ra nhiều giải pháp để ngày càng mở rộng, nâng chất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

"Sản xuất hàng hoá chất lượng cao là yêu nước" đã xuất hiện trong phương châm kinh doanh của những nhãn hiệu hàng tiêu dùng mạnh ở Quảng Ngãi như: Sữa đậu nành VinaSoy, Bia Dung Quất, Inox Phước An... Năm qua, các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng sản xuất, nâng công suất, thay thế trang thiết bị bằng dây chuyền hiện đại, để có thể "vươn tới" nhu cầu đích thực của người tiêu dùng. Năm 2011 là năm kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song doanh thu của những công ty này vẫn vượt xa so với năm trước, chính là nhờ doanh thu nội địa.

Mua hàng Việt vì "Tự hào hàng Việt"

Từ khi triển khai, đặc biệt là trong năm 2011, những con số về lượng hàng hoá trong nước sản xuất cung ứng ra thị trường nội địa không ngừng gia tăng. Những chuyến hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt chất lượng cao, tháng bán hàng "Tự hào hàng Việt"... đã tạo ra con số doanh thu rất cao. Có thể nói, kết quả này chính là nhận thức của mỗi người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi, hướng đến nét đẹp văn hoá tiêu dùng "ưu tiên" cho hàng Việt Nam, góp phần đưa nền kinh tế đất nước, của tỉnh phát triển.    

Thực chất, hàng Việt Nam ngày càng đứng vững trên thị trường nội địa có nhận được sự hưởng ứng nhất định từ cuộc vận động, nhưng theo nhiều người tiêu dùng thì họ "tự nguyện" đến với hàng Việt Nam, bởi: Chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập, nhưng giá cả "mềm" hơn. Đồng thời, dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng, kịp thời đã tạo cho người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi chọn mua hàng Việt. "Ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ là nhất thời bởi sức ép của Cuộc vận động, mà cơ bản người dân đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đóng góp tăng mua sắm tiêu dùng hàng nội địa.

Trong thời buổi hội nhập và mở cửa thị trường với sự tràn ngập của hàng hoá nước ngoài trên thị trường, thì tinh thần "Tự hào hàng Việt", để ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng nội địa thật đáng trân trọng. Hầu hết người tiêu dùng mua hàng Việt chính là bởi "Tự hào hàng Việt" được xuất phát từ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đó là cốt lõi để duy trì, phát triển, mở rộng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong đời sống.

 "Thắp lửa" niềm tự hào...

Từ khi triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Hàng loạt các giải pháp hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất đã được thực hiện nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án, tạo cơ hội cho nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại; chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; hàng kém chất lượng; theo dõi tình hình cung cầu, lưu thông hàng hóa, diễn biến giá cả thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sự cộng hưởng tích cực từ 3 nhà: Nhà doanh nghiệp, Nhà nước và nhà tiêu dùng đã tạo ra sức mạnh thực sự của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chắp cánh cho niềm "Tự hào hàng Việt" không ngừng bay cao, vươn xa...


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.