Nỗi niềm ở một khu dân cư

10:03, 11/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây khoảng chục năm, một bộ phận đồng bào Hrê huyện Minh Long, Ba Tơ về doi đất bên sông Vệ, thuộc thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) lập làng sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, do thiếu đất sản xuất...

Cả làng đi làm thuê

Cuối tháng Giêng, thời điểm mà người dân vùng nông thôn, miền núi ra đồng chăm sóc lúa đông xuân, làm mía, chăm sóc rừng trồng... thì nhiều hộ đồng bào Hrê ở thôn Trường Lệ phải đi khắp nơi tìm việc làm. Anh Phạm Văn Điệu bộc bạch: “Liên hệ nhiều nơi nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận để đi làm. Trong năm kiếm được ít tiền lo Tết, giờ phải đi làm để có tiền mua gạo”.

Hiện nay, đồng bào Hrê ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) phải đi làm thuê ở nhiều nơi để có thêm thu nhập.
Hiện nay, đồng bào Hrê ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) phải đi làm thuê ở nhiều nơi để có thêm thu nhập.


Hơn 4 năm qua, từ ngày anh Điệu lập gia đình, tách hộ ra ở riêng, năm nào cũng vậy, cứ sau tết Nguyên đán là anh phải xa gia đình lên các tỉnh Tây Nguyên để hái cà phê; vào Nam làm vườn, hoặc đến các xã phía tây huyện Ba Tơ thu hoạch mía, trồng keo... “Đất sản xuất không có nên phải tìm kiếm việc làm khắp nơi. Nếu có đất làm ruộng, trồng cây thì cũng đỡ phần nào”, anh Điệu nói.

Cuộc sống của anh Phạm Văn Đạt khá hơn anh Điệu đôi chút. Hơn 6 năm qua, do thiếu đất sản xuất, đất ở, thiếu tiền làm nhà nên gia đình anh ở chung với cha mẹ. Nhà bố mẹ anh ở đầu làng nên vợ chồng anh mở tiệm buôn bán tạp hóa. Cuộc sống của đồng bào Hrê ở thôn Trường Lệ quá nghèo, nên nhu cầu mua sắm không cao. Vì vậy, tiệm hàng tạp hóa của vợ chồng anh Đạt cũng chỉ bán đôi túi xà phòng, muối mắm và mì tôm, nên lợi nhuận không là bao, nên sau Tết anh cũng phải đi các nơi tìm kiếm việc làm.

Chị Phạm Thị Tân kể: "Chồng đi làm xa. Tôi cùng với mấy chị em trong làng tranh thủ lên núi hái lá nón để bán. Mai mốt đến mùa thu hoạch lúa đông xuân thì đỡ vất vả hơn. Vì ngày mùa trong làng và các xã lân cận ai cũng thuê làm công. Tiền công mỗi ngày cũng được 140.000 đồng...".

"Huyện sẽ chỉ đạo xã rà soát lại những hộ đồng bào Hrê thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở để có biện pháp giải quyết, nhằm giúp người dân đảm bảo cuộc sống, bảo tồn nét văn hóa truyền thống”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành BÙI ĐÌNH THỜI


Cần khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống

Thường sau tết Nguyên đán tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng trên các thôn của đồng bào Hrê. Thế nhưng, từ lâu rồi đồng bào Hrê ở thôn Trường Lệ không còn được nghe tiếng chiêng. Anh Phạm Văn Đạt kể: "Ngày còn nhỏ bọn trẻ ở làng rất hào hứng mỗi khi nghe tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên đâu đó. Trong đêm giao thừa, cả làng đốt lửa. Trai gái tụ tập quanh ngọn lửa để xem múa cà đáo, đánh cồng chiêng. Chúng tôi hiểu đó là tập tục, là nét văn hóa của đồng bào mình. Theo thời gian, người lớn tuổi mất dần. Bọn trẻ chúng tôi phải lo chuyện cơm áo, nên không còn nghĩ đến chuyện cồng chiêng nữa. Tiếng chiêng, tiếng cồng vì thế cũng mất dần...".

  Một góc thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).
Một góc thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).


Già Phạm Văn Bình có bộ chiêng 3, chiêng 5, nhưng lâu lắm rồi ông chưa có dịp đem ra giúp vui cho làng. “Sau tết Kỷ Hợi vừa qua, vì nhớ tiếng chiêng cha tôi đem ra đánh. Làng không còn đông vui như trước. Vì người dân đều bôn ba khắp nơi để lo chuyện cơm áo”, anh Đạt, con ông Bình cho hay.

Theo Trưởng thôn Trường Lệ  Cao Thanh Thông, toàn thôn có 175 hộ, trong đó có 58 hộ đồng bào Hrê. Trước đây, họ sống dọc ven sông Vệ. Năm 1999 - 2000, huyện Nghĩa Hành đã di dời 48 hộ Hrê vào khu tái định cư ở thôn Trường Lệ. Mỗi hộ được phân khoảng 100 - 250m2 đất ở và mỗi khẩu được chia khoảng 1 sào đất sản xuất.

Cuộc sống người dân còn khó khăn, nên Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 135 và 134. Theo năm tháng đất vùng ven sông Vệ bị xói lở, rừng quy hoạch theo diện rừng cộng đồng, số dân lại tăng lên, nên nhiều người thiếu đất sản xuất, đất ở...

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ đồng bào Hrê. Bên cạnh giải quyết việc làm, cần đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, nước sản xuất để người dân canh tác ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đào Thanh Công cho hay.


Bài, ảnh: MAI HẠ


.