Còn nhiều hạn chế trong cải cách hành chính

02:05, 22/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 vừa được Bộ Nội vụ công bố, Quảng Ngãi đứng thứ 63/63 tỉnh, thành với số điểm 59,69/100. Nhìn nhận rõ hạn chế trong cải cách hành chính (CCHC) để có giải pháp khắc phục là việc cần làm ngay của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Từ những con số biết nói

Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến Quảng Ngãi bị trừ điểm, xếp cuối bảng về chỉ số CCHC. Trách nhiệm này thuộc về cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Đối với công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, chỉ đạt 2,5/10. Nguyên nhân là do thiếu các báo cáo về ứng dụng công nghệ thông tin, báo cáo về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan, đơn vị được kiểm tra chưa báo cáo khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kiểm tra; các sáng kiến của tỉnh chưa có tính mới, tính hiệu quả và phạm vi áp dụng của những nội dung đề xuất... Vấn đề này thuộc trách nhiệm của nhiều sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.


Đối với tiêu chí xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 3/5 điểm. Trong năm 2017, phát hiện 52 văn bản trái pháp luật (của các sở, ngành, địa phương) nhưng chưa có văn bản nào được xử lý. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đạt 9,9/14,5 điểm. Lý do trừ điểm là do một số xã chưa niêm yết đầy đủ TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Các sở, ngành địa phương thực hiện niêm yết chủ yếu trên bảng treo tường, chưa công khai đầy đủ trên trang web. Chưa đạt 100% số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo cơ chế một cửa, hiện vẫn còn huyện Sơn Tịnh và 7 xã thuộc huyện Tây Trà chưa thực hiện. Số TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông giữa các cấp chính quyền chưa đạt yêu cầu; kết quả giải quyết TTHC chưa đạt 100%.
 

Hiện đại hóa hành chính công là tiêu chí thấp điểm nhất với 1,75/12 điểm. Theo đó, việc thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản (từ tỉnh đến cấp xã) chưa đạt 100%. Tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm chưa đạt; chưa thực hiện hồ sơ tiếp nhận/trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI); tỷ lệ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện công bố ISO 9001 theo quy định chưa đạt 100%; tỷ lệ đơn vị hành chính cấp xã công bố ISO 9001 theo quy định (dưới 40%)...

Tiêu chí về cải cách tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh đạt điểm cao nhất so với các tiêu chí khác về CCHC xét ở mức điểm đạt được trong điểm chuẩn (5/6,5 điểm). Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn hạn chế là, lãnh đạo cấp phòng tại các sở nhiều hơn hoặc bằng số lượng chuyên viên; việc xử lý các vấn đề đã phân cấp được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra còn nhiều hạn chế.

Tiêu chí về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 3,5/10 điểm. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn tại các cơ quan hành chính; một số cán bộ lãnh đạo ở các ban, ngành, địa phương bị xử lý kỷ luật; còn trường hợp bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng tại các sở, huyện chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn 100%...

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện CCHC. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về CCHC, nhất là cải cách TTHC giai đoạn 2016-2020... Ngoài ra, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Phải thừa nhận rằng, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ được nâng lên; thời gian giải quyết các TTHC ở các lĩnh vực được rút ngắn đáng kể... tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mới đây, Trung tâm Hành chính công tỉnh cũng đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, hiện tại ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế; công tác giám sát và xử lý vi phạm trách nhiệm ở một số nơi chưa nghiêm. Mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong liên thông giải quyết TTHC và giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chưa được thường xuyên, kịp thời.

Một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC. Nhân lực về công nghệ thông tin ở các địa phương còn hạn chế; thiết bị công nghệ thông tin ở các sở, ngành, địa phương xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp... Theo ông Đoàn Dụng, để nâng cao điểm số CCHC đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.


Bài, ảnh: MINH ANH


 


.