Không mua bảo hiểm cháy, nổ sẽ bị xử phạt

08:05, 07/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quy định về mua bảo hiểm cháy, nổ (BHCN) bắt buộc được triển khai từ năm 2006, nhưng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... chưa thực hiện. Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15.4.2018 được kỳ vọng sẽ giúp quy định này được thực hiện nghiêm túc hơn.

TIN LIÊN QUAN

Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, Đại tá Võ Đức Nguyện cho biết: Mua BHCN là quy định bắt buộc được nêu trong Luật PCCC, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8.11.2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị không thực hiện mua BHCN, nhất là cơ quan hành chính nhà nước.

 Vụ cháy cơ sở chế biến xăm lốp ô tô cũ ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vào tháng 6.2017.                                       ẢNH: BS
Vụ cháy cơ sở chế biến xăm lốp ô tô cũ ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vào tháng 6.2017. ẢNH: BS


Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 1.485 cơ quan, đơn vị và cá nhân thuộc diện mua BHCN bắt buộc theo Nghị định 23, nhưng chỉ có 540 cơ sở mua BHCN và 67 cơ sở mua BHCN theo hình thức khác. Việc triển khai thực hiện mua BHCN trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là tại các chợ và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các chợ đều không bảo đảm điều kiện về PCCC, nên các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm.
 

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 46, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ sở thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc mà không mua theo quy định bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng. Đơn vị vi phạm nhiều lần có thể bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động; nếu để xảy ra sự cố cháy, nổ do chủ quan, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

“BHCN là loại hình bảo hiểm bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, như kho vật liệu nổ, kho dầu mỏ, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, chợ kiên cố, nhà ở tập thể, khách sạn, bệnh viện, trường học... Việc tham gia mua BHCN bắt buộc giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhanh chóng khắc phục hậu quả tổn thất, ổn định sản xuất, sinh hoạt, nếu có cháy, nổ xảy ra”, Đại tá Võ Đức Nguyện cho biết thêm.

Nghị định 23 bổ sung và quy định cụ thể hơn về các đối tượng bảo hiểm. Đó là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường, nếu có cháy, nổ xảy ra. Mặt khác, Điều 12 của Nghị định 23 nêu rõ, sẽ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về BHCN bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Theo Đại tá Võ Đức Nguyện, luật quy định là vậy, nhưng rất khó xử lý các cơ quan, đơn vị không mua BHCN bắt buộc. Nhiều cơ quan, đơn vị cho rằng không có tiền, ngân sách không bố trí khoản kinh phí mua BHCN, nếu mua thì cơ quan kiểm toán không cho quyết toán...  Để thực hiện BHCN bắt buộc có hiệu quả, thời gian tới Cảnh sát PCCC tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện mua BHCN bắt buộc; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động tiếp cận khách hàng, cải tiến các sản phẩm BHCN, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
 

 Hương Minh


 


.