Dấu ấn mở đường

05:04, 29/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những con đường rộng, dài tít tắp chạy cắt ngang từng xóm làng, nối đồng bằng với miền núi, kéo vùng cao gần hơn với thị thành. Những đoàn xe chở hàng hóa ngược xuôi và những con đường chở bao ước mơ, khát vọng đổi đời... Đó là dấu ấn mở đường sau 43 năm giải phóng trên quê hương núi Ấn – sông Trà.

Những năm tháng cách trở

Những ngày mới giải phóng, Quảng Ngãi gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, hạ tầng giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng do chiến tranh. Trung tâm tỉnh lỵ ngày đó chỉ có các trục đường như Hùng Vương, Quang Trung, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo... Trong khi đó, đường về các huyện đồng bằng cũng chỉ có trục Quốc lộ 1. Đối với các huyện miền núi, hạ tầng giao thông gần như bằng không.

Quốc lộ 24 được đầu tư nâng cấp đã mở ra trang mới cho huyện vùng cao Ba Tơ.
Quốc lộ 24 được đầu tư nâng cấp đã mở ra trang mới cho huyện vùng cao Ba Tơ.


Đã 43 năm trôi qua, nhưng với những người bước ra từ cuộc chiến và xây dựng quê hương đến ngày hôm nay, ký ức về những con đường thì không thể nào quên. Cụ Nguyễn Đình Tấn, nay đã ngoài 80 tuổi, từng kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc dù không còn minh mẫn như xưa, nhưng khi nhắc lại một thời hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương, mở đường phát triển kinh tế thì đôi mắt cụ sáng hẳn lên.

Cụ Tấn cho biết, sau ngày giải phóng, tuyến đường duy nhất đảm bảo đi lại là Tỉnh lộ 623B bây giờ, nhưng cũng chỉ là đường đất rộng chưa đến 4m. Bằng mọi giá phải khắc phục lại hạ tầng giao thông, vì nếu không có đường thì khó phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, chúng tôi ra sức mở đường đến các vùng sản xuất, đến các khu dân cư.

Còn nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Đinh Văn Dép, khi trò chuyện về những năm tháng cách trở ấy, ông chỉ dùng một từ duy nhất: Quá khó khăn! Ông Dép kể, ngày đó Sơn Hà là huyện miền núi, gồm cả huyện Sơn Tây bây giờ, giao thông đi lại gian nan khó mà tả hết. “Tuyến đường duy nhất nối Sơn Hà với đồng bằng là Quốc lộ 24B ngày nay. Những cán bộ như tôi muốn về tỉnh họp đều đi xe U-oát, nhưng phải mất cả ngày trời mới đến nơi, trên xe lúc nào cũng dự trữ lương khô, nước uống và... dầu, để phòng khi xe hết dầu. Còn mỗi khi đi cơ sở nắm tình hình đời sống người dân, đa phần là đi bộ vài ngày trời, vì không có đường”, ông Dép kể.

Chắp cánh cho sự phát triển

Cách trở về giao thông đã ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là sau ngày tái lập tỉnh. Nhận rõ điều này, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức mở đường, xây cầu. Qua 43 năm, hàng trăm kilômét đường đã được đầu tư phủ khắp từ đồng bằng, thành thị đến miền núi, hải đảo. Những con đường hoàn thành, tạo nên sức sống mới cho các vùng quê.

Huyện Trà Bồng nằm ở phía tây bắc tỉnh, còn nhiều khó khăn, cách trở. Với quyết tâm "kéo" Trà Bồng gần hơn với miền xuôi, dự án đường Sông Trường-Bình Long được tỉnh quyết định đầu tư. Là một trong số ít dự án vào thời điểm đó có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 600 tỷ đồng, thế nên khi triển khai thực hiện đã có không ít lời ra tiếng vào, bởi số tiền bỏ ra quá lớn, trong khi hàng trăm công trình cấp thiết khác đang chờ vốn. Công trường ngày đó trải dài hàng chục kilômét cắt núi, xẻ đồi, với không khí vô cùng khẩn trương và hơn 10 năm kể từ ngày dự án hoàn thành, tuyến đường đã "đánh thức" tiềm năng của cả vùng phía tây của tỉnh.

Tiếp nối công cuộc mở đường, những năm qua, công tác đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được thực hiện đã và đang mở ra cơ hội mới cho nhiều địa phương. Trước năm 2009, ngoài Tỉnh lộ 623, người dân huyện Sơn Tây không còn tuyến đường nào khác để giao thương, thì sau khi đường Đông Trường Sơn hoàn thành đã mở ra trang mới với người Ca Dong xứ ngàn cau. Giao thương cách trở đã dần được xóa bỏ, hàng hóa người dân làm ra không còn cảnh chờ thương lái đến thu mua như ngày trước.

Công cuộc mở đường trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành động lực vô cùng lớn đối với những định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh. Dự án đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh (giai đoạn 1) đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng, đã “thay áo mới” cho vùng cát trắng ven biển này. Ông Nguyễn Vinh, ở xã Bình Châu, tâm sự: “Từ khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại của bà con rất thuận lợi, giao thương hàng hóa ngày một nhiều hơn và đặc biệt, tuyến đường đã tạo ra diện mạo mới cho vùng đất ven biển này”.

Những tuyến đường hình thành không chỉ góp phần thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội. Ngày nay, hàng nghìn hộ dân huyện vùng cao Sơn Tây và Sơn Hà đã biết tận dụng lợi thế giao thông để làm giàu. Mỗi ngày trên hai trục đường Tỉnh lộ 623B và Quốc lộ 24B, xe tải chở hàng nông lâm sản nối đuôi nhau chở hàng hóa về xuôi. Nói như Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, những tuyến đường được đầu tư bài bản như chắp thêm đôi cánh cho khát vọng thoát nghèo của người dân nơi đây.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 


.